Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đã và đang được cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp các địa phương trong cả nước tích cực triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế
Nam Định: phấn đấu vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,5% trong năm 2011
UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Các giải pháp này được xây dựng cụ thể, chi tiết trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư, xây dựng cơ bản, an sinh xã hội...; trong đó, chi nhánh Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn được yêu cầu thực hiện các chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế của tỉnh trên 12%.
Ngành nông nghiệp được yêu cầu phối hợp với các cấp chỉ đạo các hộ nông dân thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật trong sản xuất vụ lúa Xuân và lúa mùa để giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, không để tái phát lây lan trên diện rộng. Ngành giao thông vận tải phối hợp với các ngành và các huyện hoàn thành tốt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm có tính chất quyết định đến việc phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh về dài hạn.
Ngoài việc giao chỉ tiêu tiết kiệm khoảng 20% chi ngân sách thường xuyên, tăng thu ngân sách năm 2011 trên 15% so với dự toán đã được HĐND phê duyệt, tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các huyện và thành phố quản lý ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, tạm ngừng trang bị mới ô tô, điều hoà nhiệt độ, thiết bị văn phòng và tài sản khác có giá trị lớn, sửa chữa lớn trụ sở làm việc, giảm tối đa chi phí điện nước, điện thoại, hội họp, tiếp khách....
Đặc biệt, sau khi xem xét mức độ cần thiết, UBND tỉnh đã quyết định tạm hoãn 7 công trình, dự án với tổng số vốn hàng trăm tỷ đồng. Về các chính sách an sinh xã hội, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển dạy nghề gắn với tạo việc làm, đặc biệt là dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, phấn đấu vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,5% trong năm 2011; triển khai các quy định về hỗ trợ giá điện, xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo.
* Phú Thọ: Tăng cường thực hiện quy định về tiết kiệm, chống lãng phí
Ngày 7/3, tỉnh Phú Thọ tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị Quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09/1/2011 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt Nghị quyết số 02 và Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Thông báo điều chỉnh kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2011... Đại diện Sở Tài chính tỉnh đã hướng dẫn việc triển khai thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; yêu cầu các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách thực hành tiết kiệm: tạm dừng việc mua sắm ô tô, phương tiện, tài sản khác có giá trị lớn, sửa chữa lớn trụ sở làm việc, giảm tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, lễ hội, sơ kết, tổng kết, đón nhận Huân chương, danh hiệu thi đua, kỷ niệm ngày thành lập… và các đoàn công tác trong và ngoài nước sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo và áp dụng cụ thể để thực hiện tiết kiệm định mức việc sử dụng điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng, dầu (tiết kiệm tối thiểu 10%). Ngừng các khoản chi cho các nhiệm vụ khác chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực.
Để thực hiện có hiệu quả NQ 02 và NQ 11 của Chính phủ, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 515/KH-UBND về các giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, triển khai tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân; thực hiện tiết kiệm trong tiêu dùng, dành vốn cho đầu tư phát triển. Thực hiện cắt giảm 10% chi thường xuyên của các cấp ngân sách, giảm hội họp, đi công tác nước ngoài khi chưa thật cần thiết. Rà soát lại danh mục các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước kể cả dự án phân cấp cho cấp huyện, vốn trái phiếu Chính phủ theo hướng bố trí sắp xếp lại các dự án đầu tư, trong đó tập trung cho các dự án hoàn thành trong năm 2011 và đầu năm 2012. Cùng với tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo nguồn hàng cung cầu, quản lý thị trường, giá cả và các hoạt động tài chính, tiền tệ; đảm bảo sản xuất nông nghiệp, giữ ổn định giá nông sản thực phẩm; thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Hòa Bình: Tiết kiệm chi thường xuyên 10%
UBND tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Trước mắt tỉnh tập trung vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh các lĩnh vực công - nông - lâm nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện đầu tư công có hiệu quả, tiết kiệm 10% chi thường xuyên, tạm dừng mua sắm ô-tô mới và các trang thiết bị văn phòng kết hợp với sử dụng tiết kiệm điện, nước, xăng, dầu, văn phòng phẩm giảm chi phí hội nghị, đi công tác nước ngoài. Ðình, hoãn, giãn tiến độ hoặc dừng khởi công những công trình chưa thật sự cần thiết để chuyển vốn tập trung hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện.
Ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn phải chủ động khắc phục khó khăn phát sinh trong các đợt rét đậm, rét hại và khô hạn để ổn định sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Hỗ trợ nông dân về giống vốn để chuyển đổi sản xuất trên những diện tích không cấy được lúa do khô hạn và phục hồi đàn trâu, bò bị chết do đói, rét. Ngành công thương, UBND cấp huyện tăng cường triển khai các biện pháp quản lý thị trường kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, thị trường, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Có kế hoạch dự trữ, phân phối, lưu thông hàng hóa tập trung vào các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn nhằm bảo đảm an sinh xã hội.
Lào Cai: Tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp trên các lĩnh vực
UBND tỉnh Lào Cai tập trung thực hiện sáu nhóm giải pháp trên các lĩnh vực xây dựng cơ bản, nông - lâm nghiệp, thương mại, thu hút đầu tư, tiền tệ..., nhằm thúc đẩy sản xuất, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011.
Theo đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn giảm cho vay lĩnh vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực kinh doanh bất động sản và chứng khoán; tập trung vốn cho vay sản xuất kinh doanh, ưu tiên khu vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Rà soát các công trình xây dựng cơ bản, tạm ngừng đầu tư các dự án chưa cần thiết. Tăng cường kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các cửa hàng, siêu thị, chợ đầu mối...
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể... cắt giảm những chi tiêu chưa cần thiết, tạm ngừng trang bị mới ô-tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; sử dụng điện tiết kiệm 10% chỉ số tiêu thụ điện năng so với năm 2010; không bổ sung ngân sách ngoài dự toán năm đã được phê duyệt cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm hộ nghèo, cận nghèo, giúp đồng bào ổn định cuộc sống...; vận động nhân dân đẩy mạnh tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng.
Vĩnh Long: Tạm dừng thi công, giãn tiến độ 13 công trình
Tỉnh Vĩnh Long đã rà soát lại danh mục các công trình xây dựng cơ bản năm 2011, tạm dừng thi công, giãn tiến độ 13 công trình. Đây là những công trình dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và nguồn trái phiếu chính phủ, có tổng nguồn vốn đầu tư được ghi trong năm nay trên 42 tỷ đồng. Tỉnh đã rà soát lại các dự án chưa khởi công, các dự án chưa thật bức xúc, công trình có tiến độ thi công chậm do vướng mắc trong bồi hoàn giải tỏa, công trình có thời gian thi công kéo dài, không thể hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2011 như các công trình xây dựng bệnh viện lao, bệnh viện phổi, trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần, khu nhà ở xã hội khóm 2, phường 8 (thành phố Vĩnh Long), nhà làm việc xã Mỹ Thạnh Trung (huyện Tam Bình), trại lúa giống tỉnh, dự án đường khóm 2 và công viên cây xanh huyện Bình Minh.
Năm 2011, tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch đầu tư từ nhiều nguồn vốn 1.439,7 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước là 1.139,7 tỷ đồng, nguồn vốn vay Kho bạc Nhà nước là 300 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện 72,84 tỷ đồng, đạt 5,03% kế hoạch vốn giao năm 2011 và gấp 1,8 lần cùng kỳ năm 2010. Nguồn vốn được tập trung để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sắp hoàn thành để kịp đưa vào sử dụng trong quý I/2011. Tỉnh chỉ đạo các ngành và chủ đầu tư chưa thực hiện khởi công các công trình, dự án mới có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và vốn Trái phiếu Chính phủ, tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dự án quan trọng, cấp bách như: Khu Hành chính huyện Bình Tân, cống hở Năm Sự (huyện Vũng Liêm), đường Phan Văn Năm (huyện Bình Minh), nâng cấp trường Chính trị Phạm Hùng, trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long, trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Bình Minh, thi công cầu Đìa Môn trên đường tỉnh 903. Một số công trình chưa bức xúc được tạm dừng triển khai, chuyển sang bố trí vốn thi công trong năm 2012.
Quảng Trị: Giảm chi phí công, tăng thu ngân sách 10%
UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội năm 2011.
Theo đó, các ngành, đơn vị, địa phương triển khai chương trình hành động của UBND tỉnh đảm bảo hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Trước hết là giảm chi phí công, tăng thu ngân sách 10%, rà soát, bố trí vốn xây dựng cơ bản, nhiệm vụ chi tại các ngành, cơ quan, địa phương để đảm bảo tiết kiệm 10% và cắt giảm chi 10%. Tạm dừng trang bị mới xe ô tô, trang thiết bị văn phòng; hạn chế hội họp, lễ hội, tham quan; thực hiện tiết kiệm xăng dầu, điện...
Đối với các dự án đang đầu tư thực hiện sẽ tiến hành rà soát, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư sớm đi vào hoạt động. Triển khai việc tiếp nhận và cải tạo nâng cấp cảng Cửa Việt, nâng cấp ga Hà Thanh thành ga hàng hóa để doanh nghiệp giảm chi phí vận tải và tạo động lực thu hút đầu tư. Ưu tiên tập trung thu hút các dự án đầu tư mà Quảng Trị có thế mạnh như chế biến gỗ rừng trồng, may công nghiệp, chế biến các sản phẩm xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu cát...
Tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá bất hợp lý, các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chỉ đạo tốt công tác tiết giảm điện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn. Tích cực tìm kiếm, mời gọi các doanh nghiệp đến tiếp nhận lao động tại địa phương thông qua sàn giao dịch việc làm, kiểm tra công tác cứu đói, rà soát lại các chỉ tiêu giảm nghèo, lập kế hoạch xây dựng nhà ở cho hộ nghèo trong năm 2011..
Ninh Bình: Siết chặt các nguồn thu
Trong tình hình kinh tế khó khăn, ngoài phải tiết kiệm chi tiêu, tỉnh Ninh Bình đang chú trọng và đặt lên hàng đầu nhiệm vụ siết chặt các nguồn thu. Công tác này cũng đã được “nâng tầm” bằng việc tỉnh vừa xây dựng “Đề án” để tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và khai thác tài nguyên khoáng sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu: Khi đề án đã ban hành thì các cấp, các ngành cần nghiêm chỉnh thực hiện, tránh tối đa tình trạng nể nang, buông lỏng và thờ ơ cho các cá nhân, doanh nghiệp trốn thuế, phí.
Tỉnh Ninh Bình hiện có 2.470 doanh nghiệp đăng ký thành lập; trong đó có 330 doanh nghiệp hoạt động xây dựng cơ bản và 99 doanh nghiệp được cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản. 3 năm từ 2008 – 2010, mỗi năm trên địa bàn toàn tỉnh thu thuế, phí hoạt động xây dựng cơ bản và khai thác tài nguyên trên 1.000 tỷ đồng. Tuy vậy, một bất cập đang tồn tại là vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp không đăng ký nộp thuế hoặc có đăng ký nhưng không kê khai đầy đủ, kịp thời; không viết hóa đơn giá trị công trình, hạng mục công trình cho chủ đầu tư trong khi công trình hạng mục đã nghiệm thu thanh toán...
Tỉnh Ninh Bình đã đề ra giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực, trong đó những giải pháp chung và quyết liệt thực hiện như: công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu, nhằm chuyển tải các nội dung, chủ trương chính sách, pháp luật tới đông đảo người dân. Áp dụng nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường tại nguồn, qua cơ quan giải ngân thanh toán vốn đối với các trường hợp nhà thầu vi phạm pháp luật thuế không viết hóa đơn khối lượng hoàn thành nghiệm thu, không xuất trình được chứng từ đã nộp thuế, phí. Khắc phục tình trang ngân sách nhà nước đã trả khoản thuế giá trị gia tăng tính trong giá trị quyết toán công trình, nhưng doanh nghiệp không tự giác kê khai, nộp thuế phí gây thất thu ngân sách. Thực hiện ủy nhiệm thu, phân cấp nguồn thu gắn công tác thu với trách nhiệm, quyền lợi của các tổ chức, cá nhân tham gia nộp thuế, của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Thực hiện điều tiết hợp lý nguồn thu phân cho ngân sách xã. Đặc biệt sẽ thực hiện chế độ thưởng, phạt nghiêm đối với người nộp thuế, cán bộ ủy nhiệm thu, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác quản lý./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN