Cập nhật: 18/09/2012 01:38:12 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều ngày 17/9, đồng chí Dương Thị Tuyến - Ủy viên BTV Tỉnh ủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị cho ý kiến vào đề án phát triển sự nghiệp y tế Vĩnh Phúc đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Nội dung đề án đã tập trung đánh giá kết quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2006 – 2010 và đề ra mục tiêu và những giải pháp cụ thể từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Với quan điểm tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt 5 quan điểm của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân theo nghị quyết 46/2005 của Bộ chính trị; trong hệ thống y tế, y tế công lập tiếp tục được nhà nước đầu tư đúng mức và giữ vai trò chủ đạo để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế trong và ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân trong lựa chọn, tiếp cận các dịch vụ y tế. Một số mục tiêu cụ thể được đề ra là tập trung đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh; phát triển nhân lực y tế đủ về số lượng và nâng cao về chất lượng. Tổ chức thực hiện tốt chiến lược quốc gia về vệ sinh ATTP; Dân số KHH gia đình và các mục tiêu quốc gia về y tế; giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong; nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng dân số; nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Dự thảo đề án cũng nêu ra  3 khâu đột phá nhằm tạo sự chuyển biến và thúc đẩy sự nghiệp y tế phát triển là: huy động các nguồn lực để xây dựng, củng cố, hoàn thiện cơ sở vật chất và bổ sung trang thiết bị cho các đơn vị y tế trong ngành; chủ động xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ngành y tế; đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính trong các đơn vị y tế công lập. Dự thảo đề án cũng đề ra 8 giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh nâng cao chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Các ý kiến tại hội nghị đề nghị đơn vị soạn thảo đề án cần bổ sung và chỉnh sửa các số liệu, căn cứ trong đề án phù hợp với quy hoạch phát triển ngành y tế và các quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh; trong đó cần quan tâm đến y tế học đường; Nguồn lực, kinh phí đầu tư, phân kỳ đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong từng giai đoạn cụ thể; có giải pháp để nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; tăng bác sĩ ở trạm y tế xã; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện, trạm y tế trong tỉnh. Đề án cần nêu cô đọng, chắt lọc, có căn cứ pháp lí; đi sâu về nội dung: thực trạng, giải pháp về xã hội hóa, vấn đề y đức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y bác sĩ; các công tác trọng tâm của ngành; quan tâm về cơ chế chính sách cho trạm y tế xã về đất khuôn viên, trang thiết bị y tế.

Kết luận hội nghị, đồng chí Dương Thị Tuyến - Ủy viên BTV Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở y tế cần tiếp thu những ý kiến đóng góp tại hội nghị để hoàn thiện dự thảo theo hướng cô đọng, ngắn gọn, đi đúng trọng tâm, có căn cứ pháp lí và căn cứ thực tiễn từ những quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế đã ban hành và những quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan. Căn cứ thực tiễn cần cụ thể, rõ ràng. Vấn đề cần quan tâm là về tổ chức bộ máy và mạng lưới y tế từ tỉnh xuống cơ sở; sự phân bổ mạng lưới hợp lí cho các vùng miền. Về đội ngũ, cán bộ y tế cần có đánh giá về chất lượng, số lượng; có so sánh với mục tiêu đã đề ra và so sánh các chỉ tiêu với vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước. Cần bổ sung hoàn thiện số liệu đánh giá về cơ sở vật chất; công tác y tế dự phòng, điều trị, các cơ sở y tế đa khoa, chuyên ngành; tây y và y học cổ truyền; quan tâm đến công tác xã hội hóa các lĩnh vực y tế. Giải quyết những hạn chế, tồn tại của ngành trong thời gian qua.Về mục tiêu nhiệm vụ giải pháp cần đảm bảo yếu tố: xây dựng hệ thống y tế đồng bộ, hiệu quả đủ năng lực quản lí và thực thi nhiệm vụ, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; đạt tiêu chí về sự hài lòng của nhân dân. Về nhiệm vụ cần nghiên cứu hoàn thiện trên cơ sở của thực trạng. Về giải pháp: tăng cường sự tuyên truyền và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền đối với ngành y tế để ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho ngành y tế; phát triển đào tạo đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường công tác xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân bắt đầu từ tuyến cơ sở. Về nguồn lực cần quan tâm quản lí, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho ngành; tăng cường cá giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ trong các lĩnh vực: y tế dự phòng, khám chữa bệnh; dược. Nâng cao hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và phòng bệnh cho nhân dân.

 

Ngọc Anh

Tệp đính kèm