Hôm nay, 22 triệu học sinh, sinh viên trong cả nước chính thức bước vào năm học mới. Năm học này, dù còn khó khăn và đang đối diện với đại dịch cúm A/H1N1, nhưng ngành giáo dục đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học. Nhiều sở, trường có kế hoạch cụ thể để giảm tình trạng đọc chép, tăng tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp...
Nhiều tỉnh đặt mục tiêu "kéo" chất lượng giáo dục
Ngay trước thềm năm học mới 2009 - 2010, nhiều tỉnh có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thấp trong năm ngoái đều có những giải pháp nhằm "kéo" chất lượng giáo dục tỉnh nhà tăng lên.
Hôm nay, 250.000 học sinh tỉnh Sơn La bước vào năm học mới. Nhìn lại năm học qua, Sơn La là tỉnh có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thấp nhất nước, với gần 39,1%. Ông Trương Văn Thắm, Phó giám đốc, Sở GD - ĐT Sơn La cho biết: “Để khắc phục, trước mắt, chúng tôi tập trung rà soát đội ngũ quản lý giáo dục trên địa bàn xem có đạt chuẩn không. Nếu giáo viên không đáp ứng yêu cầu thì sẽ cho thôi việc”. Những năm qua, đầu vào cấp THPT thường chiếm 80 – 85% học sinh THCS, năm nay Sở GD-ĐT tỉnh chỉ tuyển từ 70 – 75%. Sơn La đặt mục tiêu đỗ tốt nghiệp THPT năm nay là hơn 50%.
Đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ở mức gần 61 %, thấp hơn mặt bằng chung của cả nước 23%, lãnh đạo ngành giáo dục Bắc Kạn đưa ra mục tiêu khiêm tốn chỉ ở mức 65% cho năm học mới. Ông Lê Văn Trang, Phó giám đốc Sở GD – ĐT Bắc Kạn cho hay: "Chúng tôi tập trung vào chất lượng thực chứ không chạy theo chất lượng ảo. Sở sẽ điều động giáo viên khá, giỏi đến các trường vùng khó khăn, trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp của tỉnh".
Khai giảng năm học mới tại tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Cao Bằng cũng nằm trong top các tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp THPT thấp với hơn 64,2%. Năm nay, Cao Bằng phấn đấu đỗ tốt nghiệp đạt 80%.
Kiên Giang có tỷ lệ tốt nghiệp 59,38% nên Sở GD - ĐT tỉnh này đã quyết định tựu trường sớm hơn hai tuần để hệ thống lại kiến thức cho học sinh. Sở cũng tiến hành đánh giá lại giáo viên cấp THPT và gửi giáo viên tiếng Anh đi bồi dưỡng ở TP HCM và Singapore. Với những giải pháp đó, ông Ninh Thành Viên, Phó giám đốc, Sở GD - ĐT Kiên Giang hy vọng, mục tiêu đỗ tốt nghiệp THPT trong năm học này ở mức 75% sẽ thành hiện thực.
Theo Sở GD - ĐT Cần Thơ, hôm nay, toàn thành phố có khoảng 210.000 học sinh ở các cấp học bước vào năm học mới, trong đó, bậc tiểu học và THPT tăng khoảng 9.000 học sinh. Trong số 4.600 phòng học hiện có vẫn còn gần 700 phòng học tạm bợ và 13 xã chưa có trường mẫu giáo. Năm học 2009 - 2010, Sở GD-ĐT Cần Thơ đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT là 80% (năm học vừa qua, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh giảm 16%).
Sẽ giảm mạnh tỷ lệ học sinh bỏ học, ngồi nhầm lớp
Ông Trác Văn Đây, Phó giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết: Mục tiêu trọng tâm của ngành GD-ĐT trong năm học này là: giảm tỷ lệ học sinh bỏ học bậc tiểu học dưới 1,5%, bậc THCS không quá 3% và bậc THPT không quá 5%; xử lý dứt điểm tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp; phấn đấu tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 75%... Trước năm học mới, toàn tỉnh đã xây dựng mới 142 phòng học mới với tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ đồng. Hội Khuyến học tỉnh đã tặng 160 suất học bổng cho HS nghèo hiếu học, mỗi suất 300.000 – 500.000 đồng. Nhiều mạnh thường quân đã đóng góp hàng chục ngàn quyển tập và sách giáo khoa giúp học sinh nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đến trường.
Để tạo điều kiện cho học sinh nghèo đến trường, năm nay, tất cả học sinh ở An Giang đều được miễn phí tiền đò, phà và hơn 1.000 học sinh Việt kiều từ Campuchia sang học (tập trung ở huyện đầu nguồn An Phú) đều được miễn học phí.
Cơ sở mới, mục tiêu giảm đọc - chép mới
Ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở GD - ĐT Đà Nẵng, cho biết, ngành giáo dục sẽ sớm tham mưu UBND thành phố xây dựng đề án (hoặc quyết định) về việc triển khai thực hiện mục tiêu “Không có học sinh bỏ học”. Trong dịp hè vừa qua các trường học đã tích cực vận động, tổ chức phụ đạo cho 95 học sinh bỏ học để đến lớp trong năm học mới. Ngoài ra, Sở GD – ĐT sẽ phát động toàn ngành từng bước chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua “đọc - chép”, nhất là ở cấp THCS và THPT; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách đánh giá học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh... Thành phố Đà Nẵng cũng đã đầu tư hơn 176 tỷ đồng cải tạo 76 công trình trường học, sửa chữa 380 phòng học, hoàn thành 12 công trình đưa vào sử dụng trong năm học này.
Tương tự, tại hai tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, ngành giáo dục đã kịp thời nâng cấp, đưa vào sử dụng nhiều trường, lớp và đưa ra các mục tiêu cụ thể nâng cao chất lượng dạy và học, trong đó có việc giảm tỷ lệ đọc - chép. Năm nay, TP HCM đưa vào sử dụng đúng ngày khai giảng 607 phòng học mới. Năm học 2009 – 2010 là năm ngành giáo dục TP HCM tiếp tục triển khai sâu rộng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đổi mới toàn diện nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục. "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" tiếp tục được cụ thể hóa và đi vào chiều sâu. Hôm qua, tại buổi khai giảng của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM nhấn mạnh: “Ngành giáo dục TP HCM phải là nòng cốt trong việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; củng cố và giữ vững kết quả xóa mù chữ”.
Còn tại Hà Nội, để khắc phục tình trạng “thụt lùi” về giáo dục sau khi Hà Tây sáp nhập với Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, năm học này sẽ tăng cường giáo viên giỏi về các “vùng trũng” ở một số huyện thuộc Hà Tây cũ. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các địa phương này.
Theo Báo Đất Việt Online