Cập nhật: 13/04/2025 12:59:00
Xem cỡ chữ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày và giảm mức thuế xuống 10% trong giai đoạn này với hơn 70 đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và xây dựng các giải pháp ứng phó những biến động thị trường.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần may mặc Bình Dương. (Ảnh: HOÀNG ANH)

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho biết, năm 2024, xuất khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ đạt 16,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 38% kim ngạch xuất khẩu của ngành; nhập khẩu từ Hoa Kỳ gần 1,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 4,8%, trong đó, nhập bông 681 triệu USD, vải 46 triệu USD, nguyên phụ liệu 469 triệu USD.

Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Hoàng Mạnh Cầm cho rằng, việc Hoa Kỳ tạm dừng áp thuế đối ứng 46% trong 90 ngày và giảm mức thuế xuống 10% giai đoạn này sẽ giúp doanh nghiệp có sự chủ động các giải pháp nhằm thích ứng với những bất định của thị trường, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa để sớm cán mốc các mục tiêu đề ra.

Ông Hoàng Mạnh Cầm cũng cho rằng, dù mức thuế 10% hay bao nhiêu đều ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng tại Hoa Kỳ, bởi thuế tăng dẫn tới nhu cầu tiêu dùng giảm. Dệt may là mặt hàng nhạy cảm nên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đang đàm phán và yêu cầu các đơn vị sản xuất ở Việt Nam phải chia sẻ ít nhất 50%, thậm chí 100% phần chi phí tăng thêm đối với người tiêu dùng; tức là giá bán không thay đổi, phần tăng thêm do đơn vị sản xuất chịu. Điều đó dẫn đến những bất lợi khi doanh nghiệp phải đối diện với đơn hàng và đơn giá bị giảm. Nếu không đồng ý, khách hàng sẽ dịch chuyển sang các nước khác với chi phí sản xuất thấp hơn.

Ông Hoàng Mạnh Cầm cũng cho rằng, dù mức thuế 10% hay bao nhiêu đều ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng tại Hoa Kỳ, bởi thuế tăng dẫn tới nhu cầu tiêu dùng giảm.

Ngoài ra, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đang đàm phán và yêu cầu các đơn vị sản xuất ở Việt Nam phải chia sẻ ít nhất 50%, thậm chí 100% phần chi phí tăng thêm đối với người tiêu dùng; tức là giá bán không thay đổi, phần tăng thêm do đơn vị sản xuất chịu.

Ông Hoàng Mạnh Cầm cho rằng, Chính phủ cần xem xét giải pháp kích cầu thị trường nội địa để bù đắp phần bị thiếu hụt; giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập cá nhân cho người dân, đồng thời chưa tăng tiền điện và tiền lương tối thiểu vùng để giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, tăng thuế nhập khẩu sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Mỹ nên các doanh nghiệp cần bình tĩnh, sáng suốt đưa ra các giải pháp mang tính bền vững như tăng cường quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao trình độ tay nghề người lao động nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, tiến hành đàm phán với khách hàng, nhãn hàng trên tinh thần cùng chia sẻ khó khăn, bảo đảm ổn định lực lượng sản xuất.

Ngay khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam trong 90 ngày, các doanh nghiệp đã khẩn trương đẩy mạnh sản xuất, đồng thời đàm phán với các khách hàng để giải quyết các đơn hàng đã ký và đang sản xuất.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương, thị trường Mỹ không trực tiếp sản xuất ra hàng may mặc mà chủ yếu nhập khẩu nên cũng là cơ hội để đàm phán giảm thuế.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần thay đổi phương thức sản xuất, chuyển dần sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm), ODM (sản xuất thiết kế gốc)… để tăng giá trị, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng.

Đồng thời, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, tận dụng các FTA, phát triển các thị trường tiềm năng như Nga, khu vực Trung Đông, châu Mỹ, châu Phi...

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, xuất khẩu hàng may mặc vào Mỹ của Việt Nam hiện có các dòng thuế khác nhau như có mặt hàng chịu thuế 0%, 7%, 12% hay mặt hàng áo khoác hiện đang áp 27%. Chính phủ đang triển khai các giải pháp, tích cực đàm phán để xem xét, vận dụng và áp dụng các dòng thuế ra sao trong thời gian tới.

Bên cạnh các giải pháp ứng phó, doanh nghiệp cần kiểm soát, truy soát nguồn gốc, minh bạch thông tin nguồn cung nguyên phụ liệu, tránh vi phạm các quy định, gây bất lợi tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.

Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/xay-dung-giai-phap-ung-pho-bien-dong-thi-truong-post872026.html