Ðổi mới quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội là chủ đề trọng tâm ngành giáo dục đặt ra đối với giáo dục đại học trong năm học 2009-2010 nhằm tạo ra sự thay đổi quan trọng trong bậc học này.
Thời gian qua có những luồng dư luận trái chiều nhau. Một số ý kiến cho rằng giáo dục ÐH đang "tuột dốc", đang "rơi tự do" về chất lượng và quản lý. Một số ý kiến khác khẳng định những thành tựu giáo dục nói chung và giáo dục ÐH nói riêng về phương diện quy mô, đa dạng chương trình đào tạo, hiệu quả cao so với chi phí thuộc loại thấp nhất thế giới... góp phần ổn định đất nước và giúp tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng đồng thời chỉ ra những yếu kém của hệ thống giáo dục đại học về phương diện quản lý chất lượng... Bộ Chính trị đã ra Thông báo kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII, phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020 ghi rõ: "Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD-ÐT) nước ta đã có những chuyển biến tích cực, về cơ bản đã thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII và kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa IX)". Ðồng thời, Kết luận còn chỉ ra: "Công tác quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém và là nguyên nhân chủ yếu của nhiều yếu kém khác". Khắc phục kịp thời những yếu kém trong quản lý giáo dục, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, việc chọn chủ đề năm học như trên cho thấy quyết tâm của ngành giáo dục nhằm tạo ra những thay đổi quan trọng và làm tiền đề cho những năm học sau.
Một trong những nội dung đổi mới giáo dục ngoài việc hình thành cơ chế tăng quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch mức chất lượng, tài chính và điều kiện bảo đảm chất lượng..., việc phân cấp cho chính quyền địa phương một số nhiệm vụ quản lý giáo dục đại học có thể xem là phù hợp với các Ðiều 99 và 100, Luật Giáo dục 2005, phù hợp với xu hướng cải cách hành chính giáo dục ÐH và phù hợp với một trong các quy luật quản lý giáo dục. Chính quyền địa phương chỉ thực hiện một số việc về quản lý giáo dục đại học phù hợp với năng lực, thẩm quyền và cơ chế mới mà không phải quản lý mọi mặt của hoạt động giáo dục. Một số người hoài nghi về năng lực của các Sở GD-ÐT khi thực hiện trách nhiệm quản lý giáo dục ÐH. Hoài nghi đó là có cơ sở nếu ngành giáo dục không xác định rõ năng lực, tầm quản lý của Sở GD-ÐT cũng như hành lang pháp lý, lộ trình thực hiện phân cấp quản lý. Tuy nhiên, việc giao cho chính quyền địa phương mà cụ thể là Sở GD-ÐT thay mặt UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tham gia công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của nhà trường đã từng có tiền lệ trong thời gian qua. Một số Sở GD-ÐT đã làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc liên kết đào tạo của một số trường ÐH, CÐ, TCCN và đã có những chấn chỉnh những sai phạm trong việc tuyển sinh và vi phạm các điều kiện bảo đảm chất lượng.
Giáo dục ÐH ở nước ta phát triển mạnh về quy mô suốt hơn một thập kỷ qua trong bối cảnh đổi mới và hội nhập. Rõ ràng, giữ nguyên mô hình quản lý theo kiểu hành chính quan liêu, mệnh lệnh trước đây sẽ kém hiệu quả và không phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục ÐH hiện nay và sau này. Hiệu lực quản lý giáo dục ÐH khó phát huy ngay cả khi chúng ta cố gắng ban hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật do quy mô đối tượng chịu sự kiểm soát vượt quá tầm vực kiểm soát của cơ quan quản lý ở Trung ương. Khó khăn này lại cộng thêm với yếu kém quản lý ở cấp nhà trường, trách nhiệm giải trình thực hiện không đầy đủ, văn hóa chất lượng chưa hình thành một cách phổ biến trong mỗi cá nhân tham gia vào quá trình giáo dục (sinh viên, giảng viên, cán bộ quản lý...), đầu tư nguồn lực không tương xứng với mở rộng quy mô..., là những thách thức để quản trị giáo dục ÐH một cách hiệu quả.
Cung cấp dịch vụ giáo dục ÐH trong điều kiện kinh tế thị trường đòi hỏi bên cung cấp dịch vụ (các trường ÐH) phải có trách nhiệm cung cấp thông tin một cách công khai, minh bạch, trung thực, liên tục, tin cậy cho người được cung cấp dịch vụ giáo dục (sinh viên, cộng đồng xã hội). Việc thực hiện "ba công khai" theo quy định của Bộ GD-ÐT sẽ có tác dụng làm lành mạnh hóa quá trình giáo dục và phù hợp với yêu cầu vận hành hệ thống giáo dục ÐH theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Có thể xem việc thực hiện "ba công khai" là điều kiện cần thiết và tiên quyết để tăng quyền tự chủ cho các trường đại học và thực hiện việc đổi mới cơ chế tài chính giáo dục ÐH có hiệu quả. Cơ chế bắt buộc các trường phải công khai, minh bạch về mức chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng, nguồn thu - chi của từng trường sẽ khó thực hiện có kết quả nếu vẫn giữ nguyên cách thức quản lý như cũ. Việc giao cho chính quyền các địa phương trên cơ sở có những công cụ pháp lý về việc thực hiện công khai, về liên kết đào tạo kiểm tra, giám sát quá trình và kết quả thực hiện "ba công khai" có thể xem là một trong các điều kiện "đủ" để thực hiện công khai, minh bạch của trường ÐH. Làm được như vậy mới thật sự thực hiện chức năng chính của quản lý Nhà nước về giáo dục là quản lý chất lượng thông qua sự phân cấp cho chính quyền địa phương để theo dõi, kiểm tra và giám sát.
Bộ GD-ÐT đã lường trước những thách thức khi thực hiện việc phân cấp trách nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước như năng lực đội ngũ quản lý của Sở GD-ÐT, cơ cấu bộ máy, biên chế cán bộ... và kể cả những phản ứng có thể có của một số trường ÐH "ngại" công khai và minh bạch hóa thông tin của mình và chịu sự kiểm soát của "bên thứ ba". Việc tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra ở Sở GD-ÐT, cùng với việc giám sát của giảng viên, sinh viên..., sự hình thành các công cụ pháp lý, và hỗ trợ của cơ quan quản lý T.Ư (thành lập Hội đồng hiệu trưởng, Hội đồng trường...) sẽ tạo sự đồng bộ để quản lý quá trình đào tạo tốt hơn.
Trong một tương lai không xa, khi mà giáo dục ÐH chuyển sang giáo dục cho số đông, quy mô giáo dục ÐH gia tăng nhanh, việc phân cấp bước đầu cho chính quyền địa phương tham gia quản lý giáo dục ÐH cũng có thể xem là bước khởi đầu để chính quyền tham gia ngày một chuyên nghiệp hơn trong quản lý giáo dục ÐH trên địa bàn và khi đó việc thực hiện quyền tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình của trường ÐH mới hiện thực hóa và bền vững.
TS HOÀNG NGỌC VINH – NDOnline