Theo thống kê của WHO, hàng năm Việt Nam có hơn 8 triệu người bị ngộ độc thực phẩm. Sự lỏng lẻo trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là thức ăn đường phố đang "tiếp tay" cho các vụ ngộ độc gia tăng.
"Khuất mắt trông coi"
Không thể phủ nhận sự tiện lợi của thức ăn đường phố. Tuy nhiên đi kèm với những sự tiện lợi đó cũng là những mối nguy hại tới sức khoẻ, tính mạng người sử dụng, thậm chí là tới cả cộng đồng.
Thức ăn đường phố được bày bán nhan nhản trên vỉa hè của Hà Nội. Đủ các loại thực phẩm đã chế biến sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng: từ thịt gà, ngan, vịt cho đến lòng lợn, thịt nướng... Chỉ mất chưa tới 10 phút, thực khách đã có một món ăn khá bắt mắt. Khuất mắt trông coi, ít ai nghĩ tới nguồn gốc những loại thực phẩm mà họ đang tiêu thụ. Món ăn lẫn với bụi bẩn, khói xe...
Theo quan sát của PV, ngay cả những cửa hàng có treo tấm biển cam kết cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đóng dấu đỏ, nhưng thực chất bên trong thì lại hoàn toàn trái ngược. Tại các quán cơm bụi, quán phở..., khâu chế biến cực kỳ mất vệ sinh. Đứng quan sát một hàng phở trên đường Giải Phóng mới thấy được khâu chế biến "kỳ công" đến mức nào. Hành, rau thì được để trong những cái rổ cáu bẩn, đầy mỡ, xương bò được chất đống vứt cạnh cống nước bẩn thỉu. Hành, rau, bát đũa chỉ được nhân viên rửa qua một nước.
Phần lớn các quán cơm bụi ở gần các khu trường học phục vụ cho sinh viên đều nằm ngay bên cạnh đường, bụi bẩn trong khi thức ăn để lộ thiên trên bàn. Tại những khu này, muốn tìm được một quán "tử tế" cũng thật khó. Tại tất cả các quán ăn vỉa hè này, chúng tôi quan sát thấy, chủ quán tay vừa bốc thức ăn xong lại lau vào vạt áo rồi nhận tiền, trả tiền. Nguy cơ ngộ độc từ những quán ăn vỉa hè là rất cao. Thế nhưng, khi được hỏi, hầu hết các thực khách đều không biết nguồn gốc từ đâu, sản xuất có đảm bảo vệ sinh hay không, chỉ thấy tiện thì ăn.
90% hàng quán vi phạm về VSATTP
Theo Cục ATVSTP, thức ăn đường phố là mối nguy lớn cho sức khỏe cộng đồng. Thức ăn đường phố rất dễ bị ô nhiễm và là nguyên nhân của ngộ độc thực phẩm cũng như các bệnh truyền qua thực phẩm bởi thiếu hạ tầng cơ sở và các dịch vụ vệ sinh môi trường như: cung cấp nước sạch, xử lý rác, chất thải, các công trình vệ sinh, côn trùng trung gian, thiếu tủ lạnh, trang bị chế biến bảo quản. Trong khi đó, rất khó kiểm soát thức ăn đường phố do sự đa dạng, cơ động tạm thời, có tính chất mùa vụ. Việc quản lý, thanh, kiểm tra thức ăn đường phố còn rất khó khăn do thiếu nhân lực, trang thiết bị.
Vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội phối hợp với CA huyện Đan Phượng, Đội QLTT số 17 - Chi cục QLTT, Chi cục Thú y Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại hộ kinh doanh cá thể do bà Nguyễn Thị Lý ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang gửi nhà hàng xóm 9 bao tải bì lợn qua sơ chế. Theo trình bày của bà Lý, số bì lợn trên đã được các công nhân tẩy rửa, cạo lông và ngâm nước từ 1-2 ngày và sẽ được xuất xưởng đi nhiều địa phương khác. Được biết, số bì lợn này được thu mua để chế biến thành bóng lợn và mỡ lợn rồi bán ra thị trường. Chỉ vì lợi nhuận, người kinh doanh sẽ mua những nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ với giá "bèo" để chế biến thức ăn sẵn cho người tiêu dùng. Ví như bì lợn thối được chế biến thành mỡ để xào, nấu thức ăn... rất dễ dẫn đến tiêu chảy, ngộ độc.
Theo quy định của Bộ Y tế, thức ăn đường phố phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn, đó là: đủ nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ, nhân viên đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; không sử dụng phụ gia và màu thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60cm, phải được bày bán trong tủ kính và bao gói hợp vệ sinh; có dụng cụ đựng chất thải... Tuy nhiên, nếu xét đúng theo 10 tiêu chí này, thì có đến 90% hàng quán hiện nay vi phạm về VSATTP.
Giao cho Bộ Y tế quản lý: Không khả thi
Theo Dự thảo Luật An toàn thực phẩm do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, thức ăn đường phố là một trong những mặt hàng sẽ được "quản" chặt. Theo đó, Mục 5, Chương III đã nêu rõ về các điều kiện đảm bảo an toàn đối với thức ăn đường phố như: Phải xa cống rãnh, bãi rác và các nguồn gây ô nhiễm; dụng cụ chứa đựng thực phẩm phải được rửa sạch, khử trùng trước khi sử dụng; có phương tiện che nắng, che mưa, bụi bẩn và côn trùng... Nhiều ý kiến cho rằng, thức ăn đường phố là một vấn đề xã hội. ở góc độ pháp lý, việc kinh doanh thức ăn đường phố hay thức ăn trong các nhà hàng khách sạn đều là kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn. Việc kinh doanh này đều phải tuân theo các điều kiện tối thiểu để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chế biến sẵn.
Thạc sỹ Trần Thị Quang HồngT, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng: Dự thảo luật chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong nhiều hành vi; dẫn đến không ít quy định diễn đạt một cách chung chung. Thạc sỹ Hồng nêu rõ: "Có rất nhiều những quy định về trách nhiệm rất tốt nhưng chủ thể trách nhiệm là ai thì không rõ. Điều đó ảnh hưởng tới tính khả thi của luật và cần được chỉnh sửa. Nếu như tất cả mọi người phải chịu trách nhiệm thì không đúng, ví dụ như sử dụng thực phẩm quá hạn thì không ai phải chịu trách nhiệm mà chỉ những người sử dụng hoặc sử dụng cho người khác thì phải chịu trách nhiệm. Dự thảo cần quy trách nhiệm người cung cấp chế biến thực phẩm cho người khác không vì mục đích lợi nhuận. Ngoài ra, thức ăn đường phố giao Bộ Y tế quản lý là không hề khả thi, trong khi đó, ở các quốc gia khác đều giao Chính quyền địa phương vì vấn đề này liên quan đến Quy hoạch đô thị".
Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề cốt lõi trong việc quản lý thức ăn đường phố là giám sát nguồn gốc thực phẩm. Theo phân cấp quản lý, thức ăn đường phố thuộc đối tượng quản lý của chính quyền cấp xã, phường nhưng trên thực tế thì thức ăn đường phố gần như đang được thả nổi... Các đoàn thanh tra liên ngành dường như không thể với tới "thức ăn đường phố", còn chính quyền cơ sở lại coi đó là việc của các ngành chức năng.
Theo khái niệm của Tổ chức Y tế thế giớiT, thức ăn đường phố là những đồ ăn, thức uống được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bày bán trên đường phố, những nơi công cộng. Có 3 loại thức ăn đường phố: bán trong cửa hàng cố định, bán trên hè phố và bán rong. Hiện nay, cả 3 loại hình này đang phát triển rất mạnh không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều đô thị lớn khác trong nước.
Đời Sống Pháp Luật