Cập nhật: 18/12/2010 16:49:41 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sóng to, gió lớn làm hư hại nhiều tàu, thuyền n Hơn 160 tỷ đồng bảo đảm giao thông sau bão, lũ ở các tỉnh miền trung

* Tập trung chống hạn vụ đông xuân 2010 - 2011 Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN), Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp và chỉ đạo biên phòng các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hòa cử 64 cán bộ chiến sĩ và năm phương tiện cứu hộ, cùng chính quyền địa phương huy động ba tàu cá của ngư dân tổ chức TKCN được sáu vụ (51 người, bảy phương tiện).

Hiện các đơn vị đang tiếp tục cứu hộ và tìm kiếm người mất tích. Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các địa phương, tính đến ngày 17-12, mưa, gió làm năm người mất tích, sáu tàu bị chìm, mười tàu bị hư hỏng.

 

Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, tám thuyền viên trên tàu QNg 94336 TS bị chìm được cứu sống đã bình phục sức khỏe. Ðược biết, ngày 16-12, khi tàu đang chạy tránh áp thấp nhiệt đới, đến khu vực phao số 0 địa phận biển Cửa Hội (Nghệ An) đã bị chết máy và bị sóng đánh chìm. Nhận được tín hiệu cấp cứu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã điều tàu biên phòng BP-061301 ra cứu hộ, cứu nạn. Trước đó, ngày 16-12, khi đánh bắt hải sản tại vùng biển Mũi Mác, phương tiện mành câu của ông Võ Quốc Sỹ (Phú Yên) bị chết máy, trôi dạt trên biển. Nhận được tín hiệu cấp cứu Ðồn Biên phòng Hòa Hiệp huy động lực lượng, phương tiện cùng ngư dân tìm kiếm. Tuy nhiên, do gió to, sóng lớn nên việc tìm kiếm gặp khó khăn và không bảo đảm an toàn khi ứng cứu. Còn tại vùng biển Cù Lao Chàm, TP Hội An (Quảng Nam), do ảnh hưởng của không khí lạnh đã có gió lớn cấp 10, giật trên cấp 11, làm trôi dạt ba thuyền cá. Trong đó một thuyền của ngư dân Cù Lao Chàm và hai thuyền của ngư dân xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

 

Sóng lớn cũng xảy ra trên địa bàn tỉnh Thừa-Thiên Huế làm chìm một tàu cá của ngư dân huyện Phú Vang khi gặp sóng lớn chạy vào cảng Chân Mây trú ẩn, làm bốn người mất tích, một người bị thương. Hiện nay, huyện đang phối hợp Ðồn Biên phòng Cảnh Dương và huyện Phú Lộc tìm kiếm tung tích những người bị nạn.

 

Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ngãi, đến ngày 17-12, tổng số tàu, thuyền của tỉnh đang hoạt động trên biển tại các khu vực là 533 thuyền (5.873 lao động). Do sóng to, gió giật cấp 8, đã làm chín tàu (73 lao động) bị nạn, hiện đã tiến hành cứu hộ, khắc phục sự cố cho tám tàu (63 lao động). Tỉnh chỉ đạo các huyện ven biển, sở, ngành liên quan nghiêm cấm, hướng dẫn tàu, thuyền hoạt động trên biển và công tác quản lý, bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền neo đậu tại các bến.

 

Tổng cục Ðường bộ đã duyệt 160 tỷ đồng kinh phí bảo đảm giao thông bước 1 sau bão lũ ở các tỉnh miền trung. Theo đó, Tổng cục giao và ủy quyền cho các khu quản lý đường bộ lập phương án bảo đảm giao thông, phối hợp chính quyền các địa phương tổ chức phân luồng giao thông, khắc phục kịp thời sự cố cầu, đường bảo đảm an toàn giao thông tránh xảy ra ách tắc lớn.

 

Ðài Truyền hình Việt Nam vừa công bố kết quả chương trình nhắn tin ủng hộ miền trung bị thiên tai với số tiền gần chín tỷ đồng sau gần một tháng phát động. Ngoài ra, Quỹ Tấm lòng Việt cũng nhận được 5,2 tỷ đồng do đồng bào trong nước và kiều bào ủng hộ. Hiện nay, các mạng điện thoại Vinaphone, Mobifone, Viettel, EVN, Sphone đã sẵn sàng chuyển số tiền ủng hộ gần chín tỷ đồng từ các thuê bao tới đồng bào miền trung.

 

Ðể chủ động đối phó với hạn hán có khả năng xảy ra trong vụ đông xuân 2010-2011, TP Hà Nội đã đầu tư, lắp đặt thêm hơn 280 máy bơm dã chiến tại các trạm bơm. Các doanh nghiệp thủy lợi cũng triển khai tu bổ, nạo vét hệ thống kênh mương, bể hút các trạm bơm để sẵn sàng chống hạn.

 

Vụ đông xuân năm 2010-2011, tỉnh Vĩnh Phúc gieo trồng gần 42 nghìn ha, lượng nước phục vụ tưới cần khoảng 203 triệu m3, trong khi đó khả năng cung cấp nước hiện tại từ các hồ chứa lớn, đập Liễn Sơn, các trạm bơm lớn, nhỏ, các hồ nhỏ lẻ và các phai, đập, khe lạch nhỏ... chỉ còn 188 triệu m3. Tỉnh chỉ đạo các huyện lắp đặt trạm bơm dã chiến bảo đảm cung cấp nước từ các sông lên kênh dẫn, củng cố hệ thống bờ bao, bảo đảm tích nước ở mức cao nhất trong các hồ đập, ao, kênh; hướng dẫn nhân dân tiết kiệm nước, không tháo cạn nước ở ao hồ để bắt cá...

 

Vụ đông xuân 2010-2011, tỉnh Hải Dương dự kiến gieo cấy 63 nghìn ha. Tuy nhiên, theo dự báo vụ này sẽ xảy ra khô hạn, thiếu nước nghiêm trọng. Tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, địa phương chủ động phương án chống hạn, bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; tập trung trữ nước ở ao hồ, sông ngòi; sửa chữa hệ thống công trình; chủ động và kiên quyết giải tỏa các vi phạm, khơi thông dòng chảy bảo đảm sẵn sàng phục vụ sản xuất trong mọi tình huống hạn hán có thể xảy ra.

 

Ðể đối phó với tình trạng lũ muộn và rút chậm, đồng thời chuẩn bị chống hạn và ngăn mặn vào cuối vụ, tỉnh An Giang đã thi công 94 công trình thủy lợi, trong đó đã hoàn thành 65 công trình. Ngoài ra, Công ty Ðiện lực đã đóng điện cho 79/99 trạm bơm để vận hành bơm thoát nước từ trong đồng ra, để nông dân đẩy nhanh tiến độ xuống giống lúa đông xuân. Ðến nay, nông dân trên địa bàn đã xuống giống được gần 80.000/235.100 ha theo kế hoạch.

 

Theo Công ty TNHH một thành viên công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Tây Ninh), do lượng mưa năm nay thấp, mực nước trong hồ đến cuối mùa mưa chỉ đạt khoảng 1,26 tỷ m3, ít hơn mực nước thiết kế gần 300 triệu m3. Tỉnh chỉ đạo các xí nghiệp thủy nông phổ biến tình hình thiếu nước tưới và các biện pháp tiết kiệm nước tưới đến người dân; đồng thời công bố lịch tưới luân phiên từng khu vực để lấy nước đạt hiệu quả; khuyến cáo bà con nông dân chuyển sang các loại cây trồng cạn, tránh bị thiệt hại do tình hình thiếu nước tưới gây ra.

 

Tỉnh Bạc Liêu vừa xuất kinh phí hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống do đợt thiên tai vừa gây ra. Ngành nông nghiệp thống kê thiệt hại về vật nuôi cây trồng mức độ 30 đến 100%, tổng hợp và lập danh sách hỗ trợ người bị thiệt hại. Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư mua giống cây, con cấp phát các hộ bị thiệt hại khôi phục lại sản xuất. Ðồng thời, huy động nhân lực, thiết bị y tế giúp dân vùng bị thiên tai thu dọn nhà cửa, sửa chữa chuồng trại chăn nuôi, vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm