Cập nhật: 08/11/2009 16:56:53 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong xu thế toàn cầu và hội nhập, GD Việt Nam đang từng bước tiếp cận với các chuẩn quốc tế. Đặc biệt là GD đại học, càng không thể “một mình một hướng” và luôn phải đi trước một bước.

 

Các trường ĐH lớn của Việt Nam đã xúc tiến liên kết quốc tế trong đào tạo từ lâu, tạo được nhiều ấn tượng tốt với các trường ĐH tiên tiến trên thế giới. Việc liên kết quốc tế trong đào tạo đại học đã được khẳng định là yếu tố quan trọng để quá trình hội nhập nhanh chóng đi đến thành công. Tuy nhiên, các mối liên kết này cũng không dễ để có thể thiết lập, nhất là với các nhà trường còn non trẻ. Họ sẽ phải nỗ lực rất lớn để có thể tạo lập được các mối liên kết này, với sự hỗ trợ của chính các trường liên kết, từ đó biến tiềm năng hợp tác quốc tế thành hiện thực.

 

Nhân dịp TS Tatiana Kompaniets - Hiệu trưởng Trường ĐH quản trị kinh doanh Barcelona (Tây Ban Nha) sang thăm Việt Nam và tìm hiểu GD ĐH Việt Nam, chuẩn bị cho việc thiết lập những mối quan hệ hợp tác trong thời gian tới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng bà.

 

PV: Thưa bà Tatiana, bà đã sang thăm Việt Nam nhiều lần chưa và cảm nhận của bà về đất nước chúng tôi ra sao?

 

Bà Tatiana: Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, đến Hà Nội, đúng vào mùa thu, khi cả Hà Nội và đất nước đang chuẩn bị cho đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, tôi thật sự ấn tượng về một đất nước tuyệt vời có những con người rất thân thiện, lạc quan, mặc dù còn rất nhiều khó khăn trước mắt, nhưng riêng tôi cảm nhận thì tương lai là rất sáng sủa. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác quốc tế và hội nhập.

 

PV: Cảm ơn bà! Thế còn với GD đại học Việt Nam, bà đã có những cảm nhận thế nào?

 

Bà Tatiana: Tôi nghĩ rằng, với GD đại học Việt Nam, bây giờ là lúc có thời cơ thuận lợi để tăng cường hợp tác quốc tế - một mối quan hệ hợp tác không có cạnh tranh. Tôi đánh giá cao tiềm năng hợp tác này của Việt Nam, ở chỗ Việt Nam có một đội ngũ giảng viên đại học đã được rèn luyện, được trao đổi với nhiều nước trên thế giới. Các SV Việt Nam lại rất hiếu học, như truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, Việt Nam lại có chính sách mở cửa cho sự phát triển và đây là một hướng đi đúng đắn.

 

PV: Lại một lần nữa cảm ơn bà về những đánh giá đầy lạc quan đó đối với nền GD đại học của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng chúng tôi còn nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt là điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất, năng lực của đội ngũ giảng viên, cơ chế quản lý...Nhất là với những trường còn non trẻ, mới thành lập để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của thanh niên Việt Nam (chỉ trong 3 năm trở lại đây đã có 33 trường mới được thành lập), bà có nghĩ đến điều này?

 

Bà Tatiana: Theo tôi, chi phí cho đại học của Việt Nam còn thấp so với thế giới, nhưng điều đó không quan trọng. Tôi cho rằng Việt Nam có tiềm năng phát triển rất tốt, đặc biệt là trình độ của cả giảng viên và sinh viên. Việt Nam lại là một nước có internet rất phát triển. Đây là một cơ hội tiếp cận tốt với những thông tin đa dạng và mới mẻ. Còn với các trường đại học, có bề dày truyền thống lâu đời cũng là quan trọng, nhưng nói như thế không có nghĩa là các trường non trẻ thì không có cơ hội. Họ lại có thế mạnh khác, đó là không bị những thói quen cũ làm rào cản cho đổi mới. Và vì vậy, nếu được tiếp cận với những cái mới, cái tiến bộ, tiên tiến, tôi chắc chắn là họ sẽ tiếp cận nhanh hơn. Ví dụ, Trường ĐH Nguyễn Trãi là một trường mới vào năm học thứ hai nhưng tôi nghĩ rằng họ có tiềm năng để hợp tác và giữa chúng tôi (Trường ĐH quản trị kinh doanh Barcelona) với Trường ĐH Nguyễn Trãi đang có những thoả thuận hợp tác ban đầu có nhiều triển vọng.

 

PV: Xin bà giới thiệu một vài nét về Trường ĐH quản trị kinh doanh Barcelona?

 

Bà Tatiana: Trường ĐH quản trị kinh doanh Barcelona là một trường ĐH nằm trong nhóm các trường đại học trên thế giới, đạt trình độ quốc tế. Trường chúng tôi đang tiến hành đào tạo chuơng trình thạc sĩ cho nhiều trường đại học ở châu Âu và cũng có chương trình đào tạo thạc sĩ ngoài châu Âu, trong đó có Việt Nam. Trường có mối quan hệ hợp tác với 18 nước ở các châu Phi, Á, Mỹ. SV Trường ĐH quản trị kinh doanh Barcelona cũng như tất cả các SV Tây Ban Nha trong quá trình học tập tại trường đều có giai đoạn thực tập tại các hãng kinh doanh lớn của Tây Ban Nha để cọ xát với thực tế công việc sau này nên sau khi ra trường các em có thể tác nghiệp ngay. Trường chúng tôi rất sẵn sàng hợp tác với những dự án chung để đào tạo sau đại học trên nhiều nước. Các SV của chương trình hợp tác này ở khắp các quốc gia đều có cơ hội như các SV Tây Ban Nha, nghĩa là cũng được trao đổi về thực tập tại các doanh nghiệp Tây Ban Nha, được cấp học bổng bán phần (thông qua quỹ Saint Diodor Foundation). Các SV trẻ lại càng có cơ hội hơn.

 

PV: Còn liên kết với các trường ĐH ngay tại Việt Nam thì như thế nào, thưa bà?

 

Bà Tatiana: Chúng tôi đang dự kiến xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh, tài chính, du lịch khách sạn ở cả hai nước – Tây Ban Nha và Việt Nam, bên cạnh đó còn có các chương trình đào tạo trực tuyến (online). Chương trình này có thể giúp đào tạo giảng viên cho các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam về các lĩnh vực này, nếu họ có nhu cầu.

Giờ học ở khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội

 

PV: Được biết bà có tham dự quá trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn GD đại học châu Âu. Xin bà cho biết rõ hơn về Hệ thống này?

 

Bà Tatiana: Tại Bologna năm 1999, 40 bộ trưởng GD các nước châu Âu đã nhóm họp và tuyên bố sáng kiến này, có tên gọi Tiến trình Bologna, nhằm tạo ra một không gian chung cho GD đại học châu Âu, xây dựng một cơ chế chung, tăng cường sự lưu chuyển của giảng viên và sinh viên, nâng cao sự hợp tác và giao lưu giữa các trường trong lĩnh vực đào tạo đại học. Tại đây, các Bộ trưởng GD châu Âu đã cùng xác định 6 điều khoản trong Tuyên ngôn và sau đó tại Prague vào tháng 5-2001 bổ sung thêm 3 điều nữa, đó là: Thông qua một hệ thống các văn bằng có thể đọc được và so sánh được một cách dễ dàng; thông qua một hệ thống chủ yếu dựa trên hai vòng đào tạo cử nhân và thạc sĩ; Xây dựng hệ thống tín chỉ; Thúc đẩy sự lưu chuyển giảng viên và sinh viên; Thúc đẩy sự hợp tác của châu Âu trong việc đảm bảo chất lượng; Thúc đẩy định hướng châu Âu trong GD đại học (tích hợp những giá trị tiên tiến trong hệ thống GD đại học châu Âu và Mỹ); Thúc đẩy sự thu hút của vùng GD đại học châu Âu...

 

Quan trọng nhất là sự thành lập của hệ thống công nhận tín chỉ lẫn nhau giữa các trường. Hệ thống này giờ đây là một trong những thành tố tốt nhất của Tiến trình Bologna - hệ thống ECTS. Cho đến nay, đây vẫn là hệ thống tín chỉ duy nhất được thử nghiệm và áp dụng thành công trên toàn lãnh thổ châu Âu. Hệ thống này đã tạo điều kiện cho sự công nhận thời gian học tập tại nước ngoài và qua đó nâng cao chất lượng cũng như mức độ lưu chuyển của sinh viên ở châu Âu.

 

Sau 10 năm xây dựng và hoàn thiện không ngừng, đến tháng 1-2010, châu Âu sẽ có một tổ chức hợp nhất về đào tạo đại học. Sinh viên các nước trong lãnh thổ châu Âu có thể di chuyển trong các môi trường đào tạo ở các nước khác nhau, và được cấp bằng tiêu chuẩn châu Âu.

 

PV: Hệ thống tiêu chuẩn này liệu có mở rộng ra ngoài châu Âu, thưa bà?

 

Bà Tatiana: Hiện EU cũng có các dự án đào tạo với các nước ngoài châu Âu. Nhiều diễn đàn GD quốc tế được tổ chức cũng là một dịp để có thể trao đổi chương trình, học thuật giữa các trường đại học ở các hệ thống khác nhau, không chỉ ở châu Âu. Câu lạc bộ hiệu trưởng các trường đại học châu Âu với hơn 500 thành viên, nhóm họp mỗi năm 2 lần, cũng nhằm mục đích này. Tôi nghĩ các trường đại học Việt Nam, các hiệu trưởng đại học Việt Nam nên tham gia những tố chức quốc tế về GD đại học như thế này, để có thể trao đổi nhiều thông tin hữu ích. Ngoài ra, cũng có thể hợp tác đơn lẻ giữa 2 trường của hai nước với nhau, tuỳ từng điều kiện cụ thể, yêu cầu cụ thể.

 

PV: Xin bà cho biết cụ thể hơn về đào tạo thạc sĩ theo hệ thống tiêu chuẩn châu Âu?

 

Bà Tatiana: Trung bình cả đào tạo đại học và thạc sĩ tổng cộng cần 300 tín chỉ (ví dụ nhuư ở Tây Ban Nha trong 4 năm đại học sinh viên sẽ có 240 tín chỉ, 1 năm thạc sĩ với 60 tín chỉ), mỗi tín chỉ thông thường là 25 giờ học. Trong mỗi tín chỉ thì tỉ lệ giữa lý thuyết và thực hành là do từng nước qui định. Về thạc sĩ cũng có 3 loại: thạc sĩ chuyên nghiệp, thạc sĩ khoa học và thạc sĩ nghiên cứu. Thạc sĩ khoa học và thạc sĩ nghiên cứu thì được học tiếp lên tiến sĩ, riêng thạc sĩ chuyên nghiệp, nếu muốn học tiếp tiến sĩ thì phải học thêm 25 tín chỉ nữa. Đại loại là như vậy.

 

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn bà. Hi vọng sẽ sớm gặp lại bà tại Việt Nam, trong một chương trình liên kết với GD đại học Việt Nam một ngày gần đây giữa Trường Đại học quản trị kinh doanh Barcelona với các trường đại học Việt Nam.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại Online

Tệp đính kèm