Cập nhật: 02/01/2012 10:48:42 Article Rating
Xem cỡ chữ

 Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công sau 2 năm phát động. Cuộc vận động sẽ đi vào chiều sâu hơn nữa nếu chất lượng sản phẩm và cách tiếp cận người tiêu dùng tiếp tục được cải thiện.

Hàng Việt áp đảo

 

Theo báo cáo của Bộ Công thương tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay hầu hết các địa phương, doanh nghiệp đã tham gia rất tích cực vào chương trình và đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, các địa phương đã tổ chức được 156 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 1.627 doanh nghiệp tham gia, doanh thu đạt 57 tỷ đồng.

 

Điều đáng mừng, chương trình này không chỉ thành công ở các vùng nông thôn mà ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... cũng được đánh giá rất cao. Theo số liệu nghiên cứu mới đây về xu hướng tiêu dùng, có đến 90% người được hỏi ở TP Hồ Chí Minh và 83% ở Hà Nội cho biết, họ có thể hoặc chắc chắn sẽ mua hàng Việt Nam. Theo Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan, chất lượng hàng Việt Nam hiện nay đã chinh phục được người tiêu dùng. Tâm lý sính ngoại đã ít nhiều không còn tồn tại, đặc biệt ở những đô thị, thành phố lớn.

 

Đồng quan điểm, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quảng bá được sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo, cải tiến công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm chiếm lĩnh thị trường theo hướng lâu dài, bền vững. Trong các siêu thị, trung tâm thương mại, hàng hóa sản xuất trong nước như đồ gia dụng, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng điện tử, điện lạnh... đã chiếm tỷ trọng áp đảo.

 

Hàng lậu, hàng nhái đua theo

 

Ghi nhận kết quả của cuộc vận động, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, hàng Việt trên thị trường vẫn còn nhiều bất cập, chưa kiểm soát được. Đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay hàng lậu qua đường tiểu ngạch rất nhiều. Do đó, ngoài việc tăng cường công tác thông tin, vận động, các cơ quan kiểm tra cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường trong nước, kiên quyết xử lý gian lận thương mại. Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam Vũ Thanh Bình cho biết: hàng hóa nhập ngoại phong phú, đa dạng nhiều chủng loại nhưng văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng được ban hành trong thời gian qua còn ít. Ông Bình kiến nghị tiếp tục xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam như hàng rào kỹ thuật đối với mặt hàng săm lốp ô tô, xe máy, thực phẩm để ngăn chặn hàng kém chất lượng từ nước ngoài xâm nhập vào nước ta, gây sức ép cạnh tranh lên hàng hóa sản xuất trong nước, đồng thời gây ảnh hưởng người dân.

 

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng để cuộc vận động này đạt hiệu quả hơn nữa cần phải cải tiến chất lượng sản phẩm cũng như cách tiếp cận người tiêu dùng. Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh đề xuất, cần xây dựng những cửa hàng thuần túy bán hàng Việt tại vùng sâu, vùng xa. Cách làm này đã được một số hợp tác xã nông nghiệp tại Đồng Tháp làm. Họ nhận trách nhiệm đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến và hướng dẫn người quản lý theo dõi quá trình kinh doanh, đồng thời kết nối văn hóa tiêu dùng của người dân.

 

Sự vào cuộc của UB MTTQ các cấp được cho là sẽ đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, trong năm 2012, Ủy ban MTTQ nên phối hợp cùng các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp để có nhiều hơn nữa các chương trình đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, trong đó, chú trọng việc bán hàng Việt về nông thôn và phiên chợ hàng Việt tại các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất; tổ chức các chương trình hành động vì quyền lợi người tiêu dùng. Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan lưu ý, nên bám sát xu hướng, tâm lý người Việt. Người tiêu dùng Việt Nam thời hiện đại không chỉ quan tâm giá cả mà còn quan tâm đến độ mới, phục vụ thân thiện, an toàn và chu đáo. Người tiêu dùng quan tâm đến những gói tiêu dùng thông minh và xu hướng bán hàng mới như bán lẻ qua mạng xã hội, qua internet, qua truyền hình… Những mô hình này cần đưa vào rộng rãi hơn.

 

Theo Chí Tuấn/Báo Điện Tử ĐBND

Tệp đính kèm