Vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là đề tài “nóng” không chỉ trên các phương tiện truyền thông. Gần đây, Hội Khoa học và Công nghiệp Lương thực - Thực phẩm vừa công bố một con số đáng phải suy nghĩ: Hàng năm, ở nước ta có khoảng 3 triệu trường hợp nhiễm độc thực phẩm, gây thiệt hại hơn 200 triệu USD.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống của người dân và an sinh xã hội. Thế nhưng, thật trớ trêu, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nguy cơ đe dọa vệ sinh an toàn thực phẩm như con trùng biến hình, “chặt đầu này mọc đầu khác”, đã và đang trở thành vấn nạn quốc gia. Số liệu công bố của Bộ Y tế cho biết, số vụ ngộ độc thực phẩm tăng lên rõ rệt những năm gần đây: từ 145 vụ (năm 2004) lên 165 vụ (năm 2006) và năm 2008 là 205 vụ. Trong 5 năm (2004-2008), cả nước đã có 2.160 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 85.000 người bị ngộ độc, 388 người chết. Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong hai năm 2007- 2008 bình quân là 766,8 triệu đồng/tỉnh/năm.
Đi tìm nguyên nhân của những thiệt hại có thể tránh được này, chúng tôi thấy:
Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đã được thể chế hoá bằng pháp luật, pháp lệnh và các văn bản pháp quy. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đang có xu hướng ngày một xấu đi theo hướng mất kiểm soát. Chẳng hạn, trong khi Bộ Y tế đã có Quyết định 11/ 2006/QĐ-BYT về quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao; thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại ban hành Quyết định 117/ 2008/ QĐ - BNN về quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất - kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ năm 2004, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch cúm gia cầm đã được thành lập gồm 9 Bộ tham gia, nhưng tới nay vẫn chưa có quy chế quản lý cụ thể nên không thể ngăn cấm; các cơ sở vẫn ngang nhiên kinh doanh trứng gia cầm không rõ nguồn gốc. Hàng loạt vụ cấm nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam của Mỹ, Nhật, EU, Nga… cũng cho thấy tình hình quản lý kháng sinh tồn dư trong thực phẩm đã ở mức báo động, nhưng vẫn chưa có quy định xử lý các vi phạm, khiến cơ quan chức năng hết sức lúng túng khi kiểm tra, xử phạt v.v...
Quy chế hoạt động của thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm hiện cũng chưa được ban hành nên công tác thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn quốc vẫn còn nhiều điểm vừa làm vừa chờ đợi. Tất cả chứng tỏ rằng, hệ thống văn bản chính sách về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tuy nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa tốt, chưa đầy đủ và dường như còn thiếu định hướng chiến lược dài hạn, mang tầm quốc gia; thiếu vai trò “nhạc trưởng” trong việc phối hợp hoạt động giữa các bộ, ngành,.
Thực tế cho thấy, dường như Nhà nước rất khó kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hà Nội hiện có 2.172 vùng sản xuất rau các loại với tổng diện tích gần 12.000 héc ta, nhưng các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp mới chỉ kiểm soát, xác nhận an toàn, vệ sinh được khoảng hơn 2.000 héc - ta. Hay thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 31.000 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm (chưa kể hàng trăm ngàn hộ kinh doanh không phép, bếp ăn lề đường, chợ tự phát…), nhưng hiện lực lượng thanh tra viên chỉ có… 4 người!
Không chỉ thiếu và yếu về nguồn nhân lực, chúng ta còn thiếu cả trang thiết bị và đầu tư khoa học công nghệ. Thế giới từ lâu đã áp dụng phương pháp thử nhanh, nhưng ở nước ta, đa số các cơ quan bảo vệ thực vật vẫn áp dụng phương pháp kiểm nghiệm mẫu dư lượng độc tố trong thực phẩm và phải sau 5-7 ngày mới có được kết quả; trong khi lô hàng lấy mẫu kiểm nghiệm đã được tiêu thụ ngay trong ngày, khiến việc kiểm tra, kiểm soát không còn ý nghĩa.
Để khắc phục tình trạng trên, chúng tôi thấy cần phát huy tốt hơn nữa vai trò quản lý của nhà nước theo hướng:
Trước hết, cần thay đổi mạnh mẽ và cơ bản hệ thống các văn bản liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; hình thành một hệ thống chính sách bao quát nhưng cụ thể tới từng mặt, từng vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên chăng, cần hình thành một Ủy ban quốc gia về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện chức năng rà soát lại từng khâu trong qui trình hình thành một mặt hàng nông sản hay một nhóm lương thực, thực phẩm; từ trồng tới thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến… từ đó xem xét những bất hợp lý giữa các đơn vị, có sự phân công qui trình giám sát, phối hợp ở cấp cao theo chuỗi thực phẩm, trong đó một đơn vị trung ương và địa phương thuộc bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm giám sát chất lượng, quản lý việc sản xuất thực phẩm, sau đó là trách nhiệm của các cơ quan thương mại, thị trường, y tế… có sự phối hợp cụ thể, chặt chẽ trong công tác này.
Hai là, trước yêu cầu bộ máy hành chính càng ngày phải tinh giản, giải pháp tối ưu nhất là phải huy động được toàn cộng đồng tham gia kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Muốn vậy, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông. Hiện nay người dân không được hiểu, được biết, hoặc hiểu biết rất lơ mơ về những nguy hại từ thực phẩm không an toàn đang chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Hoạt động truyền thông sẽ góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh và lời cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn để mọi tổ chức, cá nhân đều có cách nhìn tổng quan và thay đổi về ý thức, hành vi ứng xử và giúp người tiêu dùng, người sản xuất, các đơn vị kinh doanh thực phẩm hiểu rằng, họ vừa là người hưởng lợi nhiều nhất trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa là tác nhân quan trọng nhất góp phần giải quyết vấn đề cốt lõi này.
Chỉ khi toàn xã hội cùng tích cực tham gia cuộc chiến đấu này bằng trách nhiệm đạo đức và ý thức tuân thủ pháp luật, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mới có thể được giải quyết thấu đáo, hiệu quả./.
Theo Báo ĐCSVN