Trước thềm năm học mới, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc đối thoại trực tuyến dài hơn 4 giờ với độc giả trong và ngoài nước.
Những vấn đề chính, “nóng” nhất và được quan tâm nhiều nhất về chất lượng giáo dục, lương bổng giáo viên, đạo đức nhà giáo và học sinh...trong hơn 2.500 câu hỏi của độc giả đã được Phó Thủ tướng và lãnh đạo Bộ GD&ĐT trả lời cặn kẽ, thấu đáo...
Làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo?
Trả lời câu hỏi của độc giả Nguyễn Văn Nam, 54 tuổi - Giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hoạt động giáo dục đòi hỏi nhiều yếu tố. Trước tiên, xác định mục tiêu chương trình giáo dục, kế đó là hệ thống sách giáo khoa, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, tiếp theo là lực lượng đội ngũ giáo viên gồm cả quy mô, số lượng. “Chất lượng giáo dục hiện nay chính là vấn đề lớn nhất mà người dân và ngành giáo dục quan tâm. Xét về phương diện lịch sử, muốn quản lý chất lượng giáo dục, chúng ta còn cần dựa vào những chỉ số về chất lượng và giám sát chỉ số đó. Để làm được điều này, chúng ta cần những cơ quan chuyên trách. Đến năm 2004, trong Bộ GD&ĐT chưa có cơ quan chuyên trách về quản lý chất lượng giáo dục”- Phó Thủ tướng nói. Vì vậy, từ 1975-2004, công tác quản lý chất lượng nói chung tuy được quan tâm nhưng chủ yếu lồng ghép vào các hoạt động của các Vụ thuộc Bộ. Từ 2004 đến nay, chúng ta có Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng và từ 2008 đến nay, 63 tỉnh, thành đã có Phòng Khảo thí và Đánh giá chất lượng. Đó là một bước chuyển biến trong quản lý chất lượng, đó là coi quản lý chất lượng là nhiệm vụ hàng đầu của Nhà nước trong quản lý GD”. Vì thế, nếu nói khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục thì đó chính là đổi mới quản lý Nhà nước đối với hệ thống GD&ĐT. Tiếp theo là phân cấp.
Kết quả của thi THPT 2008 - 2009 có phản ánh đúng chất lượng dạy và học hiện nay?
Đó là câu hỏi của ông Phạm Đức Tài, làm ruộng. “Kì thi 2006-2007, xã hội rất bức xúc trước nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra, như: bắc thang vào ném bài thi hoặc gây mất trật tự an ninh quanh khu vực thi. Khi thí sinh thi xong thì phòng thi trắng tài liệu...Trước thực trạng đó, Ban cán sự Đảng của Bộ đã đột phá là nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Phó Thủ tướng nói về sự khởi đầu của phong trào “hai không” như thế. Chúng tôi có báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ và Thủ tướng có Chỉ thị số 33 là ngành GD phải tập trung vào chống bệnh thành tích trong giáo dục. Khi khởi động quá trình này chúng tôi mong muốn cho học sinh hiểu rằng năng lực làm người sẽ tương đương với tấm bằng đó. Phải tập trung cho năng lực thật. Kết quả thi cử không phải là con đường phát triển lâu dài. Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 33, tình hình có chuyển biến rõ rệt. Nếu năm 2007 ngành GD mở cuộc thi tốt nghiệp nghiêm túc và tuyên bố chấp nhận kết quả thật thì có 2.560 học sinh vi phạm quy chế thì đến năm 2009 số em bị đình chỉ còn 299 em, giảm 88% so với năm 2007. Tỷ lệ giáo viên vi phạm từ 35 xuống còn 3 giáo viên. Năm 2008, tỷ lệ bỏ học khoảng 147 ngàn học sinh, sang năm 2009 giảm còn 86 ngàn học sinh, giảm 41%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2008 là 76%. Sau đó 2009 tăng 83,8% mỗi năm tăng như vậy là thực tế đáng mừng. Chúng ta đã lập lại ý thức kỷ cương trong học tập. Kết quả thi cử năm 2009 cơ bản là phản ánh đúng thực chất. Mỗi năm tỷ lệ tốt nghiệp tăng xấp xỉ 10%, đến năm 2010 đạt 90%/ 4 năm nỗ lực tối đa để trở thành tỷ lệ tốt nghiệp gần như cũ.
Đề án cải cách lương và vấn đề học phí
Phó Thủ tướng cho biết trong đề án Chính phủ trình Quốc hội đổi mới cơ chế tài chính, thể hiện giáo dục là quốc sách của xã hội, qua thảo luận Quốc hội đã biểu quyết là sắp tới trong giai đoạn 2011 - 2015, sẽ thực hiện phụ cấp nhà giáo. Như vậy phụ cấp nhà giáo sẽ làm tăng thu nhập của giáo viên đồng thời tăng thêm sự gắn bó của giáo viên với ngành. “Chúng tôi coi đây là giải pháp đã nằm trong kế hoạch triển khai tuy nhiên chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nên tăng trưởng kinh tế của chúng ta thay vì 8-9% chỉ đạt trên dưới 5% do đó mức độ và tiến độ của việc thực hiện thâm niên sẽ được quyết định cụ thể trong thời gian từ chương trình 2009-2014 ở thời điểm phù hợp. Còn đối với cán bộ quản lý thì Quốc hội đã thông qua một chính sách đặc biệt là nếu thầy cô giáo dạy giỏi chuyển sang làm cán bộ quản lý ở Phòng Giáo dục, Sở GD&ÐT thì sẽ được giữ phụ cấp giảng dạy trong vòng 3 năm mặc dù là không còn dạy nữa”. Về vấn đề học phí, Phó Thủ tướng khẳng định hiện nay không phải học phí của chúng ta ngày càng tăng. Vừa rồi Quốc hội thông qua Đề án đổi mới cơ chế tài chính, khẳng định với giáo dục phổ thông, việc đóng học phí là phù hợp khả năng chi trả tức là những người nghèo, phần dành cho con em đi học. Ví dụ một tháng không đủ dành vài chục nghìn để mua quần áo sách vở, diện đó hoàn toàn không phải đóng học phí, không phải chỉ miễn mà còn được hỗ trợ thêm kinh phí để mua sách vở đi học. Đây là chính sách mới, không phải miễn mà còn cho thêm để đi học. Còn những hộ ở đô thị có thu nhập tương đối cao thì sau trước vẫn đóng nhiều hơn nhưng theo nguyên tắc là không gây khó khăn về chi trả. Cần nhấn mạnh là chúng ta không hề có chủ trương là tăng học phí ở cấp phổ thông mà ngược lại tiếp tục miễn giảm, thậm chí còn cho thêm. Ví dụ như vừa qua Quốc hội đề xuất phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đối với vùng miền núi, có trường công lập rồi mà gia đình vẫn không đủ tiền cho con đi học thì Nhà nước vẫn sẽ hỗ trợ toàn bộ. Đối với khối giáo dục đại học, học phí tăng thêm nhưng đi kèm theo đó là có chính sách cho vay đi học...
Báo Văn Hóa Online