Cập nhật: 18/04/2025 07:52:00
Xem cỡ chữ

Theo WTO, dựa trên các biện pháp thuế quan hiện tại, bao gồm cả việc Mỹ tạm hoãn 90 ngày áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới năm 2025 dự kiến giảm 0,2%.

Trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN

Triển vọng thương mại toàn cầu đã xấu đi đáng kể do những lo ngại từ các biện pháp thuế quan khó lường của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và bất ổn trong chính sách thương mại.

Đây là nhận định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong báo cáo "Triển vọng và thống kê thương mại toàn cầu" mới nhất vừa được công bố.

Theo báo cáo, dựa trên các biện pháp thuế quan hiện tại, bao gồm cả việc Mỹ tạm hoãn 90 ngày áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới năm 2025 dự kiến giảm 0,2%.

Con số này thấp hơn gần 3 điểm phần trăm so với mức dự kiến nếu không có những thay đổi chính sách thuế gần đây, đánh dấu sự đảo ngược đáng kể so với đầu năm khi các nhà kinh tế của WTO còn kỳ vọng vào thương mại mở rộng nhờ các điều kiện kinh tế vĩ mô cải thiện. Dự báo, thương mại toàn cầu có thể phục hồi khiêm tốn ở mức 2,5% vào năm 2026.

Bức tranh kinh tế tổng thể cũng trở nên u ám hơn. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới hiện dự kiến chỉ tăng 2,2% trong năm nay, thấp hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đây, sau đó phục hồi nhẹ lên mức 2,4% vào năm tới.

ttxvn-kinh-te-my-resize.jpg

Hoạt động tại cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong báo cáo, WTO chỉ ra 2 mối đe dọa chính có thể khiến tình hình tồi tệ hơn. Thứ nhất là việc Mỹ có thể kích hoạt lại các mức thuế đối ứng đang tạm hoãn. Nếu điều này xảy ra, tăng trưởng thương mại hàng hóa thế giới sẽ giảm thêm 0,6 điểm phần trăm.

Thứ hai, sự bất ổn về chính sách thương mại có thể vượt khỏi phạm vi các mối quan hệ liên quan đến Mỹ khiến tăng trưởng thương mại giảm thêm 0,8 điểm phần trăm.

Nếu cả hai kịch bản này cùng xảy ra, thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng suy giảm nghiêm trọng với mức giảm tới 1,5% năm 2025. Hậu quả sẽ đặc biệt nghiêm trọng đối với các nước kém phát triển - những quốc gia vốn đã rất dễ bị tổn thương trước những biến động thương mại toàn cầu.

Theo phân tích của WTO, tác động của những thay đổi chính sách thương mại gần đây sẽ không đồng đều giữa các khu vực. “Cơn bão” thuế quan dự kiến tác động nặng nề nhất đến Bắc Mỹ, nơi xuất khẩu được dự báo sẽ giảm tới 12,6% trong năm nay - một con số chưa từng thấy nhiều thập kỷ qua.

Khu vực này sẽ làm giảm 1,7 điểm phần trăm tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu. Trong khi đó, châu Á và châu Âu vẫn đóng góp tích cực cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng mức đóng góp này thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu. Đặc biệt, sự đóng góp của châu Á - vốn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính - giờ chỉ được dự báo còn 0,6 điểm phần trăm, giảm một nửa so với dự báo trước đó.

Sự gián đoạn trong thương mại Mỹ-Trung dự kiến "sẽ kích hoạt sự chuyển hướng thương mại đáng kể," làm dấy lên lo ngại giữa các thị trường thứ ba về sự cạnh tranh gia tăng từ phía Trung Quốc. Nhiều khu vực được dự báo giảm xuất khẩu sang Mỹ với mức giảm lớn nhất là từ Trung Quốc (77%).

Hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc dự kiến giảm mạnh trong các lĩnh vực như dệt may, quần áo và thiết bị điện, tạo cơ hội xuất khẩu mới cho các nhà cung cấp khác có khả năng lấp vào khoảng trống.

Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc dự kiến tăng từ 4-9% trên tất cả các khu vực ngoài Bắc Mỹ khi dòng chảy thương mại được chuyển hướng.

ttxvn-kinh-te-trung-quoc-resize.jpg

Quang cảnh cảng hàng hóa tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thương mại dịch vụ, dù không trực tiếp chịu thuế quan, cũng được cho sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Sự sụt giảm trong thương mại hàng hóa có nguy cơ kéo nhu cầu đi xuống đối với các dịch vụ liên quan, như vận tải và logistics, trong khi sự bất ổn lan rộng hơn có thể khiến chi tiêu cho du lịch và các dịch vụ liên quan đến đầu tư giảm. Thương mại dịch vụ toàn cầu hiện được dự báo tăng 4% năm nay và 4,1% vào năm 2026, thấp hơn đáng kể so với các dự báo trước đó lần lượt là 5,1% và 4,8%.

Khi trình bày báo cáo, Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, bày tỏ đặc biệt lo ngại về "sự tách rời" giữa Mỹ và Trung Quốc. Thương mại giữa 2 nền kinh tế đầu tàu dự kiến sẽ giảm mạnh khoảng 81-91% nếu không miễn thuế quan cho các sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh.

Bà cảnh báo về những "hậu quả sâu rộng" có nguy cơ khiến nền kinh tế toàn cầu phân mảnh mạnh hơn theo các đường lối địa chính trị thành hai khối biệt lập. Theo kịch bản này, WTO dự báo GDP thực tế của thế giới sẽ giảm gần 7% trong dài hạn.

Ông Ralph Ossa, nhà kinh tế trưởng của WTO, cho rằng thương mại đang bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách, đặc biệt khi các mức thuế mới được áp dụng một cách đột ngột. Ông cho rằng các nước, đặc biệt là trong khu vực châu Âu và châu Á, cũng đang đối mặt với thách thức khi phải tìm thị trường mới cho hàng hóa truyền thống.

Chuyên gia này kết luận thế giới đang chứng kiến một sự thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh thương mại toàn cầu. Những diễn biến này cho thấy tầm quan trọng của các chính sách thương mại có thể dự đoán và ổn định đối với thương mại nói riêng và với khả năng phục hồi kinh tế nói chung.

Luật sư Alan Yanovich, cố vấn tại công ty luật Akin, từng làm việc nhiều năm tại WTO, cho rằng tình hình hiện nay rất phức tạp và có nhiều rủi ro. Ông cảnh báo rằng uy tín của hệ thống thương mại đa phương đang bị xói mòn khi các quy tắc chung bị suy yếu. Điều này có thể khiến một số quốc gia lựa chọn áp dụng các biện pháp tương tự, từ đó càng làm suy giảm lòng tin vào hệ thống.

Rủi ro khác là nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu. Hiện tại, mặc dù phần lớn các nước chọn đối thoại với Mỹ như một giải pháp thận trọng, song vẫn có nguy cơ xuất hiện các hành động trả đũa, có thể làm tăng thêm căng thẳng trong hệ thống.

ttxvn-wto.jpg

Biểu tượng của Tổ chức Thương mại Thế giới tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài ra, việc dòng thương mại bị chuyển hướng khỏi thị trường Mỹ có thể làm dấy lên các yêu cầu bảo hộ ngày càng tăng tại những khu vực tiếp nhận hàng hóa, từ đó tạo thêm áp lực cho hệ thống thương mại toàn cầu.

Chuyên gia Yanovich bày tỏ lo ngại rủi ro lớn nhất hiện nay là nguy cơ WTO bị tê liệt nếu không có hành động cụ thể. Việc dư luận quốc tế quá tập trung vào các động thái của Mỹ cũng khiến nhiều sáng kiến khác của WTO bị lu mờ.

Từ những gì đang diễn ra, thế giới sẽ học được những bài học “đắt giá” để ổn định và phát triển trong khủng hoảng. Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng bài học đầu tiên là sự phụ thuộc quá mức.

Một trong những bài học rõ ràng nhất từ cuộc khủng hoảng COVID-19 là tầm quan trọng của việc đa dạng hóa các nguồn cung. Căng thẳng thương mại hiện nay nhắc nhở các nước cũng phải đa dạng hóa nhu cầu.

Theo bà Ngozi Okonjo-Iweala, sự tập trung quá mức, dù là ở nơi mua hay nơi bán, đều dẫn đến sự phụ thuộc quá mức, khiến các nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc và nuôi dưỡng cảm giác chia sẻ gánh nặng bất công. Từ đó, người đứng đầu WTO kêu gọi các nước “tái toàn cầu hóa” để giảm bớt sự tập trung thương mại thông qua hội nhập nhiều quốc gia và khu vực ở bên lề lâu nay.

Thay vì dựng rào cản thương mại, đây có thể là lúc miễn trừ thuế cho các nước kém phát triển nhất và củng cố sự hội nhập vốn mong manh của họ vào nền kinh tế toàn cầu.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng, các thành viên WTO có cơ hội chưa từng có để tạo động lực mạnh mẽ cho tổ chức đa phương này, thúc đẩy một sân chơi bình đẳng, hợp lý hóa việc ra quyết định và điều chỉnh các thỏa thuận để thích ứng tốt hơn với thực tế toàn cầu hiện nay./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/wto-trien-vong-thuong-mai-toan-cau-xau-di-dang-ke-do-con-bao-thue-quan-cua-my-post1033460.vnp