Cập nhật: 10/11/2009 21:57:52 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giáo dục đại học (GD ĐH) đang là vấn đề nhận được sự quan tâm trong suốt thời gian qua, trong đó nổi cộm nhất vẫn là những gì liên quan tới sự thiếu hụt đội ngũ giảng viên, điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo...

Tại hội thảo khoa học quốc gia về giáo dục mở và từ xa (GDM và TX) vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, nếu loại hình GDM và TX được quan tâm nhiều hơn, nó có thể giải quyết được những vấn đề bức xúc của GD ĐH...

Mở hay khép?

Nói về bước phát triển của GDM và TX trong 15 năm qua, TS Nguyễn Hồng Sơn, Vụ GD Thường xuyên khẳng định loại hình đào tạo (ĐT) này đã góp phần thực hiện bình đẳng trong giáo dục, tạo cơ hội cho nhiều người được học, học thường xuyên, học suốt đời... nhờ giải quyết những khó khăn về khoảng cách địa lý giữa người học với các trung tâm văn hóa, cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, TS Sơn cũng cho rằng: "GDTX ở Việt Nam thời gian qua còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém". Điểm yếu nhất thường được đề cập, là công nghệ đào tạo có chất lượng và hiệu quả thấp do "mỗi nơi làm một kiểu"; ở một số môn học, người theo học hệ đào tạo chính quy và tại chức phải dùng chung tài liệu; thời gian học trực tiếp nhiều... Trong khi đó, loại hình GDTX chưa được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Phần lớn các trường đang tự chủ, lấy thu bù chi cho các hoạt động hoặc tranh thủ nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. GS-TS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ GD ĐH, dẫn giải: 2 ĐH mở lớn nhất cả nước là Viện ĐH mở Hà Nội và ĐH mở bán công TP Hồ Chí Minh vẫn chưa nhận được sự đầu tư thích đáng của Nhà nước, bị "bỏ quên" trong 2 dự án GD ĐH có vốn vay của Ngân hàng thế giới.

GS-TS Thiệp nêu một nghịch lý: theo quy định của Nhà nước, các ĐH trọng điểm phải đi đầu trong việc ĐT chất lượng cao, 2 ĐH mở có chức năng đặc biệt là GDM và TX. Tuy nhiên, thống kê cho thấy các ĐH trọng điểm, kể cả 2 ĐH quốc gia, đều có số sinh viên không chính quy đông, ở một số trường là trên dưới 60% (ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ĐH QG Hà Nội, ĐH Bách khoa HN...). Trong khi đó, SV không chính quy ở 2 ĐH mở (các trường có chức năng chính là ĐT không chính quy) lại ở mức thấp hơn nhiều. Sự thể cho cảm giác các ĐH mở đang  "khép" và nhiều ĐH quốc gia và trọng điểm được biến thành các ĐH mở.

Thách thức nằm ở chất lượng đào tạo

Một trong những thách thức của ĐT TX hiện nay, theo ông Lê Văn Tin, Trung tâm ĐT từ xa ĐH Huế, đó là chất lượng đào tạo. Nếu chất lượng ĐT không được bảo đảm thì ĐT TX - vốn là một hình thức có ý nghĩa thực tiễn cao, đáp ứng yêu cầu cần thiết của xã hội - sẽ trở thành hình thức ĐT dễ bị xã hội phê phán.

Tác nhân gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo của loại hình ĐT này chính là điều kiện và ý thức học từ xa. Theo Thạc sĩ Tạ Thị Hồng Hạnh, Trường ĐH mở TP Hồ Chí Minh, thì ý thức học tập của học viên từ xa chưa cao và rất ít người chịu khó đọc, tìm hiểu tài liệu. Như vậy, mục đích cuối cùng sẽ không đạt được vì ôn tập từ xa thực chất là giải đáp thắc mắc, phản hồi từ phía người học. Chất lượng giảng dạy còn bị ảnh hưởng do người học từ xa khó có cơ hội tiếp cận với các giảng viên đầu ngành, bởi không phải giảng viên giỏi nào cũng sẵn lòng bỏ thời gian để di chuyển từ trường ĐH đến dạy ở các đơn vị liên kết đào tạo tại các tỉnh.

Sự thiếu hụt giảng viên là một trong 2 "vấn đề gay cấn" của GD ĐH nước ta hiện nay mà GS-TS Lâm Quang Thiệp tin rằng ĐT TX có thể giải quyết được. Ông Thiệp nêu: nếu 2 ĐH mở được tổ chức lại hợp lý và sớm đầu tư để có khả năng đào tạo cho số đông, Nhà nước có thể giao nhiệm vụ đào tạo hàng trăm nghìn SV theo phương thức GDM và TX. Điều đó góp phần làm giảm sức ép về số lượng giảng viên. Hơn nữa, khi ấy, sức ép về chỗ học trong các trường ĐH thông thường sẽ giảm bớt, Nhà nước có thể khống chế chỉ tiêu tuyển sinh của các trường này, chỉ tăng chỉ tiêu khi có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng, đặc biệt là về số lượng và chất lượng giảng viên.

Tuy nhiên, trước tiên, theo GS-TS Lâm Quang Thiệp, Nhà nước cần có chiến lược đầu tư ban đầu thỏa đáng hợp lý để các ĐH mở xây dựng cơ sở hạ tầng bảo đảm cho GDM và TX, đồng thời tổ chức lại các ĐH mở, thành lực lượng nòng cốt để triển khai đào tạo không chính quy trong GD ĐH.

 

Theo Báo Hànộimới Online

Tệp đính kèm