Tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 – 2020; trong đó đặt ra mục tiêu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.
Một trong ba nội dung quan trọng của Chiến lược là nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội để thực sự là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2012, Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
Theo đó, Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể: phấn đấu dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 3%/tổng dư nợ; đơn giản hoá thủ tục và tiêu chuẩn hoá quy trình nghiệp vụ; đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ; hiện đại hoá các hoạt động nghiệp vụ, hội nhập với hệ thống ngân hàng trong khu vực và trên thế giới; hoàn thiện và phát huy hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm tra, kiểm soát và phân tích, cảnh báo rủi ro; phối hợp lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhằm đặt được các mục tiêu nói trên, cần tập trung vào các giải pháp như: hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định của pháp luật về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp và của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội; đẩy mạnh phát triển cơ sở vật chất, công nghệ thông tin...
Cũng theo Chiến lược, đối tượng phục vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội là người nghèo, các đối tượng chính sách khác theo quy định của Nhà nước và các đối tượng được các tổ chức, cá nhân ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội trực tiếp cho vay; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở các vùng khó khăn.
Nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu do Nhà nước cấp, do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động và nhận ủy thác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm"./.
Theo Phương Nghi/ Đảng Cộng Sản Online