Cập nhật: 06/11/2009 04:27:18 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bão số 11 kết hợp với không khí lạnh đã gây mưa lớn và ngập lụt tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, gây thiệt hại lớn về người và của. Các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả, bảo vệ tài sản và người dân vùng bão lũ.

* Tại tỉnh Phú Yên có 19 người chết, 03 người mất tích và 16 người bị thương. Hai ngày qua trên địa bàn tỉnh, mưa lớn kết hợp với triều cường làm nước lũ ở các sông lên rất nhanh. Tại Thành phố Tuy Hòa, từ chiều 3/11 nhiều tuyến đường ngập sâu hơn 01m, giao thông bị ngừng trệ. Còn tại huyện miền núi Đồng Xuân, mưa lớn đã làm hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu từ 3- 4m. Ngoài thị trấn La Hay, hầu hết các xã của huyện miền núi này đều bị ngập lụt. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) huyện Đồng Xuân, đến hôm nay toàn huyện có hơn 10.000 ngôi nhà bị ngập lụt và tốc mái, 03 người chết, tuyến đường sắt qua thị trấn La Hay bị sạt lở nghiêm trọng một đoạn dài gần 02 km. Khó khăn lớn nhất của huyện hiện nay là toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng, thông tin, liên lạc bị cắt đứt, rất khó khăn trong việc chỉ đạo các lực lượng sơ tán dân tránh lũ. Toàn huyện có 02 chiếc ca nô nhưng quá nhỏ, trong khi nước lũ chảy quá xiếr nên khó có thể tiếp cận vùng cô lập.

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Trưởng Ban PCLB huyện Đồng Xuân cho biết, hiện tại để đến được các xã bị cô lập phương tiện duy nhất là ca nô nhưng nước lũ quá lớn, chảy mạnh nên rất khó khăn. Vì vậy, huyện bố trí ca nô dùng cho di dời phương tiện và người dân bị lên vùng an toàn.

Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động ca nô công suất lớn để tham gia ứng cứu, sơ tán nhân dân. Tuy nhiên, do địa bàn rộng và dân cư thưa thớt nên ca nô cũng chỉ tiếp cận được một số nơi. Do đó, tỉnh cũng đã huy động trực thăng chi viện tại các địa bàn ngập sâu để cứu dân. Trong khi đó, các lực lượng đi bộ cũng đã nhanh chóng triển khai. Ông Vũ Văn Phúc- Phó Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo các lực lượng tham gia khắc phục và ứng cứu chống lũ. Ông cho biết, trước mắt các lực lượng tập trung cứu người, đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm và cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống, không để dân bị đói, bị rét.

* Tại tỉnh Bình Định, đến 21 giờ tối qua (3/11), lực lượng Quân khu V, Quân Đoàn 3 và các đơn vị có liên quan đã di dời hơn 1.000 hộ dân vùng rốt lũ ở khu Đông Bình Định đến nơi an toàn. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Bình Định thì hiện toàn tỉnh có 05 người chết, 02 người mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị sập hoặc hư hỏng nặng. Trong ngày 03/11, hàng ngàn chiến sỹ Quân khu V, Quân Đoàn 3 và các lực lượng công an, quân sự của địa phương vẫn tiếp tục di dời các hộ dân còn kẹt lại trong vùng lũ, đồng thời triển khai các biện pháp bảo vệ tài sản cho bà con và các cơ quan bị ngập.

Ông Hồ Vũ Dũng- phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã huy động toàn bộ lực lượng có trên địa bàn tham gia ứng cứu, nhất là cứu dân ở những khu vực bị ngập sâu và có nguy cơ sạt lỡ. Hiện trên địa bàn vẫn còn hàng ngàn ngôi nhà dân bị ngập sâu và tài sản của dân khả năng bị mất, hư hỏng là rất lớn. Chúng tôi đang cố gắng tập trung để đưa toàn bộ người dân vùng bị ngập sâu và nguy cơ bị sạt lỡ đến nơi an toàn; thứ hai là tập trung cứu tế lương thực, thực phẩm, chủ yếu là mì tôm và nước uống cho nhân dân trong vùng bị ngập lũ.

* Tại Quảng Ngãi, lũ ở các sông Trà Khúc, sông Vệ lên nhanh trên mức báo động 3 hơn 01m. Tỉnh Quảng Ngãi đã di dời, sơ tán hơn 1.100 hộ dân với gần 4.500 người trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Đến nay, nhiều công trình thủy lợi, giao thông bị sạt lở hàng ngàn m3; Quốc lộ 24 Quảng Ngãi- Kon Tum bị sạt lở 12 điểm, gây ách tắc giao thông. Đường về các xã các huyện miền núi như Tây Trà, Sơn Tây, Trà Bồng bị cô lập và chia cắt do nước lũ, sạt lở đất. Hệ thống lưới điện huyện Sơn Tây và Tây Trà bị đứt, gây mất điện hoàn toàn.

* Tại Đà Nẵng, hôm qua (3/11), Bộ Đội Biên phòng Đà Nẵng đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã cứu nạn thành công 12 thuyền viên đi trên tàu Luc-ky-cla-gon của Cam-pu-chia bị sóng đánh chìm trên vùng biển Đà Nẵng, trong đó có 08 thuyền viên người Trung Quốc, 04 thuyền viên người Mianma.

* Tại tỉnh Gia Lai, mưa to kéo dài đã gây lũ trên sông Ba. Mưa lũ đã gây ngập lụt các huyện phía Đông của tỉnh Gia Lai. Đến nay, toàn tỉnh đã có 04 người chết và mất tích. Tỉnh đã huy động toàn bộ các lực lượng chức năng và 05 ca nô tham gia cứu hộ và di dời hàng ngàn hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt và có nguy cơ bị sạt lũ. Đồng thời, tỉnh cũng đã nhận được sự chi viện kịp thời của Binh đoàn Tây nguyên cùng 03 ca nô và 02 xe lội nước và trực thăng quần đảo trên sông Ba để cứu dân. Tuy nhiên, đến chiều tối 3/11 cũng mới được hơn 1.000 người dân trong tổng số hơn 3.000 người dân cần được cứu hộ khẩn cấp. Ông Phạm Thành Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trực tiếp chỉ huy khắc phụ bão lũ, cứu hộ nhân dân cho biết, trước mắt tỉnh tập trung lực lượng để cứu người, không để nguy hại đến tính mạng của nhân dân, cứu được tài sản là tốt nhưng ưu tiên số một là cứu người. Tỉnh cũng đã có công điện yêu cầu các địa phương di dời nhân dân và tài sản ra khỏi vùng bị ngập lụt, nguy hiểm./.

 

Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm