Cập nhật: 30/03/2013 23:07:19 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tình hình phát triển kinh tế quý I diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng 4,75% của quý I/2012. Trong đó, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 2,24%; lâm nghiệp tăng 5,38%; thủy sản tăng 2,28%. Tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng là 4,93%.

 

Nhìn chung, trong tăng trưởng của quý I năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng thấp nhất kể từ năm 2010, chủ yếu do gặp khó khăn trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tương tự, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp cũng có mức tăng thấp nhất kể từ năm 2010. Có được tốc độ tăng GDP quý I năm nay ở mức 4,89% chủ yếu do khu vực dịch vụ tăng cao hơn ở mức 5,65%.

 

Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I năm 2012 theo giá so sánh năm 2010 ước tính đạt 161,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 124,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5%; lâm nghiệp đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8%; thủy sản đạt 31,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5%.

 

Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3 (tính theo năm gốc so sánh 2010) tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,3%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 10,9%. Tính chung trong quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong 4,9% mức tăng chung của quý I, ngành khai thác đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo đóng góp 3,8 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Điểm đáng chú ý, trong quý I, có một số ngành công nghiệp có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm 2012 như: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 19%; sản xuất da và các sản phẩm da tăng 18,3%; sản xuất đồ uống tăng 14%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,6%;

 

Về hoạt động dịch vụ, tình hình kinh tế sụt giảm, thu nhập của người lao động bấp bênh, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm tăng đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Đồng thời, tâm lý của người tiêu dùng vẫn có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay. Do đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 đạt 211,3 nghìn tỷ đồng, giảm 0,6% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong quý I, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 636,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2012.

 

Trong hoạt động xây dựng, đầu tư phát triển, giá trị sản xuất xây dựng quý I theo giá hiện hành ước tính đạt 143,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 19,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,4%; khu vực ngoài Nhà nước 120,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 4,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,9%. Về đầu tư phát triển, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I theo giá hiện hành ước tính đạt 202,6 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 29,6% GDP. Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện quý I ước tính đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, bằng 18% kế hoạch năm và giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2012. Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/3/2013 đạt 6034,2 triệu USD, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2012. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I ước tính đạt 2,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2012. Trong quý I, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5539,3 triệu USD, chiếm 91,8% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 249,8 triệu USD, chiếm 4,1%; các ngành còn lại đạt 245,1 triệu USD, chiếm 4,1%.

 

Điểm đáng chú ý, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trong quý I tiếp tục diễn biến tích cực. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3 ước tính đạt 11 tỷ USD, tăng 53,9% so với tháng trước và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 29,7 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu quý I, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 13,5 tỷ USD, tiếp tục duy trì tỷ trọng cao với 45,5% và tăng mạnh với 27,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sự đóng góp của mặt hàng điện thoại và linh kiện các loại có tỷ trọng liên tục tăng trong 3 năm qua. Về thị trường hàng hóa xuất khẩu quý I, EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2012.

 

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 3 ước tính đạt 11,3 tỷ USD, tăng 56,1% so với tháng trước và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 29,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 4,2 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu quý I năm nay tăng cao do sự đóng góp của một số mặt hàng thuộc nhóm hàng phục vụ gia công lắp ráp hàng xuất khẩu. Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu trong quý I, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 26,7 tỷ USD, chiếm 91,5% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2012.

 

Tính chung, trong quý I, Việt Nam xuất siêu 481 triệu USD, bằng 1,6% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 3,1 tỷ USD; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,6 tỷ USD.

Nhìn chung, tình hình kinh tế quý I đã đạt được một số kết quả nhất định: Tăng trưởng cao hơn mức cùng kỳ năm trước; xuất khẩu tăng khá; lạm phát giữ ở mức thấp;.... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức mà nền kinh tế nước ta phải đối mặt như: Kinh tế thế giới chuyển biến chậm; tổng cung và tổng cầu trong nước đều giảm; tăng trưởng quý I năm nay chủ yếu do đóng góp của khu vực dịch vụ, nhưng mức tăng của khu vực này chưa phải là cao và thường ảnh hưởng của yếu tố tăng lương nên thiếu sự ổn định.

 

Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; khả năng tiếp cận vốn khó; tồn kho sản phẩm vẫn ở mức cao; sức mua trong dân yếu; dư nợ tín dụng thấp; lãi suất tuy giảm nhưng vẫn là áp lực cho sản xuất; lạm phát mặc dù không cao nhưng còn chịu nhiều tác động của các yếu tố bất thường từ thị trường bên ngoài cũng như thị trường trong nước; sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện khách quan thời tiết, dịch bệnh.

 

Tình hình trên cho thấy, nhiệm vụ phát triển kinh tế quý II và cả năm 2013 hết sức khó khăn. Các cấp, các ngành và địa phương cần triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau:

 Một là, đẩy mạnh tiến độ giải ngân nguồn vốn cho vay phục vụ sản xuất và xuất khẩu cùng những mục đích ưu tiên khác theo quy định; tập trung giải quyết tháo gỡ khó khăn để mọi đối tượng được vay đều tiếp cận vốn dễ dàng, tiện lợi nhất; quản lý, kiểm soát nguồn tiền gửi và tín dụng cho vay của các ngân hàng thương mại, để dòng tiền được sử dụng đúng mục đích theo chức năng được quy định đối với ngân hàng, đồng thời, giảm lãi suất cho vay tương ứng với giảm lãi suất huy động.

 

Hai là, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành công nghiệp, cụ thể là: Rà soát lại những quy định về điều kiện được vay vốn để mở rộng hơn đối tượng được vay; tiếp tục hạ lãi suất cho vay; cải tiến chính sách thuế, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu; cải thiện môi trường kinh doanh về thủ tục đăng ký kinh doanh; phát triển cơ sở hạ tầng; đơn giản và hiện đại hóa thủ tục hành chính; cải thiện môi trường pháp lý...; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường mới tiềm năng.

 

Ba là, các doanh nghiệp cần chủ động xắp xếp lại sản xuất, cơ cấu lại sản phẩm, mặt hàng phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp theo hướng xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh lâu dài; cải tiến kỹ thuật, quy trình, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trên cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

 

Bốn là, chủ động nghiên cứu thay đổi cơ cấu cây con phù hợp, bảo đảm cho năng suất cao, chi phí hợp lý và có lãi; làm tốt công tác phòng, chống hạn hán và dịch bệnh trên cây, con; chủ động về nhân lực và thiết bị cần thiết, đồng thời, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể  để đối phó với thời tiết xấu xảy ra vào mùa mưa, bão, nhằm hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp cũng như thiệt hại về người và tài sản.

 

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác an sinh xã hội thông qua nhiều chương trình, hoạt động và sự kiện mang tính cộng đồng; thực hiện có hiệu quả cao chính sách ưu đãi tín dụng để có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn được vay vốn; đồng thời, tổ chức định hướng, giúp đỡ các hộ gia đình sử dụng vốn vay đúng mục đích và hướng dẫn cách làm ăn, phát triển sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững; tập trung quan tâm các xã, thôn bản khó khăn; triển khai các hoạt động giám sát trong thực hiện chương trình giảm nghèo và thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho người nghèo./.

 

 

Theo Mỹ Phương /TTXVN

Tệp đính kèm