Mỹ đã rút ra và nhường vị trí đi đầu cho Pháp và Anh trong cuộc chiến Libya nhưng không phải vì thế mà Mỹ vắng mặt trong cuộc chiến Libya mà thực tế vẫn cùng các đồng minh tiếp tục sứ mệnh. Cuộc chiến Libya cho thấy những góc độ rất khác nhau, trong đó quan trọng nhất là chiến lược mới của Mỹ.
Sự thay đổi thái độ của Mỹ tương phản với quá khứ khi quân Mỹ đổ vào Iraq hay Afghanistan để rồi phải đối mặt với một đội quân mà họ không thể thắng nổi. Nước Mỹ nay đã sang trang, thực hiện một phương thức mới có thể tinh tế hơn song không phải vì thế mà ít đáng sợ hơn về hiệu quả. Đó là việc can thiệp vào cuộc nổi dậy ở Libya một cách kín đáo vì biết dân chúng các nước Ảrập luôn nghi ngờ những gì đến từ Mỹ.
Nhưng không ai không biết sức nặng của bộ máy chiến tranh của Mỹ có tính quyết định như thế nào kể cả ở Libya, Tunisia cũng như Ai Cập. Nếu không có các vụ không kích chính xác vào thời gian đầu cuộc xung đột, nếu sau đó không có máy bay không người lái cảnh giới và tấn công và nếu không có các mạng lưới chỉ huy và kiểm soát trong suốt quá trình chiến sự, phe nổi dậy gần như chắc chắn đã bị đè bẹp. Thế nhưng những sự việc này bị che lấp hoàn toàn thông qua chiến dịch tuyên truyền của giới truyền thông của chính các nước Ảrập chứ không phải của phương Tây. Và đây cũng là thắng lợi chính của phương thức mới của phương Tây.
Libya đã "thay đổi chế độ", nhưng khác với Iraq, lần này, người Libya cầm cương. Theo nghĩa đó, việc Tổng thống Barack Obama chọn cách chỉ hỗ trợ quân nổi dậy cho thấy là đúng đắn. Thời gian 6 tháng chiến dịch cũng là phù hợp, vì nếu ông Obama tung ra chiến dịch không kích ồ ạt hay đưa bộ binh Mỹ vào tiêu diệt nhà lãnh đạo Gaddafi thì thế giới, và có thể cả quân nổi dậy Libya, đã nổi giận trước một "cuộc xâm lược của đế quốc".
Tình trạng hỗn loạn ở Libya có thể sẽ dần dần lan ra khắp vùng Bắc Phi và gây ra hậu quả tai hại cho tất cả các nước Địa Trung Hải. Châu Âu cũng sẽ mất nhiều nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt, đồng thời phải đối mặt với nạn di dân ồ ạt. Tuy nhiên, trong viễn cảnh đó, nhà phân tích Therry Meyssan cho rằng ít có khả năng Mỹ tài trợ cho việc triển khai quân chiếm đóng quy mô lớn vì cuộc bầu cử tới và phải đối mặt với dư luận trong nước đòi tiết kiệm.
Dù chính phủ được thành lập ở Libya là như thế nào, các chương trình tái thiết được các nước khác đề xuất ra sao, Mỹ sẽ không có vị thế chỉ đạo và cũng không nên làm như vậy. Từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Mỹ chờ đợi các đồng minh gánh vác trách nhiệm của mình, còn các đồng minh than phiền về thiên hướng thống trị của Mỹ. Lần này, Washington sẽ chuyển gánh nặng đó cho LHQ và Liên minh châu Âu (EU) và sẽ ấn gánh nặng cho những nước đi đầu trong cuộc chiến.
Theo Thế giới & Việt Nam