Cập nhật: 17/01/2010 17:32:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ tuyên dương các doanh nghiệp, nhà hảo tâm có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo lần thứ hai. Tới dự buổi lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, đại diện các bộ, ban ngành trung ương và 405 đại biểu đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.

Báo cáo về việc huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2007- 2009 do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý trình bày nêu rõ: Hai năm qua, ngành liên tục nhận được sự hỗ trợ, phong phú của các tập thể, cá nhân trong cả nước. Các hình thức đóng góp rất đa dạng bao gồm: xây dựng quỹ khuyến học, quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ học sinh nghèo; xây dựng trường, lớp học; đầu tư trang thiết bị dạy và học; hiến đất xây trường; dạy học không lấy tiền cho học sinh ở vùng sâu, hải đảo, trẻ em lang thang cơ nhỡ; chở đò cho học sinh đi học không lấy tiền; hỗ trợ nâng cao đời sống giáo viên; đóng góp công sức lao động cho nhà trường.

 

Tập hợp báo cáo của 47 sở giáo dục và đào tạo, 26 trường cao đẳng, đại học và 6 đơn vị trực thuộc, 2 tổng công ty cho thấy tổng nguồn lực do các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp từ năm 2007 đến nay là hơn 1.293 tỷ đồng, gần 18.000 USD, gần 277.000 EUR và hơn 167.000m2 đất.

 

Nhiều tổ chức chính trị- xã hội, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã có những hoạt động thiết thực, động viên khen thưởng kịp thời học sinh, sinh viên học giỏi, giảm bớt khó khăn cho các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập như Tập đoàn Tân Tạo, Tập đoàn Hoàng Long, Công ty cổ phần Him Lam, Tập đoàn dầu khí Việt Nam...

 

Trên phạm vi cả nước, nhân dân đã hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất để xây dựng trường học. Điển hình là ông Phùng Thanh Hùng, ấp 2 Phong Thạch A, Giá Rai, Bạc Liêu hiến hơn 23.000m2, ông Trần Văn Thưa, nhân viên bảo vệ trường THPT Kiến Văn, Cao Lãnh, Đồng Tháp hai lần hiến tổng cộng hơn 2.800m2, bà Nguyễn Thị Tuyết ở An Thạnh, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng đã ba lần hiến đất xây trường, khi nhà trường có nhu cầu mở rộng, bà đã vận động người thân đổi đất gần trường cho để tiếp tục hiện tặng gần 10.000m2…

 

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng để hiện đại hóa trang thiết bị dạy học: Tổ chức NEZAID của New Zealand tài trợ 32 tỷ đồng cho tỉnh Bình Định; Công ty Booyoung (Hàn Quốc) giúp 10 triệu USD trang bị bảng viết chống lóa và 10.000 đàn piano kỹ thuật số cho các trường tiểu học trên toàn quốc…

 

Các tổ chức quốc tế như MINOR của Mỹ, Tầm nhìn thế giới và các hiệp hội, tổ chức của Pháp, Thụy Sỹ đã giúp xây nhà cho học sinh dân tộc nội trú, tặng học bổng, đồ dùng sinh hoạt, học tập, tủ thuốc thiết yếu cho các trường vùng sâu, vùng xa…

 

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo và bày tỏ mong muốn họ tiếp tục ủng hộ cho ngành, tùy theo sức của mình.

 

Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, luôn luôn khẳng định đây là quốc sách hàng đầu của đất nước. Đảng đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về lĩnh vực giáo dục đào tạo, đặc biệt là Nghị quyết TƯ 2 khóa VIII, một nghị quyết chiến lược định hướng cho sự phát triển của giáo dục và đào tạo. Ngân sách đầu tư cho giáo dục luôn tăng lên trong những năm gần đây chứng tỏ Đảng và Nhà nước rất quan tâm và đã cố gắng tối đa để đầu tư cho ngành giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, vì đất nước còn nghèo, cho nên những đầu tư đó còn có những thiếu thốn. Trong những lúc khó khăn, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp luôn luôn đứng bên cạnh sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ ngành giáo dục và đào tạo. Những tấm lòng cao quý đó trước hết đem lại giá trị về vật chất rất to lớn nhưng hơn thế nữa là giá trị tinh thần to lớn, thể hiện tấm lòng cao cả, thể hiện sự quan tâm về giáo dục, thể hiện sự mong muốn, những yêu cầu, đòi hỏi của xã hội, của nhân dân đối với ngành giáo dục.

 

Chủ tịch nước cho rằng các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm liên tục đóng góp cho ngành giáo dục và đào tạo, trước hết là vì đánh giá cao vai trò của ngành đồng thời thể hiện tình yêu thương, trách nhiệm với học sinh, sinh viên là con em của mình. Nhưng điều quan trọng nhất là họ đặt niềm tin, gửi gắm, giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục và đào tạo, cho các thầy cô giáo quản lý thật tốt, sử dụng thật tốt những đóng góp đó, đem lại hiệu quả thiết thực, nhanh chóng vươn lên ngang tầm với giáo dục của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

 

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương và giải pháp quan trọng mà Đảng, Nhà nước ta đã triển khai nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội cho sự nghiệp xây dựng, phát triển giáo dục và đào tạo. 65 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục và đào tạo từ ngân sách ngày một tăng: năm 2000 chiếm 13%, 2005 là 18%, từ 2007 đến nay là 20%. Như vậy Việt Nam là một trong những nước đầu tư cho giáo dục từ ngân sách vào loại cao trên thế giới.

 

Bộ trưởng cho rằng để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân cũng như xây dựng một xã hội học tập, phát triển nền giáo dục nước nhà tiến lên ngang tầm với khu vực và quốc tế trong bối cảnh thu nhập đầu người của nước ta còn thấp thì việc thu hút sự hỗ trợ đầu tư từ các tổ chức, các doanh nghiệp, các cá nhân trong và ngoài nước cho nền giáo dục và đào tạo là rất quan trọng. Từ nhiều năm qua, ngành giáo dục đào tạo luôn trân trọng mọi hình thức đóng góp cho giáo dục của các tổ chức và cá nhân: xây dựng quỹ khuyến học, học bổng, xây dựng trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị dạy và học, hiến đất xây dựng trường, đóng góp công sức lao động. Mọi đóng góp dù nhỏ, dù to đều có ý nghĩa to lớn.

 

Thay mặt ngành giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn các tập thể, cá nhân đã có đóng góp cho ngành và nêu rõ: Đây là lần thứ hai Bộ tổ chức tuyên dương, tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, cá nhân có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo chưa được các cơ quan phát hiện, giới thiệu vào danh sách khen thưởng. Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng đề nghị các cơ quan tiếp tục phát hiện để đưa vào danh sách khen thưởng lần sau, tổ chức vào năm 2011.

 

Tại buổi lễ Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng bằng khen cho 194 tập thể, 153 cá nhân; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục cho 27 tập thể, trong đó có 7 người Việt Nam ở nước ngoài và một tổ chức có người Việt Nam ở nước ngoài.

 

Lễ tuyên dương các doanh nghiệp, nhà hảo tâm có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo lần thứ nhất giai đoạn 1996- 2006 được tổ chức vào đầu tháng 6- 2007, tại Hà Nội.

Hơn 150 tổ chức xã hội, doanh nghiệp và hơn 150 cá nhân hảo tâm được khen thưởng với tổng giá trị đóng góp là 900 tỷ đồng, hơn 22,3 triệu USD, 232.000 bảng Anh và 1,5 triệu mét vuông đất.

 

 

 

 

Theo NDOnline

Tệp đính kèm