Tuyên bố sẽ sử dụng vũ khí hóa học và tình hình chiến sự tiếp diễn tại Syria là tâm điểm chú ý của cộng đồng thế giới. Giao tranh vẫn diễn ra quyết liệt tại Syria với tâm điểm là thành phố lớn thứ hai Aleppo ở miền Bắc nước này.
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (trụ sở tại Anh) cho biết bạo lực leo thang nhanh chóng ở Aleppo trong 2 ngày qua khi quân chính phủ đụng độ với các tay súng chống đối. Một số nguồn tin nước ngoài cho biết, quân đội chính phủ đã triển khai tới Aleppo và đã chuẩn bị không kích thành phố này.
Trước đó, tuyên bố của Chính phủ Syria lần đầu tiên thừa nhận đang sở hữu kho vũ khí hóa học và sẵn sàng sử dụng loại vũ khí này khi bị tấn công, khiến cho cộng đồng quốc tế “đứng ngồi không yên” trước cuộc khủng hoảng không lối thoát tại quốc gia Trung Đông này.
Ngay cả Nga, một đồng minh thân cận với chính quyền Syria đã lên tiếng khẳng định, việc sử dụng vũ khí hóa học là không thể chấp nhận. Bộ Ngoại giao Nga ngày 25/7 ra tuyên bố kêu gọi Syria tôn trọng Nghị định thư Geneva 1925 về việc cấm sử dụng vũ khí hóa học.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã mạnh mẽ chỉ trích việc Mỹ không lên án vụ đánh bom nhằm vào các quan chức an ninh hàng đầu của Syria ngày 18/7, cho đây là thái độ "bao biện cho khủng bố". Nga cũng chỉ trích việc Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt mới để phong tỏa đường không và đường biển đối với Syria.
Ông Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối trên nguyên tắc những trừng phạt đơn phương nhằm vào Syria được thông qua vài ngày trước đây. Cộng đồng thế giới vẫn đang nỗ lực thảo luận về vấn đề Syria. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu, Mỹ và một số nước khác đã áp dụng các trừng phạt đơn phương mà không thảo luận với các bên. Điều này trái với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Syria, vi phạm nội dung và tinh thần của kế hoạch hòa bình mà đặc phái viên Annan khởi xướng cũng như kế hoạch chuyển giao chính trị ở Syria đã được nhất trí tại Geneva (Thụy Sĩ) cuối tháng trước”.
Trước diễn biến tình hình Syria, Liên Hợp Quốc đã gia hạn sứ mệnh của phái bộ quan sát viên tại quốc gia Trung Đông này thêm 30 ngày. Hãng tin AFP của Pháp ngày 25/7 dẫn lời các quan sát viên Liên Hợp Quốc tại Syria cho biết, một nửa số thành viên của phái bộ - 150 quan sát viên đã rút khỏi quốc gia Trung Đông và sẽ không trở lại.
Trung tướng Babacar Gaye của Senegan cũng đã đến Syria để nhận nhiệm vụ chỉ đạo sứ mệnh phái bộ Liên Hợp Quốc tại Syria, thay cho Tướng Robert Mood, người Na Uy.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Damascus ngày 25/7, Trung tướng Babacar Gaye cho biết, nhiệm vụ của ông thời điểm này là rất khó khăn. Ông hy vọng tình trạng bạo lực tại Syria sẽ giảm bớt trong thời gian ông chỉ huy phái bộ Liên Hợp Quốc.
“Chúng tôi trở lại Syria với hy vọng sẽ tìm được ánh sáng cuối đường hầm cho tình hình Syria và hạn chế các hành động bạo lực. Sứ mệnh của phái bộ Liên Hợp Quốc kéo dài thêm 30 ngày, và hiện chúng ta còn khoảng 27 ngày. Chúng ta vẫn còn cơ hội để chấm dứt bạo lực, chấm dứt hành động gây tổn thương tới người dân Syria. Đây là mối quan tâm chính của tôi khi nhận nhiệm vụ tại Syria”, ông Gaye cho biết.
Liên Hợp Quốc vẫn đang nỗ lực hết mình để tìm lối thoát cho khủng hoảng Syria, nhưng những thất bại trước đó khiến các nước không thể lạc quan vào viễn cảnh tươi sáng ở Syria. Lấy lý do tình trạng an ninh trở nên tồi tệ, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố đóng tất cả các cửa khẩu biên giới với Syria từ ngày 25/7.
Trước phản ứng này, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã liên lạc với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và được bảo đảm rằng biên giới với Syria chỉ đóng đối với các hoạt động thương mại, còn người tị nạn Syria vẫn có thể qua biên giới sang nước này. Liên Hợp Quốc cũng thúc giục các nước mở cửa biên giới, trong bối cảnh ngày càng có người nhiều Syria chạy sang các nước láng giềng để tránh bạo lực.
Theo ước tính của Cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn, khoảng 124.000 người Syria đã xin tị nạn ở các nước láng giềng hoặc đang đợi xác nhận xin tị nạn. Tuy nhiên, con số thực tế còn cao hơn nhiều./.
Theo Hoàng Lê/VOV Online