Cập nhật: 11/10/2010 16:57:38 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước thềm Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn nêu ra 4 thách thức lớn đối với hệ thống kinh tế thế giới hiện nay

Theo ông Strauss-Kahn, 4 thách thức đó là nợ chủ quyền lớn, thất nghiệp nhiều, cải cách khu vực tài chính trì trệ và hợp tác quốc tế còn thiếu.

 

Ổn định tài chính vẫn là vấn đề lớn đối với nhiều nước. Tuy nhiên, để củng cố tài chính trung hạn, không phải mọi nước đều siết chặt các quy chế tài chính mà tùy theo tình hình cụ thể để có các biện pháp thích hợp.

 

Mặc dù đã ban hành nhiều biện pháp chính sách để cải thiện tình hình tài chính, nhưng thế giới vẫn cần hành động hơn nữa để giám sát và điều chỉnh khu vực tài chính vốn là tâm điểm khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới chưa thực sự kết thúc, một khi tình trạng thất nghiệp cao vẫn chưa được giải quyết về cơ bản.

 

Theo ông Strauss-Kahn, kinh tế toàn cầu đang tiếp tục khó khăn trong khi tìm cách vượt qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông nhận định kinh tế thế giới “”đang tăng trưởng trở lại” nhưng “mỏng manh và không đồng đều”.

 

Việc các nước đua nhau giảm giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu là “sai lầm nghiêm trọng”. Theo ông,  các nước cần phối hợp với nhau hơn nữa để xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế. Nếu không tăng cường hợp tác, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục khó khăn và không thể tạo nhiều công ăn việc làm. Ông Strauss-Kahn cho biết kể từ khi cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu năm 2007, hơn thế giới đã bị mất đi 30 triệu việc làm.

 

Giám đốc điều hành IMF kêu gọi các nước tăng cường hợp tác quốc tế để đối phó với 4 thách thức  nêu trên. Ông nhấn mạnh trong khi đà phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn rất mong manh, các nền kinh tế phát triển và đang phát triển mới nổi cần hợp tác chặt chẽ để tránh chạy đua hạ giá tiền tệ.

 

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm