Cập nhật: 09/05/2025 16:12:00
Xem cỡ chữ

 Với mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế trên 8%/năm, Việt Nam cần nhiều hơn những giải pháp để nước ta không chỉ là điểm đến của dòng vốn, mà còn từng bước nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/4/2025 đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam bốn tháng đầu năm 2025 ước đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất của bốn tháng trong vòng 5 năm qua. Có thể nói cuộc chiến thương mại giữa các nước đang điều chỉnh dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hướng đến các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Với mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế trên 8%/năm, Việt Nam cần nhiều hơn những giải pháp để nước ta không chỉ là điểm đến của dòng vốn, mà còn từng bước nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trước tình hình này, Chính phủ cho rằng cần có chính sách kiểm soát và kêu gọi hỗ trợ, khuyến khích đầu tư có chọn lọc và hướng vào các lĩnh vực công nghệ cao, các nhà đầu tư lâu dài, bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển của Việt nam, tham gia chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.

giai ngan von fdi dat 6,74 ty usd trong 4 thang dau nam hinh anh 1

Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết, kinh tế nước ngoài phải gắn kết với khu vực kinh tế trong nước và trong đó khu vực kinh tế trong nước nằm ở vị trí trung tâm. Đó chính là điều mà chúng ta cần để mà có thể làm mới hơn, nâng cao hơn nữa hiệu quả của Nghị quyết 50 trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, có nghĩa là chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ có chọn lọc, có chất lượng mà chúng ta thông qua thu hút đầu tư nước ngoài để góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Đây chính là động lực để giúp cho phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn tới, mà thể hiện thông qua việc tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.

Mức độ tập trung cao của dòng vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy nhà đầu tư vẫn đánh giá cao năng lực sản xuất công nghiệp của Việt Nam và kỳ vọng vào sự phục hồi tiêu dùng nội địa trong trung hạn và dài hạn. Xu thế ưu tiên các địa phương có hạ tầng khu công nghiệp tốt, cơ chế linh hoạt và đặc biệt là khả năng đón dòng vốn công nghệ cao. Các doanh nghiệp cũng đang dần chuyển theo hướng này. Công ty Lego bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2021, định hướng của doanh nghiệp sẽ sử dụng 100% năng lượng sạch của điện mặt trời và điện gió. Do vậy Lego đã phối hợp với các Khu công nghiệp xây dựng các trang trại mặt trời để bắt đầu từ năm 2026 có thể sử dụng 100% nguồn điện sạch, không sử dụng năng lượng không tái tạo được.

Ông Đỗ Việt Tùng- Giám đốc đối ngoại Công ty Lego Manufacturing Việt Nam cho biết, với những sự biến đổi của kinh tế toàn cầu thì Lego mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục có những chính sách và có những đường lối rõ ràng, minh bạch và thông báo sớm cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có Lego để Lego có thể định hướng, mặc dù Lego Việt Nam chỉ là một doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, Lego luôn lắng nghe những định hướng mới của Chính phủ Việt Nam trong việc quyết định mở rộng đầu tư hoặc là chiến lược kinh doanh của Lego.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, làm dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Dòng vốn FDI trên thế giới cũng dần thay đổi theo hướng giảm phụ thuộc vào một quốc gia mà thay bằng gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, R&D, trí tuệ nhân tạo cũng như gắn với các tiêu chuẩn ESG, năng lượng tái tạo, giảm phát thải. Bên cạnh đó, yếu tố an toàn chuỗi cung ứng và ổn định chính trị ngày càng được xem là nền tảng trong các quyết định đầu tư. Đối với Việt Nam, lợi thế cạnh tranh không chỉ đến từ quy mô thị trường gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và mức tiêu dùng gia tăng nhanh chóng, mà còn nhờ mạng lưới 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP… Là một trong những nền kinh tế có độ mở cao nhất thế giới, với tỷ lệ kim ngạch thương mại trên GDP lên tới gần 200%, cùng với hạ tầng không ngừng được nâng cấp, môi trường kinh doanh cải thiện, chính trị ổn định và chính sách ưu đãi hấp dẫn, Việt Nam tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI.

Ông Chaturon Thipphiansak - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH SCG Việt Nam cho biết, doanh nghiệp được biết đến là doanh nghiệp tiên phong trong phát triển xanh và bền vững đề xuất, các doanh nghiệp cần có chiến lược địa phương hóa và nâng cao khả năng thích ứng để ứng phó với những biến động về kinh tế toàn cầu, chi phí nhiên liệu và nguồn cung xanh, hay các tiêu chuẩn ESG nghiêm ngặt. SCG xem sự chuyển đổi này là cơ hội để tiên phong thông qua các sản phẩm bền vững, hoạt động kinh doanh có đạo đức và quan hệ đối tác mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt khi phát sinh khó khăn về pháp lý hoặc vận hành thực tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh mới, Việt Nam cần một chiến lược thu hút FDI mang tính hệ thống và đồng bộ, dựa trên ba trụ cột: thể chế minh bạch, hạ tầng hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Tổng GĐ, kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư của Ngân hàng Standard Chartered VN cho biết, thời gian qua nguồn vốn FDI đã tăng trưởng đáng kể ở Việt Nam và Chính phủ Việt Nam cũng đã làm rất tốt nhiệm vụ là tạo một khung pháp lý cởi mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn về những quy trình cấp giấy phép cho các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, để chúng ta có thể hấp dẫn những doanh nghiệp FDI mà tham gia vào chuỗi cung ứng và tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn thì tôi nghĩ là nguồn nhân lực của Việt Nam là đóng vai trò quan trọng, vì với những sản phẩm mà có giá trị cao hơn thì đồng nghĩa là họ cũng đòi hỏi những kỹ năng tốt hơn của nguồn cung ứng lao động Việt Nam.

Để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI và hiện thực hóa mục tiêu kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP vào năm 2030, theo các chuyên gia, Việt Nam cần gia tăng đầu tư công cho nghiên cứu – phát triển (R&D), thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước, xây dựng trung tâm R&D, chuyển giao công nghệ thông qua các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính hiệu quả.

Theo Xuân Lan/VOV1

https://vov.vn/kinh-te/giai-ngan-von-fdi-dat-674-ty-usd-trong-4-thang-dau-nam-post1198236.vov