Khi mưa bão, hạn chế ra đường để tránh bị cây đổ, đường điện bị đứt. Người lớn cần quản lý chặt, không để các em nhỏ tự do lại gần những nơi đang bị ngập, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn như công trường, đường dây điện bị đứt, trạm điện...
Gần 3 năm nay, cứ mỗi khi mưa lớn, nhà bà Hoàng Thị Nga ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội lại ngập lênh láng. Rác thải, túi li nông, thậm chí là cả xác côn trùng chết cũng tràn vào theo. Nhiều đêm cả gia đình phải thức trắng để kê lại đồ đạc lên cao.
Bà Nga cho biết, mấy năm trở lại đây, nhiều nhà xung quanh được xây dựng lại, mặt đường cao, hệ thống cống thoát nước bị ùn ứ nên hễ có mưa to là nhà ngập sâu trong nước, mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn, bởi phải ngắt cầu dao điện đề phòng tai nạn.
Bão kèm theo gió lớn, mưa to có thể gây ngập lụt và nguy cơ điện giật là rất lớn.
Trận lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008, trong số 17 người thiệt mạng, có tới 4 người chết do điện giật. Ngay trong trận mưa ngập hôm 13/7 vừa qua tại Thủ đô Hà Nội, cũng đã có 3 người bị điện giật chết.
Vì vậy, để đề phòng tai nạn điện xảy ra trong mùa mưa bão, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiết hạn do thiên tai có thể gây ra, các cộng đồng dung điện phải lưu ý một số điều sau:
Khi mưa bão, hạn chế ra đường để tránh bị cây đổ, đường điện bị đứt. Người lớn cần quản lý chặt, không để các em nhỏ tự do lại gần những nơi đang bị ngập, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn như công trường, đường dây điện bị đứt, trạm điện...
Người dân cũng nên thường xuyên kiểm tra các đường dây, ổ điện trong gia đình. Khi bị mưa ngập thì tốt nhất nên ngắt cầu dao điện toàn bộ nhà, đề phòng nước ngập các ổ điện, dò điện gây nguy hiểm. Không tự ý sửa chữa đường điện khi đang có mưa bão; không lên sân thượng khi đang mưa dông để thông tắc thoát nước vì có thể đường dây điện đi qua các sân thượng, mái hiên rất nguy hiểm nếu dò điện. Khi có sấm sét lớn cần tắt tivi, tháo angten để tránh bị sét đánh hỏng các thiết bị điện.
Ðối với các khu chung cư, ban quản lý tòa nhà cần tăng cường ứng trực và huấn luyện đội ngũ vận hành bởi hầu hết hệ thống điện trung tâm, máy phát được thiết kế đặt dưới tầng hầm.
Ông Nguyễn Đăng Thiện, Phó ban bảo hộ lao động, Tổng Công ty điện lực Hà Nội nói: “Tôi hết sức quan ngại đến vấn đề sử dụng điện trong dân. Tôi mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản về an toàn điện, các yếu tố nguy hiểm về điện, cách cấp cứu và biện pháp sơ cứu người bị điện giật. Và nếu được, trong trường học nên có một môn riêng an toàn về điện".
Bằng sự chủ động, tích cực của ngành điện, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành liên quan và chính quyền địa phương, sự nhận thức và hưởng ứng tích cực của người dân, hi vọng mùa mưa bão năm nay, không còn những cái chết thương tâm do sự cố về điện gây ra./.
Theo vovnews.vn