Cập nhật: 31/12/2010 06:04:17 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kết thúc năm 2010, năm cuối cùng của thập kỷ đầu tiên trong thiên niên kỷ mới, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin điểm lại 10 sự kiện, vấn đề xã hội được dư luận quan tâm trong năm vừa qua.

1. Liên hợp quốc ghi nhận Việt Nam đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG)

 

Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) là khuôn khổ hợp tác phát triển quan trọng, được ủng hộ rộng rãi kể từ khi Liên hiệp quốc (LHQ) ra đời. Tại Hội nghị cấp cao LHQ kiểm điểm 10 năm thực hiện MDG ở New York tháng 9/2010, trong số các quốc gia được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện MDG, Việt Nam được nhắc đến như một điển hình đặc biệt.

  

Trong 2/3 chặng đường thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ và các MDG, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, sự năng động, sáng tạo và đoàn kết của nhân dân, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn 5/8 các mục tiêu và có thể cơ bản đạt hết các mục tiêu vào năm 2015: Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học theo chuẩn phổ cập của quốc gia, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đạt được những thành tựu to lớn về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; giảm tử vong trẻ em…

 

2. Công bố kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở

 

Ngày 21/7/2010, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở (DSNO) Trung ương đã chính thức công bố kết quả điều tra toàn bộ và tổng kết cuộc Tổng điều tra DSNO năm 2009. Theo kết quả điều tra, vào thời điểm 0h ngày 1/4/2009 dân số Việt Nam là 85.846.977 người, trong đó có 42.413.143 nam (chiếm 49,4%) và 43.433.854 nữ (chiếm 50,6%)

 

Mức sinh của Việt Nam liên tục giảm trong 10 năm qua (Ảnh minh họa: Internet)

 

Tính từ cuộc Tổng điều tra trước, số dân nước ta tăng thêm 9,523 triệu người, bình quân mỗi năm tăng 952.000 người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân/năm giữa 2 cuộc Tổng điều tra DSNO năm 1999 và 2009 là 1,2%/năm, so với thời kỳ 10 năm trước (1989-1999), mỗi năm tăng gần 1,2 triệu người (với tỷ lệ tăng hàng năm là 1,7%/năm). Kết quả này khẳng định mức sinh của Việt Nam đã liên tục giảm trong 10 năm qua.

 

Đặc biệt, kết quả điều tra cho thấy, Việt Nam đang trong thời kỳ của “cơ cấu dân số vàng” bởi tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi giảm từ 33,1% (năm 1999) xuống còn 24,5% (2009); tỷ trọng dân số nhóm tuổi từ 15 đến 64 tăng từ 61,1% lên 69,1% và nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên tăng từ 5,8% lên 6,4%. Theo một số chuyên gia, "cơ cấu dân số vàng" chỉ xuất hiện 1 lần, kéo dài trong khoảng 30 - 40 năm trong quá trình phát triển của một dân tộc, vì vậy đây thực sự là cơ hội “vàng” để phát triển kinh tế, xã hội.

 

 

3. An sinh xã hội được chăm lo tốt hơn

 

Nước ta đã có nhiều thành tựu nổi bật trong thực hiện chính sách an sinh xã hội (Ảnh minh họa: chinhphu.vn)
 

Năm 2010, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, thiếu điện, dịch bệnh xảy ra ở một số nơi song cả nước đã đẩy mạnh triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm; thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội; nâng cao chất lượng hệ thống bảo hiểm... góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

 

Cụ thể, số hộ nghèo giảm từ 29% (năm 2002) xuống còn khoảng 10% (năm 2010); tỷ lệ lao động thất nghiệp ở thành thị giảm từ 6,42% (năm 2000) xuống còn khoảng 4,6% (năm 2010)… Đến năm 2010 đã có khoảng 96,6 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tham gia  bảo hiểm y tế tăng nhanh từ 13,4% dân số (năm 2000) lên khoảng 62% (năm 2010). Đặc biệt, Việt Nam đã thực hiện chính sách bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em đến 6 tuổi, một số đối tượng chính sách, người nghèo và hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo...

 

Bên cạnh đó, năm 2010 ngân sách trung ương đã dành gần 19.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi thường xuyên cho hơn 1,4 triệu người có công. Kinh phí trợ giúp thường xuyên từ ngân sách nhà nước và số người được thụ hưởng tăng nhanh, từ 113 tỷ đồng cho hơn 180 nghìn người (năm 2001) lên 4.500 tỷ đồng cho hơn 1,6 triệu người trong năm 2010.

 

4. Cả nước chung tay giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung

 

Cứu trợ người dân vùng lũ (Ảnh: sggp.org)
 

Năm 2010, trong một thời gian ngắn, dải đất nghèo miền Trung liên tiếp hứng chịu những cơn lũ dữ. Lũ chồng lên lũ đã gây thiệt hại về người và của hết sức nặng nề: gần 200 người chết, 35 người mất tích, 197 người bị thương, gây thiệt hại về vật chất trên 13.500 tỷ đồng.

 

Với tinh thần "thương người như thể thương thân", các tổ chức, cá nhân trong cả nước và nước ngoài đã chủ động, kịp thời quyên góp, giúp đỡ đồng bào vùng bị nạn. Thành phố Hà Nội đã dừng không bắn pháo hoa tại 29 điểm vào tối bế mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội để dành tiền ủng hộ. Chương trình nhắn tin “Chung sức vì đồng bào miền Trung” qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 được tổ chức từ ngày 15/10/2010 đến ngày 30/11/2010 đã có hơn 1,8 triệu tin nhắn ủng hộ với số tiền hơn 20,825 tỷ đồng…

 

Cùng với công tác cứu trợ, người dân tiếp tục đặt câu hỏi: đâu là biện pháp phòng chống lũ lụt có hiệu quả? Bởi ở nước ta - nhất là ở miền Trung - năm nào cũng xảy ra lũ lụt vài lần, và  thiệt hại rất nặng nề.

 

5. Vedan bồi thường 100% thiệt hại cho nông dân

 

Hệ thống xả thải trực tiếp của Vedan bị Cảnh sát Môi trường bắt quả tang năm 2008 (Ảnh: Internet)
 

Sau 2 năm kể từ khi Công ty Vedan bị phát hiện xả thẳng chất độc hại ra sông Thị Vải (tháng 9/2008), chỉ đến khi nông dân đồng lòng đưa Vedan ra tòa, dư luận kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Vedan, chính quyền và các cơ quan chức năng vào cuộc thì đến tháng 9/2010 Vedan mới chấp thuận bồi thường 100% thiệt hại cho nông dân: TP.HCM 45,7 tỉ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu là 53,6 tỉ đồng và Đồng Nai là 119,5 tỷ đồng. Tổng số tiền Vedan phải bồi thường là 219 tỷ đồng.

 

6. Giáo sư Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng toán học Fields

  

GS Ngô Bảo Châu nhận huy chương Fields từ Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil(Ảnh: Internet)
 

Ngày 19/8, tại Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabat, Ấn Độ, GS Ngô Bảo Châu đã vinh dự được nhận giải thưởng Fields - giải thưởng quốc tế danh giá được ví như một giải “Nobel toán học”. Việc GS Ngô Bảo Châu được trao tặng Huy chương Fields là niềm vinh dự, tự hào lớn đối với đất nước Việt Nam. Sự kiện đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ hai tại châu Á, sau Nhật Bản, có công dân được nhận giải thưởng toán học cao quý này. Đặc biệt, thành công này khích lệ giới khoa học, thế hệ trẻ Việt Nam thêm tự tin trong học tập, nghiên cứu để chinh phục đỉnh cao khoa học.

 

7. Người lao động được tăng lương tối thiểu

 

Ngày 25/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2010/NĐ-CP về mức lương tối thiểu chung cho công chức, viên chức. Theo đó, từ ngày 1/5/2010, mức lương tối thiểu được tăng từ 650.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu chung nêu trên được áp dụng đối với bốn loại hình cơ quan, đơn vị, tổ chức, bao gồm: các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; các công ty được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước và các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

 

8. Người có thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội

 

GS Ngô Bảo Châu nhận huy chương Fields từ Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil(Ảnh: Internet)
 

Tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/6/2010, ngoài cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp, công nhân làm việc tại khu công nghiệp (như quy định cũ)..., Nghị định mới bổ sung thêm 2 đối tượng được mua, được thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

 

Đó là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề không phân biệt công lập hay dân lập được thuê nhà ở trong thời gian học tập và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị theo quy định của UBND cấp tỉnh.

 

9. Bạo hành trẻ em, bạo lực học đường gia tăng

 

Trong năm qua, nhiều vụ bạo hành trẻ em, bạo lực học đường bị đưa ra ánh sáng khiến dư luận bàng hoàng và bất bình.

 

Điểm qua những vụ việc bạo hành trẻ em bị cơ quan chức năng phát hiện trong năm 2010, có thể thấy tình trạng này đã ở mức báo động: vụ chủ trại tôm giống Minh Đức (Cà Mau) hành hạ dã man cậu bé 14 tuổi - Hào Anh; vụ bảo mẫu Trần Thị Phụng (Đồng Nai) tắm cho cháu bé bằng cách dùng gáo nhôm hất nước liên tiếp vào mặt, dùng chân đạp vào người, đè xuống sàn “nhà tắm” để kỳ cọ cho bé…

 

Môi trường học đường vốn được xem là trong lành nhưng trong năm 2010 đã phát sinh nhiều vụ việc phức tạp, trong đó có việc “nở rộ” các vụ nữ sinh đánh nhau.  Đáng lo ngại hơn khi những vụ việc này được ghi lại trong các videoclip và được tung lên mạng internet, gây bất bình trong dư luận: ngày 14/9, một clip nữ sinh ở Nghệ An bị đánh hội đồng dã man được tung lên mạng; không lâu sau đó, vào ngày 23/10, trên mạng lại xuất hiện một clip quay cảnh nữ sinh bị đánh, lột áo giữa đường tại Quảng Ninh…

 

10. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm diễn biến phức tạp

 

Người chăn nuôi điêu đứng vì dịch lợn tai xanh (Ảnh: K.Q)
 

Năm 2010, dịch lợn tai xanh bùng phát dữ dội, cả hai đợt dịch ghi nhận tới gần 50 tỉnh, thành có lợn mắc bệnh, gây thiệt hại nặng nề. Nguyên nhân dịch bệnh lan rộng được xác định là do sự thiếu trách nhiệm của người chăn nuôi, người giết mổ, kinh doanh thịt lợn, chính quyền cơ sở; và do lực lượng cán bộ chuyên trách phòng chống dịch còn mỏng, cơ chế đền bù khác nhau giữa các địa phương...  

 

Cũng trong năm vừa qua, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: cúm A/H5N1, tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Cùng với sự đe doạ của dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng./.

 

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm