Cập nhật: 07/06/2012 16:39:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang được khu vực và thế giới biết đến với nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu như: gạo, chè, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá với sản lượng lớn và chất lượng cao.

 

Tuy nhiên, có một thực tế đáng phải bàn là mặc dù sản lượng nông sản Việt Nam tuy lớn nhưng chưa thực sự xây dựng được thương hiệu, gây khó khăn cho người tiêu dùng khi tiếp cận sản phẩm.

 

Đề cập đến nội dung này, đã có nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn đã được tổ chức để đưa ra các ý kiến đóng góp cho việc xây dựng thương hiệu theo hướng “truyền thông tiếp thị”, “tấn công vào thị trường”...

 

Cảnh giác với những hành vi làm tổn hại tới uy tín hàng nông sản Việt

 

Thực tế cho thấy, nhiều thương hiệu đã bị mất tại chính nơi xuất xứ. Chẳng hạn như quả vải Thanh Hà (Hải Dương) được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý đã đem lại thêm giá trị tài sản cho sản phẩm này. Tuy nhiên, người dân Thanh Hà và quả vải Thanh Hà chưa thực sự được hưởng từ lợi ích này. Rất nhiều nơi trồng vải đã lạm dụng “khoác” chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho quả vải trồng ở nơi khác để bán với giá cao. Không riêng gì quả vải Thanh Hà mà còn rất nhiều các nhãn hiệu nông sản có giá trị ở nước ta đang bị vướng trong việc bảo hộ thương hiệu. Thời gian gần đây, báo chí nói nhiều đến các thương hiệu nông sản nổi tiếng của Việt Nam như càphê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc… bị nước ngoài đăng ký sở hữu nhãn hiệu. Dường như chúng ta vẫn khá lúng túng trong việc giải bài toán xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho những sản phẩm nông sản của mình.

 

Còn có một thực tế là ngay chính nông sản Việt Nam cũng đang bị “tấn công” bởi những hành vi cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng tới uy tín chất lượng. Đơn cử gần đây nhất cả nước xôn xao về việc một số nông dân đã trộn bùn, phân lân vào chè khô (hay còn gọi là trà khô) để bán theo gợi ý của một số người lạ mặt. Những người nông dân đã chất phác khi trả lời phỏng vấn rằng mình làm như vậy là do khách hàng ở nước láng giềng yêu cầu. Người mua dùng chè đó để uống hay sử dụng vào mục đích nào thì đó vẫn là quyền của người mua.

 

Một hành vi khác mang tính chất gian lận thương mại, đó là sản xuất nông sản ở quốc gia khác nhưng lại mang thương hiệu Việt Nam hay nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam mà báo chí hay gọi là “đội lốt hàng Việt”. Điển hình như các vụ thạch rau câu, nhân của bánh trung thu truyền thống, rau, củ, quả được mang nhãn hiệu Việt Nam, thông số sản phẩm bằng tiếng Việt, nơi sản xuất cũng là ở Việt Nam nhưng thực ra lại hoàn toàn là nông phẩm của một nước láng giềng. Điều đáng nói là những nông phẩm này lại là những thứ gây hại cho sức khoẻ con người và hoàn toàn bị cấm ở chính quốc gia đó. Hậu quả là người tiêu dùng lại mất niềm tin vào thương hiệu nông sản Việt Nam.

 

Còn phải kể đến một hành vi khác là phương thức sản xuất nông sản của Việt Nam. Thương nhân nước ngoài đã hướng dẫn cho nông dân cách tạo ra “nông sản” không cần nuôi, trồng theo lối phát triển tự nhiên. Rau bí chỉ cần giâm cành và phun thuốc sau hai ngày thu hoạch, rau muống chỉ cần phun thuốc một ngày là có thể hái đem bán, heo siêu tăng trọng nhờ hormon... Người nông dân khi đã được “nhàn” mà lãi cao thì sẽ bám theo phương thức sản xuất mới mà không quan tâm đến hậu quả của những nông sản này đối với người tiêu dùng và hậu quả đối với thương hiệu của nông sản Việt Nam.

 

Mới đây nhất, ngày 5/6, Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, đơn vị này đã tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghiệp SPC Tianhua Việt Nam (đóng tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) về hành vi “xuất khẩu hàng hoá giả mạo xuất xứ” số tiền 1,28 tỷ đồng. Vụ xử phạt này cho thấy quyết tâm của chính quyền trong việc bảo vệ thương hiệu “made in Vietnam” nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng và chịu ảnh hưởng lớn của việc cạnh tranh giữa các nền kinh tế. Vụ việc này cũng gióng lên hồi chuông về những hành vi tác động tiêu cực tới thương hiệu Việt, đòi hỏi tất cả các cấp, ngành phải chung sức chung lòng trong việc phát hiện, điều tra những hành vi làm tổn hại đến uy tín và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng.

 

Cần chiến lược quốc gia về thương hiệu nông sản

 

Điều đáng nói nhất là, hiện nay, những cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hiệp hội, doanh nghiệp, báo chí và thậm chí cả những người nông dân chưa có những biện pháp kịp thời chống đỡ lại những hành vi trên. Tất nhiên, cũng không thể đẩy hết trách nhiệm đối với chất lượng và uy tín sản phẩm cho riêng những người nông dân. Điều này đặt ra yêu cầu trong chiến lược xây dựng nông sản Việt Nam nên có thêm những phương án bảo vệ, phòng thủ đồng thời cần phải gắn với những chiến lược phát triển khác của ngành nông nghiệp.

 

Có thể thấy, hiện nay, ở nước ta vẫn còn tồn tại một thực tế, đối với các thương hiệu nông sản nổi tiếng, chúng ta mới đặt được nền móng ban đầu, còn việc xây dựng và phát triển thương hiệu chưa làm được nhiều.

 

Đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải thực sự quan tâm tới hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí. Cũng biết rằng, xây dựng và phát triển thương hiệu là trách nhiệm của các doanh nghiệp, các tổ chức tập thể của doanh nghiệp. Sự chủ động của các doanh nghiệp thể hiện ở việc bản thân các doanh nghiệp cần vạch ra một chiến lược xây dựng thương hiệu toàn diện. Trong đó, về sản phẩm, cần xây dựng các quy chuẩn cho sản phẩm, đồng thời cần chú trọng khai thác yếu tố tự nhiên như: Điều kiện, khí hậu, nước, hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động của các yếu tố hóa học không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Những nông sản mang đậm tính địa phương cần chứng minh rõ nguồn gốc và lợi thế. Nếu làm được điều này, tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam sẽ ngày càng cao.

 

Theo đó, cũng cần chú ý tới các yếu tố: tên thương hiệu (mang tính quốc tế hóa), xây dựng và khơi dậy yếu tố “linh hồn” cho thương hiệu bằng các giá trị truyền thống đưa vào sản phẩm, xây dựng chiến lược giá và chiến lược phân phối, chiến lược truyền thông...

 

Tuy nhiên, nếu chỉ riêng các doanh nghiệp thì chưa đủ mà cần có sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và Trung ương. Trong khi đó, thực tế đã cho thấy, việc nhận thức vấn đề sở hữu trí tuệ ở nước ta còn rất hạn chế, đa số người dân chưa thấy được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ sỡ hữu trí tuệ cho các sản phẩm của mình. Mặt khác, sản xuất nông sản ở nước ta vẫn chủ yếu theo hình thức đơn lẻ nên để người nông dân tự đăng ký, quản lý và khai thác thương hiệu là rất khó khăn. Do đó, các cơ quan chức năng, mà cụ thể là Cục Sở hữu Trí tuệ và các Sở Khoa học - Công nghệ địa phương nên hướng dẫn hỗ trợ về thủ tục đăng ký. Cùng với đó, các công ty, văn phòng đại diện sở hữu công nghiệp có thể cung cấp các dịch vụ tiến hành thủ tục cần thiết để nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý dùng cho nông sản nổi tiếng ở nước ta được đăng ký ở những nước cần thiết.

 

Nói một cách khác, chúng ta cần một chiến lược tổng thể mang tầm quốc gia để xây dựng, củng cố và bảo vệ thương hiệu nông sản mạnh. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cần có chính sách hỗ trợ để bảo hộ cho thương hiệu nông sản Việt Nam. Chính phủ cần xúc tiến thương mại mạnh mẽ vào thị trường lớn và khó tính như: Mỹ, châu Âu… để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông sản Việt có cơ hội thâm nhập. Ngoài việc nắm rõ nhưng yêu cầu từ thị trường, đồng thời truyền tải đầy đủ và xuyên suốt cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần đặt ra những chuẩn bảo hộ mang tính địa phương có lợi cho doanh nghiệp Việt nhưng vẫn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Bởi lẽ, chúng ta không chỉ xuất khẩu, khi các sản phẩm ngoại tràn vào thị trường Việt Nam, nếu thương hiệu Việt không thắng trên sân nhà, lấy đâu ra niềm tin để xuất ngoại? Do vậy, những quy định bảo hộ nhằm ngăn bớt sự xâm nhập "ngoài luồng" của các sản phẩm ngoại, đồng thời tạo điều kiện để các thương hiệu nông sản nội địa đứng vững. Thêm vào đó cũng cần cả những chương trình quảng bá mang tầm quốc gia góp phần giúp những doanh nghiệp nước ngoài cũng như thị trường nước ngoài hiểu được chất lượng và ghi nhớ thương hiệu nông sản Việt. Do đó, rất cần sự phối hợp của các cơ quan truyền thông để tổ chức quảng bá thường xuyên và liên tục cho nông sản Việt nhằm đến cả hai thị trường: nội địa và quốc tế.

 

Khi chúng ta có những thương hiệu nông sản mạnh nghĩa là có cơ sở để phát triển ngành kinh tế đó. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, vấn đề này trở nên cấp thiết. Do đó, hơn lúc nào hết, cần quan tâm hơn nữa tới xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản nói riêng và thương hiệu các sản phẩm “made in Vietnam” nói chung./.

 

 

Theo Việt Hà/Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm