Năm học 2009 - 2010, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) dự kiến sẽ duy trì, củng cố thành tựu phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, đẩy mạnh thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và xây dựng trường chuẩn quốc gia; Ðẩy mạnh việc tổ chức dạy học hai buổi/ngày trong cả nước, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.
Ðể bảo đảm không xảy ra tình trạng học sinh học quá sức, quá tải khi học hai buổi/ngày, Bộ GD-ÐT yêu cầu Hiệu trưởng các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học hai buổi/ngày trên cơ sở bảo đảm yêu cầu về nội dung và thời lượng. Theo đó, các trường sẽ dạy học theo kế hoạch giáo dục, thực hiện chương trình và sách quy định cho mỗi lớp theo quy định; thực hành kiến thức đã học và tổ chức học sinh tham gia các hoạt động thực tế tại địa phương nhằm hỗ trợ cho việc học tập; giúp đỡ học sinh yếu vươn lên hoàn thành yêu cầu học tập, hoặc bồi dưỡng học sinh năng khiếu; dạy học các môn học tự chọn; tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp; tạo mọi điều kiện để học sinh hoàn thành bài tập ngay tại lớp. Ðối với những trường ở vùng khó khăn, việc tổ chức dạy học hai buổi/ngày không thêm nội dung dạy học, chủ yếu nhằm tạo điều kiện cho học sinh đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng.
Tối 29-8,TP Hải Phòng tổ chức biểu dương, khen thưởng 41 học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu năm 2009. 41 học sinh, sinh viên xuất sắc được biểu dương, khen thưởng năm 2009 là những người đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện. Trong đó, 6 học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú đoạt huy chương tại các kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế và giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, 15 học sinh Hải Phòng đỗ thủ khoa các trường đại học, 20 sinh viên Hải Phòng và các địa phương khác học đại học tại Hải Phòng tốt nghiệp thủ khoa. Tổng kinh phí khen thưởng lên tới hơn 190 triệu đồng.
Ngày 29-8, Báo Tuổi trẻ phối hợp Tỉnh Ðoàn và Sở GD-ÐT tỉnh Ðiện Biên tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2009 cho 151 sinh viên mới là những người con hiếu thảo, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và đều có thành tích học tập xuất sắc ở Tây Bắc gồm: Ðiện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai và Sơn La.
Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học tỉnh Tuyên Quang nhập hơn 2,1 triệu bản sách giáo khoa các loại với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng (phát hành hơn 1,8 triệu bản SGK) và đầu tư hơn hai tỷ đồng mua trang thiết bị học tập phục vụ nhu cầu của học sinh trong năm học mới 2009 - 2010. Toàn bộ số sách và trang thiết bị học tập nói trên đã được chuyển đến tất cả 16 cửa hàng, 30 đại lý và các trường học có nhu cầu trong năm học mới. Ðể giúp đỡ học sinh vùng đặc biệt khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, Tuyên Quang tổ chức "Tuần quyên góp sách giáo khoa" tại các trường học, vận động học sinh lớp trên nhường sách đã dùng cho học sinh lớp dưới.
UBND tỉnh Gia Lai vừa quyết định cấp hơn 24 tỷ đồng trích từ ngân sách địa phương để trang bị cơ sở vật chất phục vụ năm học 2009-2010. Trong đó, 8,5 tỷ đồng để mua vở, sách giáo khoa dùng chung cho học sinh dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh; 3,4 tỷ đồng xây dựng 10 phòng vi tính ở một số huyện; mua sắm trang - thiết bị dạy học và thiết bị dùng chung cho các cấp học từ lớp một đến lớp 12 với tổng kinh phí 12,3 tỷ đồng.
Công ty Sách và Thiết bị trường học tỉnh Sóc Trăng phát hành 1,8 triệu bản sách giáo khoa mới, giảm giá 10% cho các em học sinh trong hai tháng phát hành sách (năm học trước, công ty chỉ phát phiếu giảm 10% cho 60 nghìn học sinh). Ngoài ra, để giảm bớt khó khăn cho phụ huynh, học sinh, công ty đã kết hợp các trường học tổ chức mua bán sách giáo khoa cũ; vận động học sinh lớp trên tặng sách cũ cho học sinh lớp dưới; vận động các nhà hảo tâm tặng sách cho thư viện trường học, bảo đảm tất cả học sinh đều có đủ sách giáo khoa học tập.
Nhóm Thanh niên tình nguyện Thiên Trường (Nam Ðịnh) ngày 29-8 trao 50 suất học bổng "Hướng tới tương lai" năm học 2009-2010, cho các học sinh giỏi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ðây là dự án của Nhóm Thanh niên tình nguyện Thiên Trường thực hiện trong ba năm học 2009-2012, sẽ trao 150 suất học bổng với tổng trị giá 405 triệu đồng đến các học sinh giỏi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Nam Ðịnh.
Trường phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam được đầu tư hơn 12,6 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí vận động, đóng góp, tài trợ của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng. Trường với quy mô 12 phòng học và khu ký túc xá 20 phòng; hai nhà xưởng thực hành, phòng đọc sách, nhà công vụ giáo viên, cổng tường rào, nhà bếp và sửa chữa, nâng cấp, cải tạo khu phòng học cũ, nhà ký túc xá nữ và các hạng mục phụ trợ khác...
Năm học 2009-2010, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tam Ðảo (Vĩnh Phúc) tiếp tục lấy việc phụ đạo học sinh yếu kém làm nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu kém và triển khai thực hiện.
Thành đoàn thành phố Cần Thơ phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) tổ chức Lễ trao học bổng "SCB - Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam năm 2009", nhằm biểu dương những học sinh giàu mơ ước, biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ðây cũng là hoạt động đầy ý nghĩa hưởng ứng cuộc vận động "Vì đàn em thân yêu" và chào mừng năm học mới 2009-2010.
Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Bình Dương tuyên dương 27 tập thể cán bộ quản lý - giáo viên và 450 học sinh giỏi năm học 2008-2009. UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 56 cá nhân đã có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, thi đại học, cao đẳng và các học sinh có thành tích cao các kỳ thi tốt nghiệp THPT thi học sinh giỏi quốc gia, thi đại học và cao đẳng... Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh cũng tặng bằng khen cho các học sinh có thành tích.
Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương tổ chức khánh thành, đưa Trường trung cấp nghề KCN Bình Dương (thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An) vào hoạt động. Ðây là Trường trung cấp nghề thứ 12 của tỉnh, gần nhiều KCN tập trung. Trường có vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng, trong đó dành gần 2,5 tỷ đồng trang bị thiết bị đào tạo. Năm học 2009 - 2010 trường tuyển sinh 10 ngành nghề trình độ trung cấp gồm: lập trình máy tính, quản trị mạng, điện dân dụng, điện công nghiệp, điện tử dân dụng, may và thiết kế thời trang, hàn, điêu khắc gỗ, kế toán doanh nghiệp... Theo quy mô dự kiến trường sẽ đào tạo 500-700 học viên/năm, cung cấp lao động có nghề cho các doanh nghiệp tại KCN.
Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Ninh Bình đang chủ động giúp học sinh, sinh viên nghèo vay vốn để bước vào năm học mới (2009 - 2010) với tổng số vốn hơn 165 tỷ đồng. Hiện, ngân hàng đã chuẩn bị được 104 tỷ đồng để giải ngân trong những ngày đầu năm học mới.
Theo NhanDan Online