Cập nhật: 02/05/2025 10:05:00
Xem cỡ chữ

Những kết quả khởi sắc của ngành du lịch trong những tháng đầu năm 2025, cùng với việc triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số đã và đang tạo đà cho du lịch Việt Nam bứt phá. 

Chú thích ảnh

Khách du khách dạo chơi trên các tuyến phố ở Đà Nẵng dịp lễ. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Năm 2025, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 120-130 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu khoảng 980.000 - 1.050.000 tỷ đồng, tạo động lực lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực khác và đóng góp tích cực, hiệu quả vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên. Để hiện thực hóa kế hoạch đó, các địa phương, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm đặc thù, đẩy mạnh du lịch xanh và trải nghiệm văn hóa, đồng thời đổi mới mạnh mẽ hoạt động xúc tiến, hướng tới các thị trường chiến lược.
 
Một trong những thách thức quan trọng được ngành đặt ra là làm sao để du khách quay trở lại và gia tăng mức chi tiêu? Việc giữ chân du khách không chỉ nằm ở số lượng, mà ở chất lượng dịch vụ và độ hấp dẫn của sản phẩm.
 
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, muốn nâng cao sức hút, Việt Nam cần tập trung phát triển sản phẩm hướng tới phân khúc khách cao cấp. Đồng thời, cần tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng từng thị trường mục tiêu để thiết kế sản phẩm phù hợp, từ đó triển khai chiến lược quảng bá hiệu quả.
 
Ông Nguyễn Tiến Đạt cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện hạ tầng và tiếp tục mở rộng chính sách thị thực một cách linh hoạt, thông thoáng. Bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay khiến hành vi tiêu dùng của du khách thay đổi, với xu hướng cá nhân hóa cao hơn. Do đó, doanh nghiệp du lịch cần nhanh nhạy thích ứng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để cho ra đời những sản phẩm vừa túi tiền, vừa đáp ứng nhu cầu trải nghiệm mới mẻ.
 
Theo bà Bùi Thị Thu Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Legacy Voyages Việt Nam, ngành du lịch Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh vào 3 trụ cột là chuyển đổi số trong quản lý và quảng bá du lịch; nâng cấp hạ tầng và dịch vụ du lịch theo hướng cao cấp hoá và phát triển sản phẩm trải nghiệm gắn với bản sắc văn hóa thiên nhiên Việt Nam. Mặt khác, các doanh nghiệp du lịch cũng mong muốn được tạo nhiều điều kiện tiếp cận các chính sách ưu đãi về đầu tư hạ tầng du lịch xanh và các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế.
 
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới và Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số, ngành du lịch đang tích cực hoàn thiện hạ tầng và nâng cấp dịch vụ nhằm đón dòng khách quốc tế có khả năng chi tiêu cao. Các hoạt động xúc tiến tập trung, nhằm mở rộng độ phủ hình ảnh du lịch Việt trên thị trường toàn cầu và tiếp cận hiệu quả cả thị trường truyền thống lẫn tiềm năng.
 
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, phát triển các sản phẩm chất lượng cao, gắn liền với đặc trưng văn hóa, lịch sử, ẩm thực và cảnh quan từng vùng miền. Việc áp dụng chuyển đổi số trong quản lý và điều hành cũng sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí và mang đến những trải nghiệm hiện đại, tiện lợi cho du khách. Phát triển du lịch không chỉ là câu chuyện kinh tế, mà còn gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa và đóng góp cho cộng đồng.
 
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi, ngành du lịch Việt Nam đang cho thấy những bước tiến vững chắc với mức tăng trưởng đầy ấn tượng ngay từ quý I/2025. Những con số tích cực, cùng với sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ đang tạo đà thuận lợi để ngành du lịch hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm nay.
 
Theo số liệu từ Cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2025, tổng lượng khách du lịch đạt 41,52 triệu lượt, với tổng doanh thu ước tính khoảng 242.000 tỷ đồng. Riêng khách nội địa chiếm 35,5 triệu lượt, trong khi khách quốc tế đạt hơn 6 triệu lượt. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách quốc tế tăng 29,6% và tăng tới 134% so với quý I/2019 (giai đoạn trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát). Riêng tháng 3/2025 đánh dấu cột mốc quan trọng với hơn 2 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.
 
Trong số 10 thị trường khách lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu, lần lượt với 1,58 triệu và 1,26 triệu lượt, chiếm 47% tổng số khách quốc tế. Tiếp đến là các thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Campuchia, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Malaysia, Nga.
 
Sự tăng trưởng vượt trội của ngành có được nhờ loạt chính sách cởi mở từ Chính phủ, bao gồm các chương trình xúc tiến quốc tế, quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các nền tảng toàn cầu, cùng với việc nới lỏng chính sách thị thực trong khuôn khổ Chương trình kích cầu du lịch năm 2025.
 
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định, những con số tích cực đạt được là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương tới địa phương, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành và nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp du lịch, lực lượng tiên phong trong sự phát triển của ngành. Đây cũng là những tín hiệu sáng hứa hẹn một năm tăng trưởng và bứt phá của du lịch Việt Nam.

Theo Thùy Linh (TTXVN)

 https://baotintuc.vn/du-lich/du-lich-viet-nang-cao-suc-hut-de-but-pha-20250502090018301.htm