Cập nhật: 01/05/2025 08:07:00
Xem cỡ chữ

Những ngày tháng Tư lịch sử, có một triển lãm ảnh diễn ra giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội mà hầu như ai bước vào xem cũng xúc động, nhiều người rơm rớm nước mắt…, đó là triển lãm “Ký ức và huyền thoại” tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (Hoàn Kiếm, Hà Nội), trưng bày 50 chân dung Mẹ Việt Nam được Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng ghi lại trong suốt gần nửa thế kỷ qua.

Triển lãm thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Triển lãm thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

50 bức ảnh trưng bày được chọn lọc từ bộ sưu tập khoảng 2.000 ảnh chụp những người Mẹ Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, từ năm 1976 đến 2020 của người lính, người làm báo Trần Hồng.

Tác giả nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn, sau này là Trưởng ban Ảnh - Báo Quân đội nhân dân. Giờ đây, ở tuổi 78, dù sức khỏe và thị lực không còn như xưa, nhưng ông vẫn tận tình giới thiệu cho khách tham quan những nhân vật, những khoảnh khắc trong từng tấm ảnh.

Dù từng ra mắt công chúng tại một số triển lãm chuyên đề trước đó, bộ ảnh vẫn vẹn nguyên giá trị nghệ thuật và tư liệu. Mỗi hình ảnh lại kể một câu chuyện về những người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng từng được gặp. Chú thích ảnh cũng được chính tác giả viết bằng cảm xúc chân thật, tâm huyết và được thể hiện bằng song ngữ Việt-Anh để du khách quốc tế cũng có thể tìm hiểu.

Tại triển lãm, những bức ảnh thuộc chủ đề “Mẹ - Hằn sâu nỗi nhớ” mang đến nhiều cảm xúc xót xa xen lẫn kính phục. Hầu hết là ảnh chân dung hoặc bán thân, khắc họa những người phụ nữ già nua, cô đơn, khắc khoải nhìn vào phía hư không, thương nhớ người chồng hoặc những đứa con ra đi chiến đấu và mãi mãi không trở về.

“Không muốn làm Mẹ Việt Nam Anh hùng”, đó là tâm sự của Mẹ Nguyễn Thị Út ở Hải Dương, cũng như biết bao người mẹ khác. “Vì, chả người mẹ nào lại muốn có nhiều con hy sinh để trở thành anh hùng. Chỉ một nỗi là thương nhớ con quá!”, lời mẹ nói được tác giả ghi lại và đã khiến bao người xem đỏ hoe đôi mắt.

Một người mẹ khác, Mẹ Thảo ở Hà Nội có “40 năm mải miết tìm chồng” là người lính đã nằm lại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Năm nào, Mẹ Thảo cũng lặn lội lên Điện Biên, có năm đi 2-3 lần. Đến năm 1994, bà tìm được mộ chồng sau 40 năm kể từ lúc ông hy sinh.

Và không thể không nhắc đến bức ảnh “Đợi con”, tác phẩm nổi tiếng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng chụp Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (Quảng Nam), người có chồng và chín người con ruột là liệt sĩ.

Trong ảnh, một mình Mẹ Thứ ngồi lặng lẽ bên mâm cơm có một bát hương và chín bộ bát đũa, bóng mẹ hắt lên di ảnh của các con phía sau lưng… “Mẹ chẳng còn ai”, “Mẹ đang sống thay con”, “Tấm huy chương trên áo Mẹ”…, những tác phẩm chụp người mẹ giản dị, bé nhỏ, khiêm nhường ấy đã nói lên nỗi đau khủng khiếp mà chiến tranh gây ra, đồng thời cũng giúp người xem thêm trân trọng và biết ơn sự hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng lớn lao của các mẹ.

Để có non sông thống nhất, độc lập, tự do, hạnh phúc hôm nay không thể nào quên những người mẹ, họ đã gửi “khúc ruột” của mình ra trận, đã cống hiến cho Tổ quốc những chàng trai, cô gái độ tuổi xuân xanh. Họ là những biểu tượng bất diệt của tình mẫu tử, của lòng yêu nước thầm lặng mà mãnh liệt.

Có mặt tại triển lãm, nhà báo, nhiếp ảnh gia Hà Hồng, nguyên Trưởng ban Khoa giáo, Báo Nhân Dân chia sẻ rằng, triển lãm “Ký ức và huyền thoại” là một hoạt động thiết thực hưởng ứng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp Chi hội Nhiếp ảnh-Báo chí (Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội) tổ chức. Dù khắc họa chiến tranh qua những đau thương, mất mát của các Mẹ, nhưng không khí triển lãm không bi ai, sầu thảm mà đã truyền đi thông điệp ý nghĩa và cảm hứng sống tích cực.

Triển lãm còn có hai chủ đề nữa là “Mẹ - khoảnh khắc đời thường” và “Tự hào những người Mẹ Việt Nam”, giới thiệu những người Mẹ Việt Nam khác là những nhà lãnh đạo, nhà khoa học đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của đất nước, hoặc đơn giản chỉ là hình ảnh những người phụ nữ bình thường với thiên chức cao quý là làm vợ, làm mẹ…

Có thể kể đến chân dung nữ tướng Nguyễn Thị Định trên chuyến tàu nối liền hai miền bắc-nam ngày 31/12/1976; Phó Giáo sư Đặng Bích Hà, phu nhân tài năng và tận tụy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Mẹ Đinh Thị Giám ở Hà Tĩnh là mẹ của tám người con tiến sĩ; Mẹ Pgo Xừ ở Mường Tè, Lai Châu là người dân tộc Hà Nhì đầu tiên trúng tuyển Đại học Báo chí khóa 1969-1973…

Qua triển lãm “Ký ức và huyền thoại”, thế hệ hôm nay, nhất là giới trẻ, có dịp ôn lại một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc và tri ân những người Mẹ. Đứng trước những người Mẹ Việt Nam mộc mạc mà phi thường, người xem như được nhắc nhớ về giá trị của hòa bình, về trách nhiệm gìn giữ và phát huy những thành quả mà bao thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để xây dựng đất nước như ngày hôm nay.

Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/trien-lam-anh-tri-an-nhung-nguoi-me-viet-nam-huyen-thoai-post876669.html