Cập nhật: 10/12/2009 21:52:03 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sức tiêu dùng tăng cao và cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang tạo cơ hội vàng cho hàng Việt chiếm lĩnh thị trường tết năm nay.

 

Tuy nhiên, để có thể dụng cơ hội này, doanh nghiệp cần nâng cao uy tín bằng việc đảm bảo sự ổn định về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ...

 

Tận dụng cơ hội vàng

 

Sức tiêu dùng trong dịp Tết không giảm mà dự báo sẽ tăng khoảng 20% so với Tết năm ngoái. Bộ Công Thương đánh giá việc thị trường trong nước vẫn sôi động, sức tiêu dùng vẫn không giảm sút trong bối cảnh kinh tế khó khăn là yếu tố rất thuận lợi để các doanh nghiệp tăng sản xuất, phân phối, chiếm lĩnh thị trường.

 

Các mặt hàng tiêu dùng mạnh trong dịp Tết như đồ uống, thực phẩm chế biến, hàng dệt may... do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sẽ chiếm ưu thế nhờ chất lượng đã được khẳng định, giá cả cũng có sức cạnh tranh.

 

Bên cạnh đó, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang phát động rộng khắp cũng hỗ trợ cho hàng Việt cả về "vật chất" và "tinh thần". Nhằm tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam cũng như kích cầu tiêu dùng nội địa, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký Quyết định về việc dành 51 tỷ đồng cho xúc tiến thương mại năm 2009 và kéo dài sang năm 2010.

 

Theo Bộ Công Thương, nhiều tỷ đồng trong số tiền trên sẽ được tung ra trong dịp Tết để giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng, nhất là đưa hàng về nông thôn.

 

Ngoài ra, gần đây, hàng ngoại cũng mất ưu thế với hàng nội do tác động của biến động tỷ giá. Việc tỷ giá USD tăng cao trong thời gian gần đây khiến hàng hóa nhập khẩu trên thị trường tăng giá đáng kể.

 

Theo một khảo sát mới đây của Trung tâm Nông nghiệp nông thôn (Agro Info), do áp dụng quy định mới trong kiểm soát, lượng thịt đông lạnh nhập khẩu trên cả nước đã được ký hợp đồng đến Tết Canh Dần 2010 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2008.

 

Do lượng nhập về giảm, giá thịt lạnh nhập khẩu cũng có chiều hướng tăng mạnh. So với tháng 9, giá cánh gà nhập từ Mỹ tăng 300 USD, lên 2.200 USD/tấn (cộng thuế, chi phí thì giá về cảng Việt Nam khoảng 49.000-50.000đồng/kg); đùi gà tăng 200 USD lên 1.010 USD/tấn.

 

Chưa kể, hàng thực phẩm chế biến ngoại nhập, hàng dệt may... trong thời gian gần đây luôn bị cảnh báo về chất lượng không đảm bảo do có sử dụng những hóa chất, phụ gia bị cấm.

 

Đón những cơ hội "vàng" từ thị trường Tết này, từ nhiều tháng nay, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối kinh doanh hàng Tết đã tích cực chuẩn bị nguồn hàng.

 

Theo giới kinh doanh, Tết này, số lượng mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm chế biến, may mặc... của Việt Nam bán trên các kênh phân phối như siêu thị, cửa hàng, đại lý sẽ tăng lên đáng kể so với năm trước.

 

Đại diện Công ty Bibica cho rằng Tết này là cơ hội để sản phẩm của họ cạnh tranh với hàng ngoại nhập, vì thế Bibica dự kiến sẽ tung ra thị trường khoảng 4.500 tấn bánh kẹo các loại, tăng 20% so với cùng kỳ ngoái.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex cũng khẳng định sẽ tăng mạnh nguồn hàng để đáp ứng sức tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết này.

 

Giới kinh doanh siêu thị khẳng định, tỷ lệ hàng nội tại siêu thị hiện đã chiếm tới 70%, hàng ngoại chỉ chiếm khoảng 30% và chủ yếu tập trung ở những nhóm hàng có sức tiêu thụ không lớn. Cá biệt có nhiều siêu thị, hàng nội chiếm áp đảo tới trên 90% như Co.op Mart, Big C.

 

Không coi Tết là cơ hội ngắn hạn

 

Với những chuẩn bị tích cực từ nhà cung cấp tới phân phối, chắc chắn dịp Tết Nguyên đán này người tiêu dùng trong nước sẽ được tiếp cận nhiều hơn với hàng nội.

 

Tuy nhiên, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) khuyến cáo rằng các doanh nghiệp Việt muốn bám trụ ở thị trường nội địa cần có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài. Không nên coi Tết là cơ hội làm ăn ngắn hạn để rồi tìm cách tiêu thụ hàng tồn, hàng ế, hay tăng giá hàng hóa trong dịp Tết.

 

Trái lại, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, nâng cao dịch vụ bán hàng, có giá thành hợp lý... để nâng cao uy tín thương hiệu, bà Hạnh nhấn mạnh.

 

Trong bối cảnh thị trường Tết thường có xu hướng tăng giá, nhiều doanh nghiệp coi việc giữ ổn định về giá bán cũng là một cách giữ uy tín với khách hàng.

 

Ông Bùi Duy Đức, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết phương châm của Công ty là luôn cung cấp cho thị trường những sản phẩm an toàn-chất lượng-vệ sinh-giá cả hợp lý; nhất là trong các thời điểm thị trường biến động như những ngày lễ và Tết, sản phẩm của Vissan càng cố gắng giữ giá cả ổn định để tạo uy tín với khách hàng. Đây là yếu tố rất quan trọng làm cho người tiêu dùng tin tưởng vào thương hiệu Vissan.

 

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhấn mạnh để bình ổn giá và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt trong thời điểm này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành chức năng, từ việc chống đầu cơ hàng hóa đến việc chống hàng giả, hàng lậu.

 

Kiểm tra, kiểm soát thị trường

 

Một vấn đề khá quan trọng trong thị trường Tết là việc bình ổn giá cả. Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại trong nước thuộc Bộ Công Thương nhấn mạnh nguồn hàng phục vụ nhu cầu Tết không thiếu nhưng thị trường lại rất dễ rơi vào thế tăng giá do những thói quen kinh doanh lạc hậu, không có sự tôn trọng pháp luật. Bởi vậy, quan trọng là kiểm tra, kiểm soát thị trường.

 

Ông Xuân cho rằng theo quy luật thị trường và tiêu dùng thì nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cuối năm tăng lên. Đây cũng là mùa làm ăn của doanh nghiệp và các nhà thương mại. Doanh nghiệp cũng phải đón nhu cầu của thị trường để làm ăn, kinh doanh, đẩy mạnh nguồn cung, phát triển nguồn cung cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

 

Như vậy, về lý thuyết là sẽ không có hiện tượng tăng giá, nhưng trong thực tế vẫn có nhiều lý do để thị trường hàng hóa tăng giá. Đó là do khối lượng hàng hóa đưa ra thị trường thiếu, không đủ, không khớp với nhu cầu; hàng hóa không thiếu nhưng do các cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý không tốt; tăng giá có tính chất cục bộ như vào thời gian nào đó, một nơi nào đó vẫn xảy ra mất cân đối.

 

Theo ông Xuân, điều đáng lưu ý là tăng giá do thói quen kinh doanh lạc hậu, thiếu văn minh, không tôn trọng pháp luật. Người kinh doanh thường nghe ngóng nhau để tăng giá, hùa nhau để tăng giá. Thậm chí đồn thổi, tung tin đồn thất thiệt như thiếu hàng, khan hàng... để tăng giá.

 

Để khắc phục hiện tượng trên không có cách nào khác là phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thật nghiêm và phải xử lý theo Nghị định của Chính phủ ban hành quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại; chuẩn bị nguồn hàng phong phú, đầy đủ, kịp thời.

 

Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn cung một cách chu đáo, cũng phải tổ chức tốt mạng lưới phục vụ, tránh tình trạng có hàng nhưng hàng hóa không đến được tới tay người tiêu dùng, gây sốt hàng và đẩy giá lên cao.

 

Từ nhiều tháng nay, Bộ Công Thương đã có chỉ thị chỉ đạo các doanh nghiệp, địa phương lo chuẩn bị nguồn hàng Tết như ký kết đặt hàng, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, chuẩn bị cả các phương án bán hàng trong dịp Tết, mở thêm các điểm bán hàng lưu động, mở rộng các mạng lưới bán lẻ.

 

 

Theo Tin tức Online

 

Tệp đính kèm