Cập nhật: 16/04/2010 14:58:19 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hại lúa, Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa có công điện gửi Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc, từ Thừa thiên – Huế trở ra; Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc, Trung tâm Bảo vệ thực vật khu 4 về việc tăng cường phòng trừ có hiệu quả dịch bệnh hại lúa.

 

Công điện nêu rõ, hiện nay điều kiện thời tiết, cây trồng rất thích hợp cho bệnh đạo ôn phát triển và gây hại. Tại các tỉnh Bắc Bộ đã có 1.282,7 ha lúa bị nhiễm đạo ôn lá, tỷ lệ bệnh phổ biến 1-3%, cao 5-10%, cục bộ 20-40%, đã xuất hiện các ổ bị lụi tại Điện Biên, Hưng Yên, Thái Bình…Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng đã có 3.508 ha nhiễm đạo ôn lá, tỷ lệ bệnh trung bình 1-6 % cao 15 %, cục bộ 30 -40 %...

 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, thời gian tới sẽ còn nhiều ngày có mưa phùn, trời âm u rất thuận lợi cho bệnh phát triển gây hại trên các trà lúa nhất là trên các giống lúa nhiễm. Với điều kiện thời tiết này rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn gây hại.

 

Ngoài ra, bệnh vi rút lùn sọc đen tiếp tục diễn biến phức tạp, gây hại trên lúa giai đoạn đòng – trỗ; rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 (chủ yếu rầy lưng trắng) phát sinh rộ từ đầu tháng 4, diện phân bố rộng, đặc biệt là rầy lưng trắng… ; sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên các trà lúa chính vụ - muộn giai đoạn đòng từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5; sâu đục thân 2 chấm gây bông bạc từ sau trung tuần tháng 5.

 

Để tăng cường việc phòng trừ có hiệu quả các loại bệnh trên, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố; tập trung lực lượng cán bộ, kể cả ngày nghỉ để kiểm tra, nắm chắc diễn biến của bệnh đạo ôn, bệnh lùn sọc đen, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân... Theo dõi sát diễn biến thời tiết, xác định thời gian, diện tích từng trà lúa cần phun trừ cụ thể đối với từng loại sâu, bệnh để tham mưu cho địa phương tổ chức và chỉ đạo nông dân phòng trừ;

 

Phối hợp với các cấp chính quyền tăng cường hướng dẫn cho bà con nông dân kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, cụ thể:

 

Đối với bệnh đạo ôn, phun thuốc trừ các ổ dịch đạo ôn lá ; để hạn chế đạo ôn cổ bông, cần phun phòng triệt để những diện tích đã bị đạo ôn lá, những nơi đã bị đạo ôn lá nặng cần phun kép bằng các loại thuốc trừ bệnh đặc hiệu, lần thứ nhất lúc lúa trỗ khoảng 3 - 5%, lần thứ hai phun khi lúa trỗ xong. Đối với trà lúa trỗ vào đầu đến giữa tháng 5, cần phun phòng trên những diện tích giống nhiễm, xanh tốt khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển.

 

Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, triển khai phun thuốc trừ rầy khi rầy còn ở tuổi nhỏ (t1 – t3) giai đoạn rầy dễ mẫn cảm với thuốc, đồng thời để ngăn chặn rầy phát tán truyền bệnh vi rút, nên dùng loại thuốc chống lột xác để hạn chế gây hại. Ngoài ra, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để kịp thời ngăn chặn việc tăng giá, thuốc giả, thuốc kém phẩm chất

 

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm