Cập nhật: 02/05/2025 14:46:00
Xem cỡ chữ

Với mục tiêu thu hút vốn FDI vào Việt Nam năm 2025 khoảng 35 - 40 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 27 - 28 tỷ USD, Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhiều giải pháp; trong đó, có làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn để xúc tiến thực hiện, cụ thể hóa các dự án rất lớn về đầu tư; đồng thời, tiếp tục cải cách thể chế theo đúng tinh thần chỉ đạo, từ khâu thuế, hải quan, hiện đại hóa các thủ tục hành chính, đóng góp cho việc giảm thời gian, chi phí doanh nghiệp...

Chú thích ảnh

Công ty TNHH SUNJIN AT&C VINA, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, thành phố Huế, 100% vốn Hàn Quốc chuyên sản xuất các sản phẩm dệt kim xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho rằng, việc khai thác hiệu quả các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn FDI sẽ giúp đất nước tăng tốc, bứt phá cho giai đoạn tiếp theo đạt mục tiêu đề ra là tăng trưởng 2 con số.

Thời gian qua, khu vực đầu tư nước ngoài được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.

Theo bà Phí Thị Hương Nga, Trưởng ban Ban Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Cục Thống kê (Bộ Tài chính), sức hấp dẫn và khả năng thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn được duy trì nhờ những tiềm năng, lợi thế đáng kể. Đó là vị trí địa lý thuận lợi, dễ dàng kết nối với các thị trường lớn; thị trường lớn với hơn 100 triệu người tiêu dùng; chi phí cạnh tranh; tình hình kinh tế vĩ mô ổn định…

Tuy nhiên, dự báo cho cả năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, các tổ chức quốc tế và các định chế ngân hàng, tài chính đều đánh giá khả năng gia tăng xác suất suy giảm kinh tế toàn cầu và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Theo đó rất nhiều tổ chức đều hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, chính sách thuế của Hoa Kỳ áp dụng không chỉ cho Việt Nam mà cho tất cả các quốc gia, là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý, môi trường kinh doanh cũng như triển vọng đầu tư kinh doanh. "Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho hay.

Cùng với đó, hiện nhiều hoạt động thu hút đầu tư FDI vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa thực sự đáp ứng những kỳ vọng đề ra. Cụ thể, quy mô dự án thực tế còn chậm cải thiện, số lượng dự án quy mô lớn còn khiêm tốn. Các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn rất khó thu hút FDI. Vốn theo đối tác đầu tư chưa đa dạng hoá, không có nhiều thay đổi, các dự án lớn, chất lượng cao đến từ Mỹ, EU chưa nhiều. Số lượng dự án FDI công nghệ cao còn thấp…

"Mặc dù, khu vực FDI đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm với hơn 5 triệu lao động nhưng chủ yếu vẫn là lao động phổ thông. Bên cạnh đó, mức độ phụ thuộc cao vào khu vực FDI gây lo ngại về tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế Việt Nam trước biến động từ bên ngoài, tính liên kết với khu vực trong nước còn yếu, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, chậm được cải thiện, chủ yếu lắp ráp, hiệu ứng lan tỏa về năng suất, công nghệ chưa cao", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết.

Không những thế, tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến đổi. Đặc biệt, trong bối cảnh chính sách thuế mới của Mỹ tác động lớn đối với sự chuyển dịch dòng vốn FDI thế giới, cùng với đó là mối lo ngại về sự ảnh hưởng đối với lĩnh vực bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo… khi dòng đầu tư nước ngoài chậm lại.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm chủ động cải thiện tình hình, giảm thiểu rủi ro trong quan hệ đầu tư, giao thương song phương với Hoa Kỳ. Đó là, tăng cường đối thoại song phương để làm rõ các yếu tố, lợi ích thương mại song phương giữa hai quốc gia; khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại công bằng và đáng tin cậy. Tiếp tục chủ động, minh bạch thông tin về xuất xứ hàng hóa, tích cực và dùng nhiều kênh, nhiều biện pháp khác nhau nhằm gia tăng nhập khẩu hàng của Hoa Kỳ một cách hợp lý, từng bước tạo cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Cùng với đó, tích cực nghiên cứu phương án, chủ động trong đàm phán, dung hòa lợi ích chung với Hoa Kỳ để đạt được thỏa thuận về thuế suất ở mức hợp lý, có lợi nhất; đồng thời, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư vẫn là giải pháp căn cơ, thiết thực cần kiên trì thực hiện theo hướng thực chất và hiệu quả nhằm duy trì, thúc đẩy hoạt động FDI. Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 22/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, địa phương tập trung rà soát kỹ lưỡng, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; thực hiện thủ tục liên quan đến doanh nghiệp trên môi trường điện tử, bảo đảm thông suốt, liền mạnh, hiệu quả.

Thêm vào đó, mạnh dạn áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt, như "luồng xanh", chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư cũng như những điều kiện thuận lợi tối đa để tăng cường hấp dẫn đầu tư đối với lĩnh vực công nghệ cao; đó cũng là giải pháp tự nâng cao sức cạnh tranh, mời gọi nhà đầu tư chiến lược tham gia các dự án thuộc ngành vật liệu bán dẫn, chip; chế tạo linh kiện, vi mạch tích hợp; trung tâm nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo...

Tuy nhiên, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, vấn đề thuế quan sẽ không ngăn chặn được dòng đầu tư nước ngoài tiếp tục vào Việt Nam, hay khiến nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Việt Nam. Cùng với đó, các công ty không thể đơn giản cứ muốn là chuyển chuỗi sản xuất, cung ứng sang một nước khác. Điều đó tốn thời gian, phức tạp và đắt đỏ. "Việt Nam là một địa điểm tốt để các công ty đến kinh doanh", ông Adam Sitkoff chia sẻ.

Theo nhận định của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư nước ngoài vẫn không ngừng chảy vào Việt Nam. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn khẳng định, Việt Nam đang có "cơ hội vàng" để đón dòng đầu tư trong các lĩnh vực AI, bán dẫn… và bao gồm cả các khoản đầu tư trong tương lai liên quan đến trung tâm tài chính.

"Cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng tại Việt Nam có hiệu quả và thành công", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.

Theo Thúy Hiền (TTXVN)

 https://baotintuc.vn/kinh-te/khai-thac-hieu-qua-nguon-von-fdi-gop-phan-but-pha-tang-truong-kinh-te-20250502140447196.htm