Cập nhật: 12/05/2025 11:23:00
Xem cỡ chữ

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội mới đây đang nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động, trong đó có liên quan đến mức đóng, mức hưởng và đào tạo nghề do tác động của đổi mới công nghệ, nhất là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng nhiều như hiện nay.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội đề xuất mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động tối đa bằng 1% tiền lương tháng. Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm.

Chú thích ảnh

Người lao động làm thủ tục lĩnh bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: XC

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị quy định cụ thể điều kiện và thời điểm điều chỉnh mức đóng. Có ý kiến đề nghị xem xét bỏ từ “tối đa” để tránh cách hiểu có thể đóng dưới 1%.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị giữ mức đóng bảo hiểm thất nghiệp như quy định hiện hành, và tập trung bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động. Song cũng có ý kiến đề nghị bổ sung mức đóng tối thiểu của người lao động và người sử dụng lao động.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 42-NQ/TW nhấn mạnh việc sửa đổi các quy định về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường tính linh hoạt của chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định đóng “tối đa” không có nghĩa là người sử dụng lao động, người lao động lựa chọn mức đóng, mà mức đóng này sẽ được Chính phủ quy định cụ thể và áp dụng đối với tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết, trong đó có mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp phù hợp. Căn cứ vào kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo từng thời kỳ.

Ngoài ra, trong quá trình góp ý vào dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị bổ sung và quy định chi tiết hơn đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, dự thảo Luật quy định Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, và giao Chính phủ quy định mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước chuyển vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, kinh phí này không phải để hỗ trợ trực tiếp đối tượng, mà sẽ được chuyển vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi cần thiết. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính bền vững của Quỹ, duy trì hoạt động bộ máy thực hiện bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc. Nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Dự thảo luật cũng loại trừ một số trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức; Người lao động nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Đảm bảo quyền lợi người lao động

Thảo luận trên Quốc hội về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách an sinh xã hội quan trọng, góp phần ổn định đời sống của người lao động, duy trì việc làm và phát triển bền vững thị trường lao động.

Về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo luật đã kế thừa những nguyên tắc cơ bản xác định mức đóng tối đa 1% cho người lao động, người sử dụng lao động và ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa là 1%.

Chú thích ảnh

Người lao động chờ làm thủ tục Bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: XC

Theo đại biểu, hình thức quản lý ghi nhận thông qua sổ bảo hiểm xã hội là thống nhất, thuận tiện nhưng cách quy định tối đa mức đóng lại thiếu cụ thể. Điều này dẫn đến sự bất ổn trong chính sách dài hạn, gây tâm lý bất an cho người lao động, doanh nghiệp.

Theo Điều 36 dự thảo Luật, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau: Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Trường hợp người lao động ngừng việc, vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.

Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định mức đóng cụ thể. Ví dụ cố định 1%, và chỉ cho phép điều chỉnh khi Quốc hội quyết định, hoặc trong tình huống khẩn cấp. Đồng thời, mở rộng tiền lương làm căn cứ đóng để bảo đảm phản ánh đúng thu nhập thực tế của người lao động.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cũng kiến nghị: Mức trợ cấp 60% như trên là thấp, khó đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động trong bối cảnh mất hoàn toàn nguồn thu nhập. Nhiều nước trong khu vực áp dụng tỉ lệ này ở mức 65-75%. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mức trợ cấp thất nghiệp lý tưởng là 65-70%. Vì vậy, đại biểu kiến nghị nâng mức trợ cấp thất nghiệp lên 65% mức bình quân tiền lương tháng, trường hợp khủng hoảng kinh tế thì nâng tỉ lệ này lên 75%.

“Mặt khác, dự thảo luật chưa cập nhật xu hướng mới là tác động của trí tuệ nhân tạo AI, Robot, tự động hóa chưa được phản ánh trong chính sách hỗ trợ lao động, nhóm lao động bị mất việc vì chuyển đổi công nghệ là một dạng lao động dễ tổn thương mới. Từ đó, tôi kiến nghị sửa đổi theo hướng làm rõ hỗ trợ chuyển đổi nghề đào tạo lại cho người lao động bị ảnh hưởng bởi việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, bổ sung một khoản riêng là "có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do chuyển đổi công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo” nhằm đảm bảo khả năng thích ứng và chuyển đổi việc làm”, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất.

Bên cạnh đó, những hành vi bị nghiêm cấm, Điều 5. Khoản 4 về khai thác, chia sẻ trái phép thông tin lao động quy định khai thác, chia sẻ, mua bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong cơ sở dữ liệu về người lao động. “Đây là quy định rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và bảo mật dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, dự thảo lại thiếu quy định chế tài tương ứng, gây nguy cơ khó xử lý nếu xảy ra vi phạm, không đủ răn đe đối với hành vi mua bán dữ liệu. Từ đó, tôi kiến nghị quy định tại Điều 5 hoặc dẫn chiếu sang các điều khác để ghi rõ các hành vi vi phạm quy định tại khoản này sẽ bị xử lý hành chính, thu hồi giấy phép hoạt động, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân và pháp luật khác có liên quan”, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất.

Theo XM/báo Tin tức và Dân tộc   

 https://baotintuc.vn/xa-hoi/sua-doi-quy-dinh-ve-muc-dong-bao-hiem-that-nghiep-nham-mo-rong-dien-bao-phu-20250512101048574.htm