Dự kiến sẽ có 7 Bộ trưởng trực tiếp trả lời chất vấn, bao gồm: Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh.
Những vấn đề mang tính xã hội rộng lớn, liên quan trực tiếp quyền, lợi ích cử tri sẽ được Quốc hội dành thời gian làm rõ trong tuần làm việc thứ ba (từ 8 - 13/6). Theo đó, Quốc hội dành 3 ngày cuối tuần nghe báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.
Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục - vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm cũng sẽ được thảo luận một ngày tại hội trường (trước đó, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT tập hợp ý kiến đại biểu, có báo cáo giải trình cụ thể). Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm - một trong hai báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 cũng sẽ được thảo luận tại hội trường trong tuần này.
Văn phòng Quốc hội cho biết, tính đến nay đã nhận được gần 200 chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi các thành viên Chính phủ. Số chất vấn sẽ còn tăng vì tuần này, UBTV Quốc hội tiếp tục tập hợp các câu hỏi của đại biểu.
Căn cứ các nội dung chất vấn, Chính phủ và UBTV Quốc hội dự kiến sẽ có 7 Bộ trưởng trực tiếp trả lời, bao gồm: Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng dự kiến cũng sẽ có báo cáo rõ thêm một số vấn đề trước Quốc hội và trả lời các chất vấn liên quan. Tuy nhiên, danh sách này chưa chính thức, có thể có những điều chỉnh trong tuần này
Nội dung các chất vấn tập trung những vấn đề lớn như: việc sử dụng nguồn vốn đối với các gói kích cầu, công tác quản lý, giám sát, chống thất thoát, lạm dụng; chính sách miễn, giảm thuế và trách nhiệm quản lý, điều hành của bộ chủ quản; vấn đề lao động, việc làm, đặc biệt lao động mất việc làm do hậu quả khủng hoảng kinh tế, tài chính, trách nhiệm của ngành lao động, thương binh xã hội và chính quyền địa phương; công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng dịch bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm, trách nhiệm của bộ chủ quản; vấn đề môi trường, trong đó có môi trường liên quan trực tiếp một số dự án lớn…
Như thường lệ, mỗi kỳ họp, Quốc hội dành 2,5 đến 3 ngày chất vấn, trả lời chất vấn. Đổi mới nội dung chất vấn, đảm bảo chất vấn có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả là vấn đề được đề cập sau mỗi kỳ chất vấn. Đối với người trả lời, UBTV Quốc hội đề nghị cần trả lời thẳng, đúng trọng tâm, tránh giải thích dài dòng và sa vào báo cáo. Việc trả lời cũng có thể bằng văn bản nếu thấy cần thiết.
Hậu chất vấn hay việc thực hiện lời hứa của Bộ trưởng trước Quốc hội là đích cuối cùng của chất vấn. Theo đó, những vấn đề đại biểu đã nêu trong kỳ họp trước và Bộ trưởng đã hứa giải quyết cũng sẽ có báo cáo kết quả thực hiện, văn bản được gửi tới đại biểu.
Đây là cách làm đang được UBTV Quốc hội chú trọng nhằm đảm bảo các chất vấn có kết quả giải quyết rõ ràng, tránh trường hợp chỉ hứa chung chung. Ngoài ra, điều cử tri băn khoăn: có những chất vấn được lặp đi lặp lại tại các kỳ họp nhưng chưa được giải quyết hiệu quả cũng đòi hỏi các Bộ cần giải thích rõ nguyên nhân và những giải pháp dài hạn…
Theo Báo CAND