Cập nhật: 25/12/2009 23:18:45 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đó là nhận định chung của hơn 50 đại biểu tại “Hội thảo những vấn đề đặt ra đối với giáo dục đại học ở Việt Nam” do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội vừa tổ chức tại TP. HCM

Bức tranh đa dạng

 

Theo TS Trần Thị Hà – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT): Đến tháng 8/2009 cả nước có 226 trường Cao đẳng (CĐ); 150 trường Đại học (ĐH) và 71 Viện Nghiên cứu có đào tạo sau ĐH. Chưa kể còn có 120 trường CĐ nghề – Trung cấp (TC) nghề thuộc Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội quản lý. Quy mô đào tạo hiện nay của các cơ sở GDĐH khoảng 1.719.499 sinh viên (SV) ĐH, CĐ và hơn 60.000 học viên cao học; gần 10.000 nghiên cứu sinh. Dự báo năm 2020, cả nước có khoảng 8,5 - 9 triệu thanh niên (18-22 tuổi) trong độ tuổi ĐH. Với nền kinh tế công nghiệp và nền kinh tế tri thức mà nước ta đang bắt đầu xây dựng, cần có ít nhất trên 15% - hoặc trung bình 25-30% và cao hơn là 50% thanh niên VN trong độ tuổi học ĐH. Bên cạnh đó, nhu cầu học ĐH của người lao động vì nhiều mục đích khác nhau cũng tăng lên.

 

Chiến lược phát triển GDVN 2001-2010 xác định: đến năm 2010 đạt 200 SV /10.000 dân (hiện nay là 189 SV/10.000 dân). Mục tiêu đến năm 2020 đạt 4,5 triệu SV với 600 trường ĐH, CĐ trên cả nước. Từ năm 1998 – tháng 5/2009, toàn quốc có 31 trường ĐH thành lập mới (1 trường công lập; 30 trường ngoài công lập) phân bố đều các vùng miền. Chỉ tiêu tuyển sinh các trường mới thành lập những năm đầu khoảng 500 SV/1 trường, theo lộ trình sẽ cho phép tăng chỉ tiêu 10%/1 năm (nếu đội ngũ giảng viên được chuẩn bị tốt). Cũng từ 1998 - tháng 8/2009 có 54 trường CĐ được nâng cấp lên ĐH (51 trường công lập; 3 trường ngoài công lập) chủ yếu là CĐSP.

 

Ở các trường ĐH mới thành lập và mới nâng cấp, ngành nghề đào tạo được từng bước điều chỉnh theo hướng : tăng tỷ lệ đào tạo các ngành kỹ thuật – công nghệ; Nông - Lâm - Ngư; Y - Dược; Văn hóa - Nghệ thuật – Thể dục Thể thao. Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho: Công nghệ Thông tin; Sinh học; Vật liệu mới; các ngành phục vụ công nghiệp hóa & Phát triển Nông thôn; đào tạo đội ngũ chuyên gia, công chức cao cấp và cán bộ quản lý… Vì nhiều lý do, đa số các trường này chưa thực hiện đúng các cam kết trong đề án khả thi thành lập trường. Công tác hậu kiểm sau khi thành lập trường chưa tốt, chưa có chế tài xử lý đối với các trường không thực hiện đúng cam kết. Hạn chế lớn nhất là đội ngũ GV cơ hữu còn thiếu (nhất là những GV có trình độ GS; PGS; TS)….

 

Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ (Bộ GD&ĐT) TS. Tạ Đức Thịnh cho biết: Hiện có 61.190 GV đang giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ trong nước, chỉ có gần 10% trong số này đạt trình độ TS – TSKH (6.127 người); số GS – PGS chiếm chưa tới 3% (2.286 người). Độ tuổi trung bình của các GS là 58; PGS và TS là 47… Nói chung ta đang thiếu hụt rất lớn cán bộ khoa học đầu tàu. Nhiều trường CĐ không có TS, một số trường ĐH số TS đếm trên đầu ngón tay; nhiều trường ĐH không tìm ra GS; PGS… Hiện nay, các cơ sở GDĐH nước ta có trên 2.600 phòng thí nghiệm; gần 1.500 thư viện – trung tâm thông tin – xưởng thực hành – trạm trại thực nghiệm, với kinh phí đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng (ngân sách chiếm độ 30%). Hầu hết trang thiết bị phòng thí nghiệm – xưởng thực hành đã cũ kỹ lạc hậu…

 

Còn nhiều thách thức

 

Theo khảo sát của các doanh nghiệp ở Singapore (có 9 điều cần nhất ở các SV tốt nghiệp ĐH, CĐ), thì thứ tự ưu tiên là: 1/ Kỹ năng trình bày vấn đề; 2/ Kỹ năng giao tiếp; 3/ Kỹ năng làm việc theo nhóm; 4/ Khả năng giải quyết vấn đề; 5/ Xử lý công việc mềm dẻo linh hoạt; 6/ Khả năng quản lý lãnh đạo; 7/ Kỹ năng viết; 8/ Kiến thức chuyên môn; 9/ Khả năng vi tính…

PGS. TS. Lê Quang Minh – P. Giám đốc ĐH Quốc gia TP. HCM cho rằng: Chương trình đào tạo trong các trường ĐH hiện quá cứng nhắc, khó liên thông, khó chuyển ngành, trong khi thị trường lao động lại đòi hỏi rất cao ở SV khi ra trường là phải có các kỹ năng “mềm”, mà đây lại là điểm yếu rõ nhất ở ĐH nước ta. với SV VN, lâu nay ta đào tạo ngược lại; quá nặng về kiến thức chuyên môn và viết lách (sao chép bài giảng nặng nề máy móc)… Các trường ĐH của ta vận hành kiểu cũ, hiệu suất sử dụng nguồn nhân lực thấp, cần minh bạch và công bố chuẩn chất lượng đào tạo thật rõ ràng….

 

Là chuyên gia hàng đầu VN về GDĐH, GS.TS. Phạm Phụ (ĐH Bách khoa TP. HCM) – Ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia) nhận định: GDĐH VN đang đứng trước 7 bài toán nan giải và đan xen. Đó là: 1/ Bài toán đa dạng hóa mô hình đào tạo mâu thuẫn với việc rất khó để đảm bảo chất lượng đào tạo. 2/ Bài toán nan giải giữa mục tiêu trường ĐH vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận? Không làm rõ cơ chế này, các trường ĐH sẽ không phát triển được. 3/ Bài toán đảm bảo tài chính cho GDĐH đang gặp khó khăn lớn. Trong khi chi phí đơn vị cho 1 SV ở Mỹ là 22.000 USD/1 năm; Đài Loan 7.000 USD/1 năm thì ở ta chỉ có 500 USD/1 năm là quá thấp. 4/ Bài toán phát triển ĐH ngoài công lập đang gặp ách tắc. Từ năm 2005 – 2006, Chính phủ đã chỉ đạo phải chuyển đổi mô hình dân lập thành tư thục (xong trước 2006); thí điểm cổ phần hóa – hoàn trả vốn cho Nhà nước; tăng tỷ lệ SV ngoài công lập từ 12% (năm 2005) lên 30 – 40% (năm 2010). Đến nay, những chủ trương trên vẫn chưa thực hiện được. Riêng SV ngoài công lập mới chỉ đạt 15% (cuối năm 2009). 5/ Bài toán làm sao giữ được sự cân bằng nhất định giữa “mất chất xám” và “thu hút chất xám”. Ta đang báo động về tình trạng “chảy máu chất xám”. 6/ Bài toán về quản trị ĐH và tự chủ ĐH đã được xem xét triển khai thực hiện, nhưng chưa tìm được lời giải thỏa đáng. 7/ Bài toán về chính sách học phí và công bằng xã hội trong GDĐH còn ẩn chứa nhiều bất cập….

 

Theo GS Phạm Phụ, để giải quyết 7 bài toán nan giải, cần có những triết lý mới – nguyên lý mới và chính sách mới tổng thể đồng bộ về phát triển GDĐH theo hướng hội nhập toàn cầu – nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc VN. Cần chuẩn bị cho một cuộc cải cách GDĐH thực sự, nhưng tiến hành phải thận trọng, có lộ trình thích hợp.

 

Liên quan đến vấn đề làm sao để nâng cao chất lượng đào tạo? PGS TS Nguyễn Phương Nga – giám đốc Trung tâm đảm bảo đào tạo và nghiên cứu phát triển GD (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng : phải đặt các trường ĐHVN trong bức tranh chung của các trường ĐH trên thế giới để biết ta đang ở đâu ? Cần bổ sung quy định về chu trình và chu kỳ kiểm định chất lượng các trường ĐH. Nên có tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân và chuyên môn sâu về đo lường, đánh giá kiểm định chất lượng các trường ĐH, để đảm bảo tính khách quan, trung thực, tin cậy. Cần có những thay đổi căn bản về cơ chế quản lý GDĐH. Các kết quả kiểm định cần được công khai kịp thời. Kiểm định chất lượng gắn liền với việc phải xếp hạng các trường ĐH theo từng lĩnh vực, để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng đầu ra của các trường ĐH. Hiện nay công tác này ta làm còn yếu, hiệu quả thấp.

 

PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh – Hà Nội) băn khoăn: chúng ta đang tích cực xây dựng một số trường ĐH đạt chuẩn quốc tế, nhưng mục tiêu của những trường này là gì? Ta đầu tư nhiều tiền cho trường đạt chuẩn quốc tế, nhưng hầu như chỉ có con em nhà giàu vào học. Nếu xét về lợi ích quốc gia thì kiểu trường quốc tế như thế không hiệu quả, không nên phát triển rầm rộ. GD trước hết phải vị nhân sinh chứ không vị giáo dục.

 

Nói về mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 4,5 triệu SV, GS Trần Hồng Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ GD & ĐT) cho rằng : lấy đâu GV cho đủ để tăng GV lên gấp 5 lần so với hiện nay (từ 61.190 GV lên 305.950 GV)? Trong khi 10 năm qua số lượng GVĐH cả nước chỉ tăng gấp đôi. Đáng quan tâm hơn là chất lượng GV sẽ như thế nào? Nếu không bài toán nâng cao chất lượng GDĐH sẽ không giải quyết được…

 

TS Phạm Thị Ly (Dự án ĐH Tân Tạo – TP. HCM) nhận định: GD ĐH trước hết là hàng hóa công và phục vụ cho lợi ích công. Nhà nước không nên kiểm soát (control) mà là xác lập các nguyên tắc đúng đắn và giám sát (oversee) và thực hiện những nguyên tắc ấy. Các trường ĐH phải được tự chủ ở mức độ cần thiết; nếu không họ sẽ rất khó phát triển. Vì sự sống còn, các trường ĐH phải gắn chặt với các tổ chức sản xuất – kinh doanh, các tổ chức sử dụng lao động nói chung. Những tổ chức này biết rõ nhất họ cần những gì ở SV tốt nghiệp. Cần có cơ chế thích hợp để họ tham gia quyết định nội dung chương trình đào tạo, chứ không phải là những công chức giàu trí tưởng tượng. Sự tự chủ – tự chịu trách nhiệm trong các trường ĐH phải gắn liền với “3 công khai”, mà Bộ GD & ĐT đang yêu cầu các trường phải thực hiện. Đây là những giải pháp rất quan trọng giúp các trường ĐHVN sớm thoát khỏi tình trạng tụt hậu để vươn lên ngang tầm thời đại.

 

Các trường phải kiểm định và thực hiện nghiêm túc “3 công khai”

 

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD & ĐT) TS Trần Thị Hà nhấn mạnh: Nếu các trường ĐH không thực hiện nghiêm túc quy chế “3 công khai” theo chỉ đạo của Bộ GD & ĐT, thì Bộ sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2010. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu buộc các trường ĐH phải thực hiện kiểm định chất lượng trường và kiểm định chương trình đào tạo. Các trường ĐH mới nâng cấp cũng phải tự đánh giá. Sẽ có đánh giá trong và đăng ký đánh giá ngoài. Trường nào làm tốt việc đánh giá ngoài mới có quyền lợi trong chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo chất lượng cao. Bộ GD & ĐT sẽ thẩm định năng lực thực tế của các trường khi mở mã ngành đào tạo. Hàng năm, Bộ sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng và năng lực thực tế của từng trường ĐH.

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm