Thương vụ Việt Nam tại Philippines dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines năm 2025 vẫn ở mức cao và Việt Nam tiếp tục là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu của Philippines.
Trong những năm qua, Philippines là thị trường truyền thống đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam, với thị phần chiếm khoảng từ 80% - 85%. Lượng gạo và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines luôn chiếm trên 40% đến gần 45% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Kể từ năm 2022, gạo của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Philippine hàng năm luôn đạt trên 3 - 4 triệu tấn, cụ thể, năm 2022 đạt 3,214 triệu tấn, năm 2023 đạt 3,150 triệu tấn, năm 2024 đạt khoảng 4,150 triệu tấn, năm 2025 dự báo đạt khoảng 4,350 triệu tấn.
Mặc dù Philippines đã và đang nỗ lực trong việc tìm kiếm đa dạng hóa nguồn cung, nhưng gạo Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đứng vững tại thị trường Philippines do có thế mạnh riêng, có khả năng cạnh tranh tại thị trường. Một là, gạo Việt Nam có phẩm cấp, chất lượng, giá cả phù hợp nên có tính cạnh tranh, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Philippines, đặc biệt là tầng lớp đông đảo dân cư có thu nhập trung bình và thấp.

Gạo Việt Nam có nhiều lợi thế tại thị trường Philippines bởi những thế mạnh riêng
Hai là, nguồn cung gạo ổn định của Việt Nam, khoảng cách địa lý, chi phí và thuận tiện trong chuyên trở, đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines. Ba là, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, đã tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với các bạn hàng Philippines.
Nhằm kiểm soát và hướng tới mục tiêu giảm giá bán lẻ gạo, ngày 20/1/2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đề xuất và được Chính phủ Philippines cho phép để yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu, cửa hàng bán lẻ, thương nhân kinh doanh gạo tuân thủ thực hiện chính sách “giá bán lẻ gạo tối đa theo đề xuất” (MSRP – Maximum Suggested Retail Price) không quá 58 pesos/kg gạo.
Thương vụ dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines trong năm 2025 và trong các năm tiếp theo thực tế vẫn ở mức cao, bởi trong một thời gian ngắn Philippines không có khả năng tăng năng lực sản xuất lúa nội địa để đáp ứng nhu cầu trong nước, trong khi nhu cầu hàng năm không ngừng tăng. Tuy nhiên, các động thái chính sách do Philippines thực hiện, nhằm mục tiêu giảm giá bán lẻ gạo trên thị trường có thể gây tâm lý bất an, hoặc dẫn tới mức lợi nhận không được như kỳ vọng cho các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, có thể sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam.
Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng không loại trừ khả năng Philippines sẽ tìm được những nguồn cung gạo mới, nhằm giảm phụ thuộc vào bên cung ứng gạo duy nhất là Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gạo, bên cạnh tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới, cần quan tâm duy trì đảm bảo vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam tại Philippines.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Philippines, để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam. Gạo của Việt Nam cần được tiếp tục giữ vững, đảm bảo ổn định và không ngừng nâng cao chất lượng qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Các doanh nghiệp cũng cần đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình, chất lượng thấp hơn để phục vụ cho một số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-gao-viet-nam-vao-philippines-nam-2025-co-the-dat-4350-trieu-tan-post1192055.vov