Ngày 21/8, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 8, thông qua Đề án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh và Báo cáo về việc thu hồi và giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh sau khi Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 được phê duyệt và Nghị định số 42 ngày 11/5/2012 của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2012.
Đồng chí Phùng Quang Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Cùng dự có các đồng chí: Đặng Quang Hồng - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Hà Hòa Bình - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Dương Thị Tuyến - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và huyện, thành, thị.
Đề án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2020 được xây dựng trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Đề án đã phân tích, làm rõ tiềm năng, lợi thế, thực trạng phát triển cũng như thế mạnh và yếu kém của doanh nghiệp nhỏ và vừa so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, chỉ ra khó khăn, hạn chế, thách thức và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc phát triển loại hình doanh nghiệp này trong những năm qua.
Đề án xác định mục tiêu đến năm 2015, có trên 6.600 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong nền kinh tế. Đến năm 2020, con số này được nâng lên 9.500 doanh nghiệp. Đầu tư khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm từ 20 – 25% tổng vốn đầu tư của tỉnh, đóng góp từ 10 – 15% tổng thu ngân sách của tỉnh và tạo thêm từ 60 – 70 ngàn chỗ làm mới. Bảy nhóm giải pháp chủ yếu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2020 được đưa ra trong Đề án gồm: Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch hóa thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn; đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến, mở rộng thị trường; nâng cao năng lực công nghệ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ, trình độ kỹ thuật và thương hiệu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đề án thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tại cuộc họp. Đa số các đại biểu cho rằng, Đề án chưa có sự gắn kết với Quy hoạch phát triển thành phố Vĩnh Phúc đến năm 2030; số liệu mục tiêu đến năm 2015, 6.600 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong nền kinh tế cần tính toán lại, bởi sẽ không dễ hoàn thành khi năm 2015 đang đến rất gần. Phần nguyên nhân của thực trạng hoạt động doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được làm rõ, các nhóm giải pháp chưa có đột phá và mang tính chiến lược. Nhiều đại biểu đề nghị, nên củng cố và phát triển thay vì đẩy mạnh các doanh nghiệp hiện có. Muốn làm được điều này, cần khảo sát để có được số liệu cụ thể về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, cơ cấu doanh nghiệp có phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hay không. Các đại biểu cũng đề nghị cần trình bày cụ thể cơ sở khoa học để đưa ra các số liệu. Về các nhóm giải pháp, cần bổ sung giải pháp đẩy mạnh xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị; tái cấu trúc 4900 doanh nghiệp đã có, hướng doanh nghiệp sắp thành lập đăng kí vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, phân loại các doanh nghiệp theo cơ cấu ngành, xác định các sản phẩm mũi nhọn, đặc biệt là mũi nhọn ảnh hưởng đến khu vực, mang đặc trưng của Vĩnh Phúc. Tích cực nâng cao trình độ, sự năng động và tư duy đổi mới cho đội ngũ giám đốc doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện còn 340 công trình, dự án với tổng diện tích trên 2.200 ha chưa thực hiện việc giao đất do đang bồi thường, giải phóng mặt bằng dở dang. Hiện Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2011- 2020 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và được HĐND tỉnh thông qua. Tuy nhiên, Nghị định số 42 của Chính phủ về quản lý sử dụng đất trồng lúa có hiệu lực từ ngày 1/7/2012 lại chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể nên gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Để đảm bảo việc phê duyệt thu hồi giao đất đúng quy định của pháp luật, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh tiếp tục thực hiện 340 dự án, công trình đang triển khai dở dang khi sử dụng vào đất lúa đã được HĐND tỉnh thông qua. Đồng thời, sớm có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình vận dụng các quy định tại Nghị định 42 của Chính phủ vào thực tế.
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Đặng Quang Hồng - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; đồng chí Hà Hòa Bình - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Dương Thị Tuyến - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng ý kiến các đại biểu đưa ra rất sát với tình hình phát triển kinh tế của tỉnh và cần thiết phải ra nghị quyết về phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ đến năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng để phát triển doanh nghiệp là cần phải nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ trong các doanh nghiệp. Đặc biệt, trong đề án phải tăng cường giải thích thêm nhóm giải pháp như chính sách cho hỗ trợ phát triển; hạ tầng, công nghệ, hỗ trợ đào tạo lao động, bồi dưỡng kiến thức quản lý cho doanh nhân, dự toán ngân sách, nguồn quỹ đất, có như vậy mới đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững. Đối với báo cáo của sở tài nguyên môi trường phải có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh để có hướng giải quyết kịp thời.
Kết luận phiên họp, đồng chí Phùng Quang Hùng - Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao báo cáo đề án của Sở Kế hoạch và Đầu tư, cũng như báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường. Đồng chí Phùng Quang Hùng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện đề án, chú trọng cụ thể hóa các nhóm giải pháp, rà soát các cơ chế cũ, bổ xung cơ chế mới để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Củng cố và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đơn giản hóa thủ tục hành chính; xây dựng cơ chế về hạ tầng đất đai; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp; xúc tiến thương mại, bảo hộ sản phẩm. Đồng chí Phùng Quang Hùng chỉ rõ trong đề án phải nêu ưu điểm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của chính phủ. Đồng chí Phùng Quang Hùng đề nghị, ngoài những giải pháp cụ thể, phần nhiệm vụ của đề án nên tập trung định hướng để phát triển một số lĩnh vự, trong đó bao gồm có phát triển sản xuất ngành linh kiện điện tử; cơ khí chế tạo, dịch vụ du lịch; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đồng chí Phùng Quang Hùng - Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, chậm nhất là ngày 22/8/2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành liên quan hoàn thiện đề án trình UBND tỉnh. Kết luận Báo cáo về việc thu hồi và giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh sau khi Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 được phê duyệt và Nghị định số 42 ngày 11/5/2012 của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2012. Đồng chí Phùng Quang Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở ngành và các huyện, thành, thị thống nhất số lượng các dự án, diện tích đất, đảm bảo việc thu hồi, phê duyệt giao đất đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho các ngành, các địa phương vận dụng quy định của nghị định 42 vào thực tế công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn không làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội.
Mạnh Quân