Cập nhật: 16/11/2010 22:23:09 Article Rating
Xem cỡ chữ

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18 với chủ đề “Đổi mới và Hành động” vừa diễn ra tại Yokohama – Nhật Bản. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị với tư cách thành viên APEC và Chủ tịch ASEAN năm 2010.

Với Tuyên bố “Tầm nhìn Yôkohama - Mục tiêu Bôgo và Tương lai”, Hội nghị đã mở ra một chặng đường mới cho tiến trình hợp tác APEC trong những năm tới.

 

Nhân dịp này, phóng viên báo chí đã có cuộc phỏng vấn Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm về kết quả của Hội nghị. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn trên.

 

Phóng viên (PV): Trong thời gian qua, APEC tiếp tục chứng tỏ là một diễn đàn hợp tác quan trọng tại châu Á – Thái Bình Dương, khu vực đang dẫn dắt tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Xin Phó Thủ tướng cho biết, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 18 vừa diễn ra tại Yôkôhama, Nhật Bản đã đóng góp gì đối với hợp tác và liên kết kinh tế ở khu vực cũng như trên thế giới?

 

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Với chủ đề “Đổi mới và Hành động”, Lãnh đạo Cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn APEC đã họp Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 (HNCC 18) tại Yôkôhama, Nhật Bản, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, song không đồng đều và có xu hướng chậm lại. Hội nghị đã tập trung thảo luận biện pháp giữ vững đà tăng trưởng và tiếp tục duy trì châu Á – Thái Bình Dương là động lực của phục hồi, tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hội nghị đã đưa ra nhiều quyết định có ý nghĩa quan trọng, định hướng cho sự phát triển dài hạn của tiến trình liên kết APEC.

 

Có thể nói kết quả quan trọng đầu tiên của Hội nghị là việc các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn Yôkôhama - Mục tiêu Bô-go và Tương lai” và “Tuyên bố đánh giá thực hiện các mục tiêu Bôgo”, thể hiện quyết tâm chung trong việc tăng cường liên kết kinh tế khu vực. Trong đó, các nhà Lãnh đạo đánh giá cao việc 13 nền kinh tế thành viên (gồm 5 nền kinh tế phát triển là Canađa, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Niu Dilân, Ốtxtrâylia và 8 nền kinh tế đang phát triển là Chilê, Đài Bắc-Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông-Trung Quốc, Malaixia, Mêhicô, Pêru và Xinhgapo) đã đạt những thành tựu đáng kể trong thực hiện các mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại và đầu tư như đã đề ra từ năm 1994, đồng thời khẳng định cùng nỗ lực để các thành viên đang phát triển hoàn tất các mục tiêu này vào năm 2020. Đây là những quyết định có ý nghĩa đặc biệt, vì việc thực hiện mục tiêu Bô-go, thước đo đánh giá liên kết khu vực, đã góp phần đáng kể vào việc giảm mức thuế quan trung bình ở khu vực từ 10,8% còn 6,6% vào năm 2008, tăng tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch thương mại hàng hóa ở mức 7,1% hàng năm và chỉ trong giai đoạn 2004 - 2009 đã tăng gấp ba lần giá trị thương mại nội khối. Nếu không có sự triển khai tích cực các cam kết Bô-go thời gian qua, APEC khó có thể trở thành một khu vực kinh tế năng động như hiện nay.

 

Thứ hai, các nhà Lãnh đạo đã thông qua "Chiến lược Tăng trưởng của APEC", xác định rõ năm nội hàm cơ bản của tăng trưởng là cân bằng, đồng đều, bền vững, đổi mới và an toàn, đồng thời đề ra kế hoạch triển khai chi tiết với các dự án cụ thể. Trong bối cảnh các nền kinh tế đang nỗ lực định hình mô hình tăng trưởng nhằm vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô vừa bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thì việc đề ra những định hướng chiến lược tăng trưởng là cần thiết, góp phần giúp APEC vững bước chuyển sang một giai đoạn tăng trưởng mới và đồng hành cùng các cơ chế khác như G-20 đóng góp vào tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

 

Nét nổi bật thứ ba là việc APEC lần đầu tiên định rõ nội hàm của “Cộng đồng APEC” cho thời gian tới, bao gồm liên kết kinh tế chặt chẽ, tăng trưởng chất lượng cao và môi trường kinh tế - xã hội an toàn. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà Lãnh đạo cam kết thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm xử lý các rào cản quan thuế và phi quan thuế, tăng cường kết nối đặc biệt là hạ tầng cơ sở, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách cơ cấu, coi trọng an ninh con người... Đặc biệt, các nhà Lãnh đạo cũng xác định các cách thức có thể để triển khai xây dựng Khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có các cơ chế ASEAN+3, ASEAN+6 và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

Bên lề Hội nghị cũng đã diễn ra Cuộc họp Cấp cao đầu tiên của các nhà Lãnh đạo của 9 nước thành viên Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, đánh dấu sự tham gia chính thức của Việt Nam và Malaixia, đồng thời định hướng cho tiến trình đàm phán trong thời gian tới.

 

PV: Là thành viên tích cực của APEC, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến và đăng cai tổ chức thành công các hội nghị quan trọng, trong đó có HNCC APEC lần thứ 14 năm 2006. Xin Phó Thủ tướng cho biết, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã đóng góp như thế nào vào thành công của Hội nghị năm nay?

 

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Việc Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta tham dự Hội nghị là một sự kiện quan trọng trong một chuỗi các sự kiện ngoại giao đa phương sôi động của ta trong năm nay. Với tư cách thành viên APEC và Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã tham gia tích cực tất cả các hoạt động lớn của Tuần lễ Cấp cao APEC mà đỉnh cao là Hội nghị Cấp cao lần thứ 18.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, cùng Thủ tướng Ốt-xtrây-li-a và Tổng thống Hoa Kỳ là các nhà Lãnh đạo đầu tiên được mời phát biểu dẫn đề tại Phiên họp kín thứ hai của Hội nghị, tập trung chủ đề “Nỗ lực liên kết kinh tế khu vực của APEC và định hướng tương lai". Tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2010, Chủ tịch nước cũng cùng các Nguyên thủ của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã có các bài phát biểu chính với đại diện của hơn 500 tập đoàn hàng đầu ở khu vực, Chủ tịch nước đã được mời phát biểu về chủ đề “Vai trò của liên kết kinh tế ASEAN tại châu Á – Thái Bình Dương”.

 

Thông qua đó, chúng ta đã chia sẻ kinh nghiệm khắc phục khủng hoảng kinh tế, duy trì đà tăng trưởng cũng như các thành tựu phát triển, đồng thời khẳng định những nỗ lực liên kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN đã và đang làm cho ASEAN trở thành một tâm điểm của quan hệ kinh tế, thương mại và liên kết ở châu Á – Thái Bình Dương. Đáng chú ý, ASEAN và các cơ chế ASEAN với các đối tác lần đầu tiên được các nhà Lãnh đạo APEC khẳng định là một cách thức tăng cường liên kết kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương.

 

Tại Hội nghị Cấp cao cũng như Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế, chúng ta cũng đã tích cực đóng góp vào nội dung thảo luận và định hướng cho hợp tác dài hạn của APEC, đặc biệt trong việc xây dựng “Tầm nhìn Yôkôhama - Bôgo và Tương lai”, “Chiến lược tăng trưởng của APEC”, cải cách APEC, hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương, thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ, thu hẹp khoảng cách phát triển, biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo... Nhiều ý kiến và đóng góp của Việt Nam đã được thể hiện trong các văn kiện của Hội nghị.

 

Tóm lại, ta đã tích cực, chủ động tham gia và có đóng góp quan trọng cho Hội nghị Cấp cao và các Hội nghị liên quan, phát huy vị thế của Việt Nam và vai trò chủ tịch ASEAN, tiếp tục nâng cao uy tín và hình ảnh của đất nước cũng như của ASEAN tại các diễn đàn đa phương, trong khu vực và trên trường quốc tế nói chung.

 

PV: Hợp tác và liên kết của khu vực nói chung và APEC nói riêng đang được tăng cường hơn bao giờ hết. Vậy, Việt Nam cần làm gì để tận dụng xu thế này nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?

 

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Tiến trình liên kết tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua APEC đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn, phạm vi rộng hơn, với các biện pháp cụ thể và thực chất, đáp ứng lợi ích của các nền kinh tế thành viên trong bối cảnh hậu khủng hoảng. Với việc châu Á – Thái Bình Dương là khu vực thoát khỏi khủng hoảng đầu tiên và tăng trưởng cao nhất, chưa bao giờ các đối tác lớn quan tâm nhiều đến châu Á – Thái Bình Dương và APEC như hiện nay.

 

Việc tham gia APEC là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, có ý nghĩa chiến lược trong tổng thể chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Là diễn đàn quan trọng hội tụ các đối tác hàng đầu của ta tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, APEC mang đến cho chúng ta những lợi ích thiết thực về kinh tế, chính trị, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, đồng thời là một kênh quan trọng để tăng cường các mối quan hệ song phương. Qua Hội nghị Cấp cao và các Hội nghị liên quan lần này, chúng ta thấy các trọng tâm hợp tác của APEC như chiến lược tăng trưởng mới, cải cách cơ cấu, thuận lợi hóa kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị... về cơ bản phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của đất nước ta. Đây chính là những nội dung mà chúng ta cần vận dụng để phục vụ triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, nhằm giành vị thế cao hơn cho kinh tế Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

 

Mặt khác, liên kết của APEC và khu vực cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đòi hỏi chúng ta, với tư cách thành viên, phải thực hiện các cam kết theo lộ trình cụ thể. Từ nay đến 5 - 10 năm tới, chúng ta sẽ phải hoàn tất các cam kết trong nhiều khuôn khổ liên kết khác nhau, đặc biệt là Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015, các Mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, các Thỏa thuận về khu vực mậu dịch tự do của ASEAN với Trung Quốc (CAFTA) năm 2015 và với các đối tác khác. Việc thực hiện những cam kết mới và sâu rộng như vậy đòi hỏi quyết tâm cao, sự đồng hành và tham gia tích cực của các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân, để có sự thống nhất trong nhận thức, chủ động trong chuẩn bị, và phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn trong hành động, nhằm tận dụng tốt nhất các điều kiện thuận lợi bên ngoài phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

 

 PV:  Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm