Cập nhật: 20/09/2009 23:53:02 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bước vào giai đoạn cao điểm. Tính từ đầu năm tới nay, cả nước đã có trên 44.571 người mắc SXH. Đặc biệt, trong vòng 1 tháng qua, số ca mắc SXH đã tăng 12.000 người, trong đó đáng lo ngại tại Hà Nội, số người mắc SXH tăng tới hơn 11 lần. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh tay chân miệng cũng có diễn biến phức tạp.

Cả nước đã có trên 44.571 người mắc SXH (tính từ đầu năm 2009), với 37 ca tử vong, so với cùng kỳ năm ngoái số mắc tăng 20,8%, số tử vong tăng 4 trường hợp. Trong vòng 1 tháng qua, số ca mắc SXH đã tăng tới 12.000 người, với 7 ca tử vong. Tại Hà Nội, số người mắc SXH tăng đột biến.

 

Tại 3 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh cũng có ít nhất 11 ca tử vong. Trong đó, Sóc Trăng đang là điểm nóng với khoảng 4.000 ca SXH, 6 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, bệnh SXH đang diễn biến bất thường ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau. Bác sĩ Lê Minh Thuận, Giám đốc Trung tâm Y tế Đầm Dơi cho biết: 8 tháng qua, các bệnh viện, trạm y tế của huyện đã tiếp nhận điều trị gần 450 ca SXH, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ, chiếm 50% ca của cả tỉnh Cà Mau, trong đó 122 ca SXH độ 3 và 4, tăng gấp 3 lần. Bác sĩ Lê Minh Thuận cho rằng: SXH ở Đầm Dơi diễn biến bất thường, không còn chu kỳ vì đây là vùng sông nước khá rộng, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở mỏng nên việc kiểm soát nguồn lây lan bệnh gặp nhiều khó khăn. Dự báo, SXH tiếp tục diễn biến phức tạp do mưa nắng thất thường, độ ẩm tăng cao là điều kiện cho muỗi sinh sản nhanh và truyền bệnh.

 

Còn tại Nghệ An, tính đến chiều 14/9/2009, số bệnh nhân bị SXH tại Nghệ An lên đến 114 người. Ngoài ổ dịch ở xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) có số bệnh nhân tăng nhanh, các địa phương khác như xã Hưng Nhân (huyện Hưng Nguyên), các huyện Diễn Châu, Anh Sơn, Quỳnh Lưu và TP. Vinh cũng đã có bệnh nhân mắc bệnh.

 

Điều đáng nói là phần lớn các bệnh nhân này đều từ nơi khác đến. Trước tình trạng bệnh SXH diễn biến phức tạp, trong hai ngày cuối tuần vừa qua, ngành y tế Nghệ An đã chỉ đạo cho huyện Nghi Lộc xử lý phun thuốc diệt muỗi, và phát động trong toàn dân và các trường học phun thuốc xử lý môi trường. Trong năm nay tỉnh cũng đã cấp 200 triệu đồng để phun thuốc diệt muỗi cho các ổ dịch cũ thuộc các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên.

 

TP. Hồ Chí Minh: Số ca tử vong do sốt xuất huyết đã lên tới 8 ca, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2008. Còn bệnh tay chân miệng số ca mắc vẫn thấp hơn năm 2008, nhưng trong tháng 8/2009 số ca đã bắt đầu tăng và sẽ tăng đều cho đến đỉnh dịch trong 3 tháng tới. Hiện đã có 5 ca tử vong dù số ca mắc tăng không nhiều (năm 2008 có tất cả 9 ca tử vong). BS. Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế cảnh báo, số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng chưa cao nhưng rất nguy hiểm nếu để dẫn đến biến chứng thì chỉ trong vòng 12 giờ là bệnh nhân có thể bị tử vong. Do đó, cần tập trung việc tuyên truyền giữ vệ sinh cá nhân, gia đình, nơi công cộng cũng như khử khuẩn tốt vệ sinh môi trường nơi trẻ sinh hoạt, vui chơi cũng như đồ dùng của trẻ.

 

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có thể bùng phát trong những tháng cuối năm 2009, Cục YTDP đã có Thông báo số 1733/TB-DPMT, khuyến cáo người dân:

 

- Chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường ở gia đình và cộng đồng hàng tuần, thu gom phế thải, loại bỏ các vật chứa nước như vỏ dừa, lốp xe hỏng... Quản lý các dụng cụ chứa nước sinh hoạt của gia đình, không cho muỗi đẻ trứng (đậy kín chum vại, bể chứa), thả cá, thả mesocylope để loại trừ bọ gậy, lăng quăng...

- Chủ động phối hợp với cán bộ y tế triển khai các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết: Phun hóa chất diệt muỗi, chiến dịch diệt lăng quăng tại hộ gia đình.

- Khi có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, phát ban hoặc có biểu hiện sốt xuất huyết cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh biến chứng nặng gây tử vong.

 

 

 

Theo Suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm