Cập nhật: 07/02/2010 17:26:53 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 157/2007/QÐ-TTg về tín dụng học sinh, sinh viên (TD HS, SV) nhằm giảm bớt gánh nặng trong chi phí học tập cho hộ dân nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn. Sau hai năm triển khai, chương trình này đi vào cuộc sống, trở thành chỗ dựa vững chắc cho hàng triệu học sinh nghèo cả nước theo đuổi ước mơ học tập.

Những kết quả bước đầu

"Trước đây có những lúc phải chạy đôn, chạy đáo, vay của tư nhân lãi gấp bốn, năm lần ngân hàng thương mại mà vẫn không lo được tiền cho con chi phí học tập hằng tháng. Bây giờ, được vay ưu đãi, gia đình tôi như bớt được gánh nặng luôn đeo bám hằng ngày" - Chị Nguyễn Thị Nghiêm, thôn Bạch Ða 2, xã An Lâm, huyện Nam Sách (Hải Dương) bộc bạch với chúng tôi. Cũng giống như nhiều hộ gia đình khác trong xã, đời sống của vợ chồng chị chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Dù là người cần cù, chịu khó nhưng có "đánh vật" với gần một mẫu ruộng thì việc bảo đảm cuộc sống gia đình ổn định đã khó khăn lắm rồi, nói gì đến chuyện dư giả. Tuy nhiên, vợ chồng chị lúc nào cũng mong mỏi các con lớn lên được học hành nên người. Cách đây hơn ba năm, khi người con cả Phạm Ngọc Tuấn đỗ vào Ðại học Công nghiệp Hà Nội, mong mỏi bấy lâu như vỡ òa nhưng nỗi lo về khoản tiền nuôi con ăn học lại như đè nặng thêm đôi vai vợ chồng chị. Rồi tiếp đến người con thứ hai Phạm Thị Huyền Ngọc thi đỗ Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên và người con út học THPT thì nguy cơ các con phải nghỉ học vì kinh tế khó khăn là dễ hiểu. Chỉ đến khi gia đình chị Nghiêm tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng học sinh, sinh viên, các con chị yên tâm học tập, "gánh nặng" nuôi ba con ăn học được giảm đáng kể.

Tại Trường đại học Y - Dược Thái Nguyên, chúng tôi gặp Vũ Thị Thủy, sinh viên năm thứ ba lớp y dược dự phòng quê xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ). Thủy cho biết: Khi học lên lớp bảy thì bố không may qua đời, một mình mẹ tần tảo nuôi hai anh em ăn học. Tuy nhiên, chỉ thuần túy sản xuất nông nghiệp thì gánh nặng chi phí học tập cho Thủy và anh trai Vũ Minh Ðức theo học Ðại học Nông-Lâm Thái Nguyên là quá sức với gia đình em. Phương án một trong hai người phải nghỉ học giúp mẹ đã được tính đến. Tuy nhiên, kể từ khi vay vốn tín dụng, học sinh, sinh viên, gánh nặng chi phí giảm đi, hai anh em đã yên tâm học tập. 

 

Ðó chỉ là hai trong số hàng triệu HS, SV thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn được vay vốn theo đuổi ước mơ học tập. Thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn của Nhà nước đã và đang được truyền tải đến với các hộ gia đình khó khăn có con em theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chương trình một mặt giúp đào tạo lượng lớn nguồn nhân lực phục vụ công cuộc CNH, HÐH; mặt khác, giúp cho một bộ phận nhân dân thu nhập thấp nhận được sự hưởng thụ bình đẳng về giáo dục và đào tạo, có công ăn việc làm, từng bước thoát nghèo. Ðáng chú ý, Chương trình TD HS, SV còn góp phần thúc đẩy phong trào học tập của các địa phương. Chúng tôi đến thăm một số gia đình vay vốn Chương trình TD HS, SV, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) tâm sự: Trước đây, nhiều học sinh con nhà nghèo học khá, giỏi nhưng không dám đi thi đại học, cao đẳng. Từ khi có Chương trình TD HS, SV, phong trào học tập phát triển nhanh chóng. Nếu như trước năm 2007 cả xã có chưa đến mười cháu đỗ vào các trường đại học, cao đẳng thì năm 2009  có gần 30 em thi đỗ vào các trường đại học. Tổng số dư nợ cho vay  của xã đến nay đạt 2,46 tỷ đồng với 223 hộ vay vốn TD HS, SV.

 

Bảo đảm "bốn biết"

 

Mặc dù sớm khẳng định ý nghĩa thiết thực nhưng sau hơn hai năm triển khai, Chương trình TD HS, SV còn không ít hạn chế. Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề cơ điện luyện kim Thái Nguyên Lê Huy Tuyên cho rằng: Với quy định hiện nay, nhà trường chỉ biết xác nhận cho học sinh, sinh viên có theo học tại trường mà không biết các em có được vay vốn hay không, bao nhiêu em được xét cho vay. Vậy là nhà trường xác nhận xong cứ như nằm "ngoài cuộc", khó khăn cho công tác quản lý, giáo dục ý thức HS, SV sử dụng đồng vốn vay đúng với mục đích học tập. Còn Phó Trưởng phòng công tác chính trị học sinh, sinh viên Ðại học Y - Dược Thái Nguyên Vũ Văn Long thì băn khoăn: Bộ Giáo dục và Ðào tạo cùng Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã thống nhất mẫu xác nhận chung nhưng vẫn còn một số nơi như Bắc Giang, Ðiện Biên lại yêu cầu lấy mẫu xác nhận của địa phương và phải có ký nháy của Ngân hàng Chính sách Xã hội địa phương mới giải quyết cho sinh viên; hoặc yêu cầu các trường xác nhận phải là hiệu trưởng ký mà không được ký thay khiến công tác xác nhận của nhà trường và quá trình xin xác nhận của sinh viên mất nhiều thời gian, gặp khó khăn. Trong khi đó, Phó Trưởng ban xóa đói, giảm nghèo xã Lê Lợi, huyện Chí Linh (Hải Dương) Nguyễn Văn Cố lại nêu lên lo ngại của nhiều hộ gia đình về việc cho vay qua thẻ theo từng học kỳ, các em khi đi học xa nhà khó có thể tự quản lý, dễ chi tiêu không đúng mục đích. Bên cạnh đó, việc triển khai cho vay còn nhiều thủ tục giấy tờ, trong khi phần lớn dân cư các vùng nông thôn; nhất là vùng khó khăn, miền núi, trình độ còn hạn chế. Một số địa phương còn lúng túng trong việc xác định tiêu chí và cách tính toán, lập danh sách thống kê hộ nghèo, cận nghèo, xác nhận chưa chính xác.

 

Ðể Chương trình TD HS, SV phát huy hơn nữa tính nhân văn, ý nghĩa xã hội, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, ngân hàng, địa phương và các tổ chức xã hội để nắm bắt được con số HS, SV được vay ở mỗi trường, việc sử dụng vốn có đúng mục đích học tập hay không. Mặt khác, thực hiện tốt việc công khai, dân chủ từ cơ sở trong thực hiện tín dụng đối với học sinh, sinh viên, tạo kênh dẫn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế thấp nhất các tiêu cực có thể xảy ra. Tăng cường tuyên truyền để người dân thuộc đối tượng hiểu rõ được mục đích chương trình. Nghiên cứu, cải tiến quy trình thủ tục hành chính giúp hộ vay vốn làm thủ tục thuận lợi.

 

Mới đây, tại buổi làm việc về thực hiện Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên , Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Cần thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền trên nguyên tắc "bốn biết" (các bộ biết, địa phương biết, ngân hàng chính sách xã hội biết và các trường biết) của chương trình để xã hội đồng tình, cùng tham gia và phục vụ công tác kiểm tra độc lập. Nâng cao tính chính xác trong xác nhận, bình xét đúng đối tượng được vay ưu đãi của chính quyền, đoàn thể địa phương. Cần khuyến khích, động viên các cơ quan, tổ chức có các hoạt động hỗ trợ việc làm đối với học sinh, sinh viên tham gia chương trình. Công bố công khai trên các trang thông tin điện tử của một số bộ, ngành về những sai phạm trong cho vay, sử dụng nguồn vốn vay của Chương trình để vừa nhắc nhở, vừa chấn chỉnh hoạt động theo hướng tích cực, qua đó khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội trong công tác kiểm tra, giám sát. Ðáng chú ý, cần mở rộng cơ chế hỗ trợ đối với các ngân hàng thương mại tham gia mua trái phiếu do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành để huy động thêm nguồn vốn cho Chương trình. Dự kiến, hai năm tới, huy động mười nghìn tỷ đồng cho chương trình nhằm phát huy hiệu quả của nguồn tín dụng học sinh, sinh viên, góp phần đào tạo nguồn nhân lực đạt kết quả cao.

 

 

Theo NhanDan Online

Tệp đính kèm