Bộ Công thương và chính quyền các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Long An, Kiên Giang đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu và thuốc lá qua biên giới. Tuy nhiên, đến nay, các hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra khá công khai…
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban chỉ đạo 127 TW), tình trạng xuất lậu xăng dầu ở khu vực biên giới Tây Nam tiếp giáp với nước bạn Cămpuchia đang diễn ra hết sức phức tạp. Tình trạng này là do giá dầu thế giới liên tục tăng kéo theo sự điều chỉnh về giá của các nước láng giềng và giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh nhưng vẫn thấp hơn 5.000- 7.000 đồng/lít so với thị trường các nước láng giềng. Do chênh lệch giá khá lớn nên hoạt động buôn lậu mặt hàng này không chỉ trên tuyến đường bộ, đường sông, mà còn bằng đường biển. Những địa bàn thường xuyên diễn ra tình trạng buôn lậu xăng dầu bao gồm: khu vực huyện Tân Biên, Tân Châu (Tây Ninh), thị trấn Long Bình, Tịnh Biên (An Giang), các huyện Mộc Hóa, Đức Hòa (Long An), Kiên Giang, Cần Thơ…
Cơ quan Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan cho biết, đối tượng tham gia xuất lậu xăng dầu phần nhiều là dân nghèo ở khu vực biên giới, lợi nhuận từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày nên nhiều người tham gia. Hình thức buôn lậu là giả người tiêu dùng, mua xăng dầu vào can nhựa loại 5-10 lít, sau đó đổ sang loại can 30 lít, hoặc túi nylon để vận chuyển sang biên giới bằng xe gắn máy, xe đạp thồ; một số tàu thuyền cũng lợi dụng việc đánh bắt hải sản trên biển hoặc chuyên chở hàng hóa qua biên giới tập kết thu gom xăng, dầu để chở lậu sang nước bạn.
Thời gian gần đây, Ban chỉ đạo 127 TƯ đã kiểm soát chặt chẽ việc cung ứng cho các cửa hàng ở khu vực biên giới bằng cách ký hợp đồng trực tiếp cho các đại lý, tổng đại lý, yêu cầu các tổng đại lý xác định nhu cầu xăng dầu tại khu vực địa bàn biên giới… Các tỉnh giáp biên giới như Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh, Kiên Giang cũng đã yêu cầu ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, hiệu quả việc chống xuất lậu xăng dầu ở khu vực biên giới còn nhiều hạn chế do mạng lưới cây xăng được bố trí khá dầy, địa hình biên giới dài thuận lợi cho việc xuất lậu. Trong khi đó lực lượng chức năng, trang thiết bị phục vụ công tác chống buôn lậu thiếu. Trong 2 tháng đầu năm 2011, tình hình buôn lậu xăng qua biên giới tại các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang vẫn tiếp diễn. Qua tuần tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã xử lý 57 vụ xuất lậu xăng dầu, riêng tỉnh Tây Ninh xử lý 44 vụ, thu giữ hơn 26.534 lít xăng dầu, phạt hành chính hơn 90 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận kinh doanh 2 cửa hàng xăng dầu khu vực biên giới…
Tại một số tỉnh biên giới Tây Nam mỗi cây thuốc lá lậu con buôn lời khoảng 5.000 đồng, đưa sâu về nội địa để tiêu thụ sẽ lãi từ 10.000 - 15.000 đồng, thậm chí lên đến 20.000 đồng. Lợi nhuận lớn như vậy nên các đối tượng buôn lậu dùng mọi thủ đoạn để hoạt động. Đầu lậu thường sử dụng ô tô đời cũ, những chiếc ghe, tàu không số để chở thuốc lá lậu từ bên kia biên giới về, khi bị phát hiện chúng sẵn sàng bỏ của chạy lấy người…
Tỉnh Kiên Giang có đường biên giới giáp với Cămpuchia, với cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và cửa khẩu quốc gia Giang Thành và nhiều đường tiểu ngạch nên dù các cơ quan chức năng đã tăng cường biện pháp phòng, chống nhưng tình trạng nhập lậu thuốc qua biên giới vẫn không giảm. Người dân địa phương cho biết: con đường từ cửa khẩu vào bến Xuồng là đường độc đạo vận chuyển hàng lậu từ Bến Xuồng vào nội thị đã được một doanh nghiệp đầu tư làm mới, các đối tượng vận chuyển hàng lậu thường dùng những chiếc xe gắn máy được chế lại một số bộ phận để chạy nhanh hơn, cơ quan chức năng khó bắt được. Mặt khác, bọn buôn lậu không đi riêng lẻ mà tập trung thành từng đoàn 5 đến 7 xe gắn máy có lực lượng đi trước, đi sau dò đường, báo tin, hộ tống. Do thuộc lòng quy luật hoạt động của các lực lượng tuần tra nên dù đoạn đường từ Hà Tiên về Rạch Giá gần 100km chúng vẫn đưa được hàng về nơi tập kết để phân phối cho các đại lý thuốc lá khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh Long An có gần 140km đường biên giới giáp với Cămpuchia hiện được xem là địa phương xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá dữ nhất trong thời gian qua. Theo Thường trực Ban chỉ đạo 127 tỉnh, điểm nóng của tình hình buôn lậu là các huyện Đức Huệ, Đức Hòa. Chỉ tính riêng trong quý I.2011, các lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện 94 vụ buôn lậu thuốc lá, khởi tố 1 vụ; tạm giữ 63 xe gắn máy, 10 xuồng máy; thu giữ gần 600.000 gói thuốc lá. Tại Cần Thơ, nơi tiêu thụ thuốc lá ngoại nhập lậu nhiều nhất miền Tây, trong một ngày lực lượng chức năng cũng đã bắt vụ buôn lậu thuốc lá với số lượng tới hơn 3.500 gói.
Hiện nay tình trạng buôn lậu diễn ra công khai, nhưng lực lượng chức năng rất khó khăn trong việc bắt giữ. Vì khi lực lượng chức năng xuất hiện, những kiện hàng đều nhanh chóng được đưa về bên kia biên giới. Việc rượt đuổi ngay trên đường, trên đồng trống cũng không đem lại hiệu quả. Tại khu vực Bến Xuồng mỗi ngày có hàng chục tấn hàng với nhiều chủng loại từ bên kia biên giới được chuyển lậu sang nước ta, số hàng mà các lực lượng chức năng thời gian qua bắt giữ không đáng kể so với thực tế.
Để công tác chống buôn lậu ở khu vực biên giới có hiệu quả, lực lượng hải quan và biên phòng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu và các đối tượng thông tin qua biên giới. Lực lượng công an cần xây dựng chuyên án xử lý các đầu lậu, điểm tập kết hàng ở biên giới. Trước mắt, để hạn chế buôn lậu, lực lượng biên phòng cần ngăn chặn những người qua lại biên giới trái phép, đồng thời phối hợp lực lượng hải quan tuần tra các cửa khẩu và dọc tuyến biên giới; cảnh sát kinh tế các tỉnh và các huyện biên giới tăng cường tuần tra cả trên bộ và các tuyến đường thuỷ; quản lý thị trường siết chặt việc kiểm soát các đầu mối tiêu thụ hàng lậu ở nội địa…
Theo Báo điện tử ĐBND