Miền Trung không chỉ là vùng đất của những giá trị cổ kính, khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất mà còn đang trở thành không gian cho những hình thức thưởng thức mới.

Du khách đến tham quan khu di tích Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng) thuộc xã Hương Thọ, thành phố Huế. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Nghệ thuật, công nghệ và di sản đang hòa làm một để đưa du khách từ những hoài niệm trong quá khứ đến cảm hứng cho tương lai. Từng địa phương đang làm tốt vai trò "nhạc cụ" trong bản giao hưởng du lịch miền Trung - nơi du khách không chỉ đến để xem mà còn trải nghiệm và sống cùng di sản.
Trải nghiệm, sống lành
Sau những biến động của COVID-19, xu hướng du lịch toàn cầu đang chuyển đổi rõ rệt từ du lịch chớp nhoáng sang trải nghiệm lâu dài, từ vui chơi bề nổi đến tìm lại chính mình trong chiều sâu tâm thức. Các loại hình du lịch như thiền định, sống chậm đang dần trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều du khách quốc tế.
Trong xu hướng đó, miền Trung Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến lý tưởng với không gian thiên nhiên trong lành, nhiều ngôi chùa Phật giáo danh tiếng, các di sản gắn tinh thần Phương Đông. Đây là vùng đất rất phù hợp cho các hành trình thiền, du lịch tâm linh và chữa lành tinh thần. Các tour "7 ngày tịnh tâm xứ Huế", "Thiền dưỡng Mỹ Sơn buổi bình minh" hay "Lộ trình hướng nội"… đang được nhiều đơn vị khai thác.
Một ý tưởng tiên phong đáng chú ý là chuyển "xuất khẩu lao động" sang "xuất khẩu môi trường sống". Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn vận tải và du lịch Vitraco đề xuất ý tưởng: Thay vì phải đưa lao động sang làm việc tại thị trường Nhật Bản để chăm sóc người già, chúng ta có thể làm ngược lại, đó là mời người già Nhật Bản sang du lịch dài ngày tại miền Trung Việt Nam. Với môi trường, khí hậu phù hợp người cao tuổi, miền Trung sẽ thu hút nhiều du khách ở phân khúc này; đồng thời sẽ kéo được rất nhiều lượt du khách khác là con cháu của những người cao tuổi sang thăm, trải nghiệm và sống.
"Người cao tuổi Nhật Bản vốn yêu thiên nhiên, yên tĩnh và thiền định. Đây chính là điều kiện vốn có của miền Trung và với hệ thống dịch vụ sức khỏe đang được đầu tư, không gian sinh thái, giá sinh hoạt thấp và bản sắc văn hóa đậm đà, miền Trung có thể trở thành vùng đất đáng sống của khu vực", ông Tùng đề xuất.
Điều cần làm là mở rộng cơ chế, thoáng hơn về thời gian cho du khách, lực lượng lao động đủ tiêu chuẩn. Miền Trung đủ tự tin để đưa đến cho du khách khắp thế giới những giá trị của quê hương mình.
Trung tâm kết nối, điểm khởi hành cho những trải nghiệm Di sản miền Trung

Quang cảnh ven biển Mỹ Khê (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Ảnh: Văn Dũng/TTXVN
Hè 2025 được dự báo là mùa hè thật sự sôi động của du lịch miền Trung. Với lợi thế hàng đầu về du lịch biển, các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam vẫn xem du lịch biển mùa hè là trọng tâm phát triển bằng những lợi thế lớn.
Năm trước, bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) được tổ chức TripAdvisor xếp vào Top 10 bãi biển đẹp nhất châu Á. Trước đó, Tạp chí Forbes đã bình chọn Mỹ Khê là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Với Quảng Nam, bãi biển An Bàng đã được CNN bình chọn 1 trong 50 bãi biển đẹp nhất hành tinh; bãi biển Cửa Đại được bầu chọn 1 trong 25 bãi biển đẹp nhất châu Á (2023). Trong khi đó, vịnh Lăng Cô (Huế) được vinh danh là 1 trong những vịnh đẹp nhất thế giới.
Ngành du lịch Đà Nẵng đưa ra kịch bản thu hút hơn 3,1 triệu lượt khách trong mùa hè 2025, trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế. Bên cạnh lợi thế về du lịch biển, để đa dạng những trải nghiệm cho du khách, Đà Nẵng dự kiến sẽ khai trương Bảo tàng Đà Nẵng cơ sở 42 Bạch Đằng, hoàn thành nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm... Khu du lịch Bà Nà Hill có tham vọng lập nên những kỷ lục mới về lượng khách và doanh thu trong mùa hè với Lễ hội bia thủ công...
Tại Huế, với 26 sự kiện thể thao, văn hóa, du lịch trong chương trình “Lễ hội mùa hạ - Kinh thành tỏa sáng” trong Năm du lịch quốc gia 2025. Dự kiến, mùa hè này tại mảnh đất Cố đô cũng rất sôi động.Để hành trình di sản miền Trung thực sự trở thành một "đường tour sống", cần một trung tâm khởi hành thuận tiện, hiện đại, có khả năng điều phối và không nơi nào phù hợp hơn Đà Nẵng.
Với lợi thế vượt trội về hạ tầng giao thông, từ sân bay quốc tế Đà Nẵng - nơi vừa khai trương thêm các đường bay mới đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và châu Âu đến hệ thống đường cao tốc, ga tàu hỏa trung tâm và cảng biển Tiên Sa, Đà Nẵng đang trở thành "cửa ngõ đầu tiên" của khách quốc tế và nội địa khi đến miền Trung.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn vận tải và du lịch Vitraco đề xuất: Đà Nẵng cần được xem là trung tâm điều phối du lịch liên vùng. Với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, môi trường kinh doanh minh bạch và tinh thần đổi mới liên tục, thành phố đã và đang dẫn dắt xu hướng làm du lịch chuyên nghiệp, từ số hóa trải nghiệm đến tổ chức sự kiện quy mô quốc tế như, Lễ hội Pháo hoa quốc tế, các giải chạy, lễ hội ẩm thực...
Từ Đà Nẵng, du khách có thể dễ dàng khởi hành đến Hội An - Mỹ Sơn, Huế, Quảng Trị - Quảng Bình chỉ trong vài giờ. Nhưng điều quan trọng hơn, Đà Nẵng mang đến cảm giác hiện đại, tiện lợi, an toàn, là "trạm dừng đầu tiên" để du khách nạp năng lượng, chuẩn bị bước vào một hành trình khám phá văn hóa - di sản sâu sắc hơn.
Đầu tháng 4 này, các công ty lữ hành Crystal Bay Tour và Rustar DMC Vietnam đưa 300 hành khách đầu tiên từ Almaty (Kazakhstan) đến Đà Nẵng bằng đường bay thẳng. Hãng hàng không Vietjet khai thác tuyến bay này bằng tàu bay A330/300 với tần suất 4 chuyến mỗi tuần kéo dài đến tháng 10/2025. Trong đó, từ Almaty sẽ có 2 chuyến mỗi tuần vào thứ Ba và thứ Sáu và từ Astana (Thủ đô Kazakhstan) sẽ có 2 chuyến mỗi tuần vào thứ Tư và thứ Bảy. Cũng trong dịp này, Hãng hàng không Myanmar Airways International chính thức khai thác tuyến bay từ Yangon (Myanmar) tới Đà Nẵng với tần suất 2 chuyến mỗi tuần vào thứ Tư và thứ Bảy.
Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho rằng, việc mở đường bay thẳng Almaty (Kazakhstan) đến Đà Nẵng đánh dấu một cột mốc quan trọng lĩnh vực du lịch. Đà Nẵng hướng tới khai thác thị trường du khách Kazakhstan nói riêng và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). Từ đây góp phần thúc đẩy du lịch Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung.
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng vừa được Tổ chức đánh giá hàng không quốc tế (Skytrax) xếp hạng 84 trong Top 100 sân bay tốt nhất thế giới (tăng 10 bậc so với năm 2024) và xếp thứ 9 trong Top 10 sân bay tốt nhất châu Á năm 2025. Đây là năm thứ 2 liên tiếp sân bay quốc tế Đà Nẵng góp mặt trong bảng xếp hạng danh giá này. Sân bay Đà Nẵng là một trong 3 cảng hàng không quốc tế nhộn nhịp nhất Việt Nam sau Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Hiện Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã kết nối 8 đường bay nội địa đi và đến Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc với tần suất trung bình 59 chuyến/ngày. Trước khi mở 3 đường bay mới đi và đến Kazakhstan, Myanmar, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng có 15 đường bay quốc tế thường kỳ nối với các thành phố Bangkok (Thái Lan), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Đài Bắc - Cao Hùng (Đài Loan), Macau (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Siêm Riệp (Campuchia), Incheon - Busan - Daegu - Cheongju (Hàn Quốc), Narita (Nhật Bản), Manila (Philippines), Ahmedabad (Ấn Độ) với tần suất trung bình 53 chuyến/ngày.
Với định hướng phát triển đa dạng hóa thị trường quốc tế, Đà Nẵng kỳ vọng tiếp tục mở rộng mạng lưới đường bay quốc tế, kết nối Đà Nẵng các điểm đến trên toàn cầu. Đà Nẵng đủ điều kiện để làm trung tâm của dải đất Di sản miền Trung. Chỉ cần một điểm đến, rồi từ đây, du khách sẽ bắt đầu những trải nghiệm bất tận.
Theo Kha Phạm - Hải Âu (TTXVN)
https://baotintuc.vn/du-lich/khi-cong-dong-la-trai-tim-cua-du-lich-mien-trung-20250415143049078.htm