Lời khen luôn có giá trị cao hơn bất cứ phần thưởng nào cha mẹ dành cho con cái. Nhưng cách khen chê của cha mẹ cũng ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của con sau này.
Khen, chê đúng cách
Trẻ em thường rất nhạy cảm, chính vì vậy, lời khen của bạn cần thật tâm thì mới có giá trị. Sự thật tâm đó thể hiện đầu tiên ở mức độ khen ngợi.
Nếu bạn cảm thấy hài lòng khi trẻ thu dọn xong những món đồ chơi một cách gọn gàng, bạn chỉ nên khen: “Con làm việc giỏi lắm!” thay vì khen: “Con của mẹ thật tuyệt vời!”. Một lời khen ngẫu hứng và dễ dãi có tác hại không kém những lời chê bai quá mức.
Trẻ cảm thấy để trở thành đứa con tuyệt vời khá dễ dàng và rất khó để tiếp nhận một lời nhận xét tiêu cực (dù đó là thực tế) nếu trẻ làm sai. Hãy cố gắng để trẻ nhìn thẳng vào bản chất của sự việc, bởi trong thực tế cuộc sống, để trở nên tuyệt vời trong mắt ai đó thật vô cùng gian nan và chẳng hề giản đơn chút nào.
Việc khen không đúng chỗ sẽ làm trẻ có khuynh hướng trông mong mãi một lời khen cho một việc làm nào đó, bất kể điều đó có đáng được khen hay không. Thay vào đó, bạn cần phát triển lòng tự tin và cảm giác hãnh diện của trẻ vì thành quả đạt được là do chính trẻ đã làm nên. Trẻ thường có tâm lý thích và rất vui sướng, hân hoan khi được khen thưởng, đặc biệt ki trẻ biết bạn nhận ra giá trị và sự tài ba của mình. Vì thế, néu không cẩn thận bạn sẽ vô tình làm lu mờ niềm tin của trẻ khi mỗi việc dù rất nhỏ cũng đều đưa trẻ lên "chín tầng mây".
Ngoài ra, những câu nói đơn giản như: "Cám ơn con đã phụ giúp mẹ" hoặc "Ba mẹ rất vui vẻ thành tích học tập của con"... luôn có những sức mạnh diệu kỳ. Chúng đồng thời góp phần làm tăng mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình, tạo nên sự mật tiết giữa cha mẹ và con cái.
Hơn thế, khi cha mẹ biết tích cực khen ngợi trẻ và khen đúng lúc sẽ là bí quyết mang lại sự thành công không chỉ riêng cho việc giáo dục trẻ, mà còn cho cả chính bản thân mình.
Những điều cần tránh
Khi bị chê bai quá nhiều, trẻ có thể phản ứng theo hai thái cực khác nhau. Có trẻ tỏ ra chán nản vì nghĩ rằng cho dù có làm gì cha mẹ cũng chẳng hài lòng dẫn đến trẻ thiếu tự tin. Lại có trẻ tuy vẫn cố ép mình để làm hài lòng cha mẹ nhưng đến một lúc nào đó, trẻ sẽ có phản ứng bùng phát do bị dồn nén bấy lâu nay.
Nhiều ông bố bà mẹ vẫn tiết kiệm lời khen, hào phóng lời chê với suy nghĩ như thế sẽ hạn chế thói tự kiêu, kích động lòng tự trọng để trẻ không ngừng cố gắng. Tuy nhiên, điều này đôi khi gây tác dụng ngược lại. Bên cạnh đó, việc trẻ thường xuyên bị cha mẹ chê bai, nhất là khi có sự hiện diện của người khác là điều tối kị.
Nếu bị chê bai trước bạn bè hậu quả sẽ càng tệ hơn. Trẻ có khuynh hướng xem như mình bị xúc phạm nặng nề, bị sỉ nhục và sinh lòng oán trách cả cha lẫn mẹ. Đồng thời, trẻ có thể phản ứng lại một cách tiêu cực như cãi tay đôi với cha mẹ, đập phá đồ đạc, xé rách tập vở... tuỳ theo tính cách của từng đứa. Không ít trẻ bị đối xử như thế lâu ngày dần trở thành thói quen và lòng tự trọng cũng như sự tự tin của trẻ bị bào mòn rất khó phát triển mai sau.
Theo Tintuc Online