Chính phủ vừa giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hướng dẫn xếp lương đối với lao động tốt nghiệp theo 3 cấp trình độ nghề (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề).
Hiện nay, lao động đào tạo theo 3 cấp trình độ nghề được đào tạo đa dạng theo rất nhiều các lĩnh vực, ngành nghề nhằm đáp ứng được đầy đủ nhu cầu mà thị trường lao động cần đáp ứng. Qua 4 năm thực hiện Luật Dạy nghề, đã có số lượng lớn lao động đào tạo nghề trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng ra trường và tham gia vào thị trường lao động, nhưng Nhà nước chưa quy định và hướng dẫn cụ thể để cho các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp và các doanh nghiệp có căn cứ xếp lương và trả lương đối với lao động tốt nghiệp theo 3 cấp trình độ nghề.
Theo quy định của Luật Dạy nghề, đào tạo theo 3 cấp trình độ nghề tương đương như đào tạo chuyên nghiệp về yêu cầu trình độ đầu vào, thời gian đào tạo, quy định về yêu cầu cấp phát văn bằng chứng chỉ tốt nghiệp.
Sự khác nhau giữa đào tạo nghề và đào tạo chuyên nghiệp chỉ là cách thức thực hiện chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo theo 3 cấp trình độ nghề có thời gian thực hành nghề chiếm tới 70% thời lượng đào tạo. Vì vậy, tại Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg ngày 9 tháng 3 năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã xếp các cấp trình độ đào tạo nghề vào cùng một nhóm với các cấp đào tạo chuyên nghiệp.
Việc quy định xếp lương đối với lao động tốt nghiệp theo 3 cấp trình độ nghề theo quy định của Luật Dạy nghề là cần thiết, nhằm khuyến khích lao động tham gia học nghề, bảo đảm công bằng với lao động đào tạo chuyên nghiệp, từng bước gắn tiền lương của người lao động với trình độ đào tạo, tránh lãng phí nguồn nhân lực.
Theo GD&TĐ Online