Du lịch Halal không chỉ cần các sản phẩm dịch vụ đạt chuẩn mà quan trọng hơn là tạo niềm tin với cộng đồng Hồi giáo. Niềm tin đó được gây dựng từ dịch vụ chuẩn, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản...

Du lịch Việt đang là điểm đến được lựa chọn của dòng khách từ Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
“Nếu được chào đón, tôn trọng và hỗ trợ thì người Hồi giáo sẽ không chỉ đáp lại mà còn làm như vậy gấp 10 lần.” Đây là thông điệp mà Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Hồi giáo Pakistan, ông Kohdayar Marri gửi gắm trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế với chủ đề “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn Thành phố Hà Nội.”
Sự kiện do Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Đại sứ quán một số quốc gia tại Việt Nam… vừa tổ chức sáng nay, ngày 15/4, tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham gia của gần 150 đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm các nhà ngoại giao, chuyên gia, học giả, doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức chứng nhận Halal, cùng đại diện các Đại sứ quán Azerbaijan, Pakistan, Iran, Palestine và Thổ Nhĩ Kỳ. Các chuyên gia cho rằng du lịch Halal có thể trở thành “cú hích” cho các doanh nghiệp Việt, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm thông qua phục vụ dòng khách từ Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo.
Thị trường giàu tiềm năng
Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành công nghiệp Halal (thực phẩm và đồ uống Halal, dược phẩm Halal, mỹ phẩm Halal, thời trang và nghệ thuật, kinh tế số Hồi giáo, y tế và chăm sóc sức khỏe, du lịch thân thiện với người Hồi giáo…) với quy mô thị trường ước tính lên tới 3.000 tỷ USD, Việt Nam đang dần nổi lên như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây không chỉ là cơ hội kinh tế, mà còn là một chiến lược hội nhập sâu rộng về văn hóa, giáo dục và du lịch giữa Việt Nam và cộng đồng hơn 1,9 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới.

Du khách Ấn Độ tham quan Dinh Độc Lập, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tại Việt Nam, du lịch Halal đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ khu vực. Khái niệm Halal đã trở thành một chuẩn mực quốc tế về chất lượng, an toàn và đạo đức trong sản xuất – dịch vụ.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, tiến sỹ Trịnh Thị Thu Hà nhận định: “Du lịch Halal đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu, dự kiến sẽ đóng góp gần 350 tỷ USD cho ngành du lịch thế giới vào năm 2030. Với hơn 1,9 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới, đây là một thị trường đầy tiềm năng mà Việt Nam cần chủ động tiếp cận.”
Trong khi đó, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam, ông Shovgi Kamal Oglu Mehdizade đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn cho sự phát triển của du lịch Halal, đặc biệt là đối với các quốc gia Hồi giáo và ngày càng trở thành điểm đến thu hút với nhiều quốc gia như Pakistan, Azerbaijan, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, hay kể tới hàng trăm nghìn du khách đến từ các Quốc gia Ả rập.
“Hầu hết khách du lịch Hồi giáo khi đến đây, họ tìm kiếm các nhà hàng đạt chuẩn Halal, dịch vụ Halal tại các khách sạn, cũng như họ yêu thích các bãi biển và ẩm thực phong phú, đa dạng của Việt Nam… Tôi nghĩ rằng trong tương lai, chúng ta có thể kết nối các công ty du lịch, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam với các công ty du lịch, lữ hành từ Azerbaijan để có thể đón được nhiều hơn các đoàn du khách từ đất nước của chúng tôi tới thăm Việt Nam,” Đại sứ Shovgi Kamal Oglu Mehdizade chia sẻ.
Tiềm năng là vậy, nhưng với Hà Nội, điểm đến có nhiều thế mạnh về cảnh quan, ẩm thực và hạ tầng du lịch, vẫn chưa phát triển đồng bộ các sản phẩm và dịch vụ Halal. Vì thế làm thế nào để Hà Nội trở thành điểm đến thân thiện với cộng đồng Hồi giáo chính là câu chuyện cần bàn.

Du khách Ấn Độ thăm quan Khu du lịch sinh thái Tràng An, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)
Hà Nội: Điểm đến thân thiện với người Hồi giáo
Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia, ông Ramlan Osman đã chia sẻ những thông tin về giá trị của chứng nhận Halal, nhận thức đầy đủ về du lịch thân thiện với người hồi giáo, điều kiện cần thiết phục vụ du khách Halal (như khách sạn, cách thức quảng bá, thực hiện các cam kết về quản lý, quy trình cấp chứng nhận Halal và các loại chứng nhận Halal); các chương trình, nội dung đào tạo, tiềm năng của du lịch Hồi giáo
Theo ông Ramlan Osman, để có thể phục vụ thị trường Halal, ngành dịch vụ du lịch cần đảm bảo thực phẩm đạt chuẩn Halal, có cơ sở vật chất phục vụ cầu nguyện, có các dịch vụ liên quan đến tháng Ramadan, sự riêng tư trong hoạt động giải trí, các gói du lịch tập trung về gia đình…
Đặc biệt, khách sạn phải thực sự thân thiện với người Hồi giáo bằng việc: “Đảm bảo đủ các yếu tố như có ít nhất một nhà hàng đạt chuẩn Halal; có biển chỉ hướng lễ nguyện cho người Hồi giáo trên trần nhà; có tấm thảm lễ nguyện và Kinh Qu’ran; có thông tin cập nhật về thời gian cầu nguyện; có khu bể bơi/ gym tách biệt; có buffet cho bữa ăn xả chay trong tháng Ramadan; có bữa ăn trước Rạng Đông chuẩn bị cho ngày nhịn chay; có phòng cầu nguyện riêng, đặc biệt là với các khách sạn MICE; có người phụ trách kiểm tra về Halal,” ông Ramlan Osman nói.

Các đại biểu tham gia hội thảo sáng nay, tại Hà Nội. (Ảnh: BTC)
Hà Nội là một trong ba thành phố được Bộ Ngoại giao lựa chọn thí điểm hỗ trợ xúc tiến sản phẩm Halal (cùng Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng). Song, thực tế đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ, nguồn nhân lực… cho thị trường Halal ở Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn hạn chế.
Để có thể trở thành điểm đến thân thiện với người Hồi giáo, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò đào tạo nhân lực có hiểu biết về văn hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến và thúc đẩy kết nối quốc tế bền vững.
Theo tiến sỹ Trịnh Thị Thu Hà, muốn phát triển du lịch gắn với Halal tốt, vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo con người đóng vai trò tiên quyết. “Thật đáng tiếc khi tình trạng thiếu nguồn nhân lực là một trong những nguyên nhân khiến số lượng du khách Hồi giáo đến Việt Nam còn khá khiêm tốn đòi hỏi các cơ sở đào tạo du lịch trên toàn quốc cần chung tay chuẩn bị cho nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu,” bà Thu Hà chia sẻ.
Là cơ sở đào tạo về lĩnh vực du lịch và thương mại, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết nhà trường vừa chính thức thành lập Trung tâm Đào tạo Halal (Halal Training Center). Theo đó, trung tâm sẽ triển khai các khóa học cơ bản và nâng cao về Halal, đồng thời giới thiệu chương trình đào tạo theo quy chuẩn quốc gia về du lịch thân thiện với người Hồi giáo. Đáng chú ý, chương trình này lần đầu tiên được áp dụng tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Trường đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược với nhiều đối tác trong và ngoài nước, thể hiện cam kết hợp tác trong đào tạo, cung cấp cơ hội thực hành nghề, phát triển sản phẩm dịch vụ theo chuẩn Halal và đồng hành quảng bá du lịch Việt Nam ra thị trường Hồi giáo quốc tế.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, tiến sỹ Trịnh Thị Thu Hà. (Ảnh: BTC)
Các cam kết này giống như những viên gạch “niềm tin” đầu tiên, cần thiết để xây dựng nền móng du lịch Halal vững chắc, từ đó mới nghĩ đến chuyện đi xa. Bởi du lịch Halal không chỉ là cung cấp các sản phẩm dịch vụ đạt chuẩn mà quan trọng hơn là việc tạo ra niềm tin với cộng đồng du khách Hồi giáo. Mà muốn gây dựng niềm tin, chúng ta cần dịch vụ chuẩn, người làm dịch vụ được đào tạo bài bản.
Thông qua hội thảo, ban tổ chức mong muốn đóng góp thiết thực vào mục tiêu đưa Hà Nội trở thành điểm đến thân thiện, hội nhập, nơi mà cộng đồng Hồi giáo quốc tế có thể tìm thấy sự đón tiếp tôn trọng, dịch vụ đạt chuẩn và những trải nghiệm văn hóa trọn vẹn. Từ đó góp phần nâng cao năng lực hội nhập, mở rộng hợp tác giáo dục, du lịch và thương mại giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Halal./.
“Việt Nam coi trọng phát triển ngành Halal, xác định đây là định hướng mới trong hoạt động sản xuất, coi Halal là cơ hội vàng để Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, hợp tác với đối tác, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”.
Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Halal toàn quốc diễn ra vào cuối tháng 10/2024, thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp Halal.
Theo (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/du-lich-viet-tro-thanh-diem-den-than-thien-voi-nguoi-hoi-giao-cach-nao-post1029890.vnp