Cập nhật: 15/05/2013 09:13:50 Article Rating
Xem cỡ chữ

Gần 25.000 HSSV tốt nghiệp từ hệ trung cấp trở lên đang thất nghiệp - con số thống kê mới nhất của Sở GD & ĐT Thanh Hóa.

Những con số biết nói

 

Việc HSSV ra trường không có việc làm hàng năm đã thành thực trạng khiến các ngành, các cấp chức năng phải quan tâm. Theo thống kê của Sở GD & ĐT, toàn tỉnh Thanh Hoá có tới 24.956 HSSV đã tốt nghiệp các ngành, nghề nhưng chưa có việc làm. Cụ thể: Trình độ trung cấp nghề là 4.052 người, cao đẳng nghề là 2.337 người, trung cấp chuyên nghiệp là 6.003 người, cao đẳng (CĐ) là 6.845 người, đại học (ĐH) là 5.674, thạc sỹ là 45 người. Ngoài ra, tình trạng HSSV ra trường phải làm việc trái với chuyên ngành đã học trong nhà trường rất phổ biến. Có rất nhiều người có trình độ đại học làm công nhân trong nhà máy của các khu công nghiệp. Vậy, số lượng HSSV ra trường thất nghiệp như trên là do đâu?

 

Theo phân tích của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, một số năm gần đây, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo trong việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp là do các trường tự xác định, trên cơ sở các tiêu chí về đội ngũ giáo viên và diện tích sàn xây dựng. Do vậy, các cơ sở đào tạo phát huy tối đa khả năng hiện có và các ngành đào tạo có sẵn để xây dựng chỉ tiêu đào tạo, tăng cường tư vấn tuyển sinh để tuyển được số lượng cao nhất, không cần biết nhu cầu nhân lực ngành đào tạo đó có hay không. Mặt khác, do tâm lý đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân là phải học đại học mới thành công. Vì vậy, học sinh THPT sau khi tốt nghiệp phải cố để có được tấm bằng đại học làm hành trang vào đời cho mình. Nhưng quan niệm này đang được dần thay đổi từ thực tế sử dụng và nhu cầu lao động hiện nay.

 

Năm 2013, việc lựa chọn ngành nghề của các học sinh cũng có sự thay đổi. Trong hơn 63.000 hồ sơ đăng ký thi ĐH, CĐ thì hồ sơ tập trung cao vào một số trường như ĐH Hồng Đức: 6.554 hồ sơ, ĐH Công nghiệp Hà Nội: 6.139 hồ sơ… Ngành sư phạm không còn là sự lựa chọn cao so với những năm trước đây, bởi số lượng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm lên tới 3.762 người (trình độ đại học là 1.551 người và thạc sỹ là 30 người), trong tổng số gần 25.000 HSSV thất nghiệp – đứng đầu trong các nhóm ngành nghề. Ngoài ra, trong năm 2012 và 2013 toàn tỉnh có 128 hồ sơ đoạt giải quốc gia, nhưng chỉ có 1 hồ sơ đăng ký vào ngành sư phạm.

 

Tìm hướng giải quyết

 

Trước tình trạng số học HSSV thất nghiệp trong toàn tỉnh như đã nêu, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đã cùng với các sở, ban, ngành chức năng đang tiến hành xây dựng phương án bố trí việc làm cho số HSSV của toàn tỉnh tốt nghiệp từ trung cấp trở lên nhưng chưa có việc làm. Đồng thời, đưa ra những giải pháp để khắc phục: Chỉ đạo các trường chú trọng, quan tâm đến công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội, chấn chỉnh việc mở mã ngành đào tạo và xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh sát với nhu cầu xã hội. Việc mở ngành đào tạo mới và đa dạng hoá ngành nghề đào tạo phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực và chất lượng đào tạo. Nhà trường phải gắn với doanh nghiệp để xác định nhu cầu về lao động. Một số ngành đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp mà xã hội có nhu cầu không cao đã được tạm dừng tuyển sinh: Kế toán, Tin học, Điện tàu biển, … Việc mở liên kết đào tạo, nhất là hệ vừa học vừa làm, liên thông những ngành không có nhu cầu hoặc đã dư thừa được hạn chế như: Kế toán, Quản lý giáo dục, ...

 

Vào dịp 26/3 vừa qua, trong buổi gặp gỡ, đối thoại với hơn 500 cán bộ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Mai Văn Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã đề cập đến vấn đề thất nghiệp hiện nay: “Tôi lo lắng về số lượng HSSV tốt nghiệp chưa có việc làm. Nhiều nơi tuyển sinh ồ ạt, tạo ra tình trạng thất nghiệp, sức ép cho xã hội. Tỉnh ủy, UBDN tỉnh xin nhận trách nhiệm về vấn đề này. Chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ GD&ĐT về việc giao chỉ tiêu tuyển dụng các trường tuyển sinh phải phù hợp với tình hình địa phương. Bên cạnh đó, việc có tới gần 25.000 HSSV tốt nghiệp các trường từ trung cấp trở lên chưa có việc làm là do có một phần trách nhiệm của người đi học, cố đi học theo kiểu phong trào, tư tưởng phải học đại học mới xin được việc làm... Theo tôi, một trong những hướng để giải quyết thực trạng này là các bạn nên học chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay”.

 

 

 

 

Theo gdtd.vn

 

Tệp đính kèm