Cập nhật: 21/04/2025 07:18:00
Xem cỡ chữ

Cả dân tộc đoàn kết, Bắc - Nam đoàn kết, tiền tiến gọi thì hậu phương đáp lời, hậu phương gọi thì tiền tuyến sẵn sàng chia lửa. Chính điều đó trở thành một sức mạnh của cả dân tộc và rõ ràng nhất là sức mạnh từ tình đoàn kết quân – dân.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là sự kiện trọng đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, không những khẳng định bản lĩnh và trí tuệ, sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam, mà còn là minh chứng cho phương pháp lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, hiệu quả của Đảng trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó đã mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, tạo cơ hội, tiền đề thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước. Trong rất nhiều bài học rút ra từ đại thắng, chúng ta có thể thấy rõ dấu ấn đậm nét nhất chính là sự thắm đượm tinh thần đoàn kết, nhất là tình quân dân như cá với nước.

Tấm bản đồ đô thành của má Sáu

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Viện sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kể lại một kỷ niệm sâu sắc về chuyến hành quân 1.700 km, minh chứng cho tình quân dân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 18/3/1975, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 30B, Quân đoàn 1, Binh đoàn Quyết Thắng, nhận lệnh hành quân toàn bộ Trung đoàn từ Tam Điệp vào Đông Hà tập kết để làm dự bị cho giải phóng Huế và Đà Nẵng. Quân số lúc đó khoảng 2.000 và gần 1.000 quân của các đơn vị tăng cường phối thuộc.

bai hoc Doan ket tu Dai thang mua xuan nam 1975 mai truong ton hinh anh 1

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Viện sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Do chiến dịch phát triển quá nhanh nên Huế và Đà Nẵng đã giải phóng. Đơn vị tiếp tục nhận được lệnh hành quân vào Nam.

Khi đang di chuyển thì nhận được điện "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!", ký tên Anh Văn.

Ông kể, khi đó anh em dù rất mệt nhọc nhưng nghe xong thì rất phấn khởi, chỉ ăn lương khô gạo rang, hành quân 12 ngày đêm để vào đến Đồng Xoài.

Sáng 26/4, quân ta bắt đầu giải phóng Tân Uyên và tới tối 29/4, Trung đoàn cách Lái Thiêu (Bình Dương) 10km.

Khi đó, theo hiệp đồng của Mặt trận là nếu chúng ta phát tín hiệu “Hồ Chí Minh” mà được trả lời là “Muôn năm” thì đó là cơ sở của ta.

Đêm đó, ông và tổ trinh sát đi qua bìa rừng, phát hiện ngôi nhà lá đơn sơ. Trinh sát tiếp cận hô khẽ hiệu lệnh “Hồ Chí Minh”, sau đó có đáp lại “Muôn năm”.

Lát sau, ông vào trong thưa: “Thưa má, con là quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày mai đơn vị chúng ta có nhiệm vụ tiến công Lái Thiêu, đánh chiếm cầu Vĩnh Bình và chiếm Bộ Tư lệnh thiết giáp ngụy ở Gò Vấp, nếu má có thông tin thì cung cấp”.

bai hoc Doan ket tu Dai thang mua xuan nam 1975 mai truong ton hinh anh 2

Má Sáu Ngẫu ở Lái Thêu cung cấp bản đồ và chỉ đường cho Trung đoàn 27 tiến công vào Sài Gòn (ảnh tư liệu)

Xem bản đồ chỉ huy của ông, người phụ nữ lớn tuổi với danh xưng là má Sáu Ngẫu (tên thật là Huỳnh Thị Sáu – là cơ cơ sở cách mạng tại địa phương) bảo không rành và vào trong buồng lấy một bản đồ thành đô Sài Gòn (đây là tấm bản đồ của chồng má (đã hy sinh) đưa cho từ năm 1961).

Ông Nguyễn Huy Hiệu cho biết, nhìn nét chữ trên tấm bản đồ rất đẹp – sau mới hay má từng dạy tiếng Pháp ở Sài Gòn – với những chi tiết bổ sung về phòng tuyến của địch từ Lái Thiêu vào Sài Gòn mà má Sáu đã dày công vẽ theo thực tế, qua đó lực lượng của ta biết thêm nhiều điều.

Má Sáu nói: “Cách đây 5 cây số có trại Huỳnh Văn Lương với 2.000 hạ sỹ và đại tá chỉ huy tên Hinh. Ngày mai tiến công các con không cần đánh mà nhanh chóng kêu hàng. Và phải đánh được qua Lái Thiêu để chiếm bằng được cầu Vĩnh Bình - phòng tuyến cuối cùng tử thủ của bên kia với dây thép gai, thùng phi đựng cát cản bước tiến”.

Người phụ nữ lớn tuổi còn xung phong cùng với hai con lên xe dẫn đường để đánh nhưng ông Nguyễn Huy Hiệu bảo: “Má già, các em còn nhỏ, nên ở lại. Con cảm ơn má, khi đánh xong chúng con sẽ về cảm ơn má và đồng bào”.

Sau đó, 4h30 sáng, đơn vị của ông tấn công theo đúng chỉ dẫn của má. Và đúng như dự đoán của má, trận đánh cầu Vĩnh Bình rất quyết liệt, phải đến 9h mới chiếm được cầu. Sau đó, đơn vị chiếm được Bộ Tư lệnh thiết giáp ở Gò Vấp, 13 căn cứ lục quân và tiếp quản Tổng Y viện Cộng hòa (nay là Bệnh viên Quân y 175)….

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết, nhờ thông tin của má Sau, đơn vị hoàn thành sứ mệnh một cách xuất sắc, góp phần cùng cả dân tộc thực hiện điều ước của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Câu chuyện về bà má được báo Quân đội nhân dân viết ngay với tiêu đề “Bà má tham mưu của Trung đoàn” và sau này nhạc sỹ Văn Thành Nho cũng đã sáng tác bài “Tấm bản đồ má trao” về câu chuyện này.

"Thực hiện đúng lời hứa, hôm sau tôi chỉ huy 3 xe quay lại để cảm ơn má và đồng bào. Nhân dân Lái Thiêu đứng rợp hai bên đường, vẫy cờ hoa và tung hô. Và đồng bào tặng cho chúng tôi 3 xe nào là sầu riêng, măng cụt, chôm chôm,… tất cả những hoa trái ở Lái Thiêu tặng cho quân giải phóng. Đấy là một nhiệm vụ chúng tôi được tham gia, tuy là bé nhỏ của mình nhưng đã góp phần chung vào thắng lợi của cả dân tộc", Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại.

Bài học về giữ vững và xây dựng thế trận lòng dân 

50 năm qua, câu hỏi “Vì sao dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam lần lượt đánh thắng cả hai đế quốc lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ?” đã được nghiên cứu, tìm hiểu và trả lời từ nhiều phía, nhiều bên, dưới những góc độ khác nhau, nhưng có thể khẳng định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là bởi có sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta.

bai hoc Doan ket tu Dai thang mua xuan nam 1975 mai truong ton hinh anh 3

Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Đây còn là thắng lợi của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, của nghệ thuật quốc phòng, nghệ thuật an ninh của lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh. Trong đó, đặc biệt việc quy tụ, giữ vững lòng dân và xây dựng thế trận lòng dân vững chắc là một trong những nhân tố đặc biệt quan trọng và quyết định.

Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tâm đắc nhất là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, bắt nguồn từ sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, từ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Khi đó cả dân tộc đoàn kết, Bắc - Nam đoàn kết, tiền tiến gọi thì hậu phương đáp lời, hậu phương gọi thì tiền tiến sẵn sàng chia lửa. Chính điều đó trở thành một sức mạnh của cả dân tộc và rõ ràng nhất là sức mạnh từ tình đoàn kết quân – dân.

"Khi các binh đoàn chủ lực “thần tốc” tiến quân, chiếm lĩnh những mục tiêu trọng yếu của Sài Gòn - Gia Định thì trong lúc đó nhân dân ở Sài Gòn -Gia Định cũng nổi dậy hiệp đồng giành từng khu phố, khóm khó, nổi dậy giành từng khu vực. Cờ hoa biểu nữa không chỉ là đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về mà còn giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ thành quả cuộc cách mạng ngay từ những giờ phút đầu tiên mà chúng ta đã giành đại thắng", ông Huỳnh Đảm nói.

Ông Huỳnh Đảm cũng khẳng định, những bài học từ Đại thắng mùa Xuân 1975 là vô cùng quý báu, là cơ sở, niềm tin, động lực, sức mạnh để chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

bai hoc Doan ket tu Dai thang mua xuan nam 1975 mai truong ton hinh anh 4

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tướng Lam Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an chụp hình với các đại biểu, sáng 19/4.

Trung tướng, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an rất đồng tình với chữ “đoàn kết” mà ông Huỳnh Đảm nhấn mạnh.

Theo Trung tướng Trần Vi Dân, vấn đề xây dựng và giữ vững lòng dân, xây dựng thế trận lòng dân luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Đảng ta đã chỉ đạo để xây dựng, bồi đắp tinh thần kháng chiến toàn dân với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Tinh thần và chân lý đó ở trong lòng dân, trở thành sức mạnh tinh thần, biến thành sức mạnh tổng hợp vô địch để chiến thắng sức mạnh hung bạo của kẻ thù xâm lược.

Trên cơ sở giữ vững được lòng dân, quy tụ được lòng dân, Đảng ta đã chăm lo xây dựng để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành thế trận lòng dân vững chắc, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân và ở miền Nam là của quân giải phóng và lực lượng an ninh miền Nam.

Trung tướng Trần Vi Dân nhấn mạnh, bài học về “giữ vững lòng dân và xây dựng thế trận lòng dân còn nguyên giá trị” trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

"Chúng tôi thấy rằng bài học về giữ vững lòng dân và xây dựng thế trận lòng dân còn nguyên giá trị. Và nó tiếp tục gợi mở cho chúng ta những vấn đề đặt ra trong việc động viên, khuyến khích để nhân dân đồng thuận, tin tưởng và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Và tổ chức quy tụ, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo và có những biện pháp phù hợp để xây dựng lòng dân vững chắc để chúng ta xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc Việt Nam", Trung tướng, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Vi Dân cho biết.

bai hoc Doan ket tu Dai thang mua xuan nam 1975 mai truong ton hinh anh 5

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, trong phát biểu tổng hợp tham luận tại Hội thảo “Đại thắng mùa Xuân 1975 với Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam”, diễn ra sáng 19/4, khẳng định: "Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là một trong những trang sử hào hùng và hiển hách nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, là sự kết tinh của truyền thống yêu nước kết hợp chặt chẽ với ý chí thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình, điểm hội tụ của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại và đoàn kết quốc tế".

bai hoc Doan ket tu Dai thang mua xuan nam 1975 mai truong ton hinh anh 6

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trò chuyện với Đại tướng Phạm Văn Trà, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Đại thắng mùa Xuân 1975 còn là thắng lợi tiêu biểu của phong trào giải phóng dân tộc thế kỷ XX, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của loài người tiến bộ vì mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức đẩy mạnh đấu tranh, mở đầu cho sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên thế giới.

"Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam kết thành một khối vững chắc, thống nhất cả về nhận thức, ý chí và hành động; đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, toàn quân, đoàn kết Bắc - Nam, đoàn kết các lực lượng yêu nước và tiến bộ, đoàn kết quốc tế... Nhờ đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở hai miền Nam - Bắc đã từng bước vượt qua khó khăn, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh, lần lượt đánh bại các biện pháp, thủ đoạn chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai", Thượng tướng Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh.

Đại thắng mùa Xuân 1975 mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung, lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam nói riêng. Những giá trị lịch sử, các bài học từ Đại thắng mùa Xuân 1975 đã, đang và sẽ luôn được các lớp kế cận tiếp tục phát huy, làm hành trang vững chắc để cả dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.

Theo Minh Hạnh, Hà Khánh/VOV-TP.HCM

https://vov.vn/chinh-tri/bai-hoc-doan-ket-tu-dai-thang-mua-xuan-nam-1975-mai-truong-ton-post1193536.vov