Cập nhật: 19/02/2010 17:34:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong tiêu chí ứng xử với học sinh, giáo viên được chấm điểm cao nhất (4 điểm) khi luôn chăm lo đến sự phát triển toàn diện của học sinh; dân chủ trong quan hệ thầy trò; tích cực tham gia và vận động mọi người tham gia các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của học sinh.

Cũng tiêu chí này, nếu giáo viên thân thiện với học sinh, quan tâm giúp đỡ học sinh; không thành kiến, thiên vị; không có hành vi xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh chỉ đạt mức 1 điểm.

 

Đây là một trong những nội dung được quy định tại phụ lục hướng dẫn một số nội dung đánh giá, xếp loại giáo viên trung học theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học Bộ GD&ĐT vừa ban hành.

 

Về phẩm chất chính trị, giáo viên sẽ được chấm điểm cao nhất khi gương mẫu và vận động mọi người chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia các hoạt động chính trị, xã hội; thực hiện nghĩa vụ công dân. Điểm cao nhất cao nhất cho tiêu chí đạo đức nghề nghiệp là say mê, toàn tâm toàn ý với nghề, thường xuyên đúc rút kinh nghiệm và vận dụng một cách sáng tạo trong hoạt động giáo dục; gương mẫu và vận động mọi người nghiêm chỉnh chấp hành các điều lệ, quy chế, quy định của bộ, ngành; tích cực tham gia và vận động mọi người tham gia đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực. Để đạt mức điểm tương tự tại tiêu chỉ ứng xử với đồng nghiệp, giáo viên phải chủ động hợp tác, cộng tác với đồng nghiệp thực hiện các nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh; tiếp thu và áp dụng kinh nghiệm của đồng nghiệp để nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục; biết chấp nhận sự khác biệt của đồng nghiệp góp phần xây dựng tập thể sư phạm tốt.

 

Tương tự, về lối sống, tác phong: Gương mẫu và vận động mọi người thực hiện lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp với bản sắc dân tộc và môi trường giáo dục; có tác phong mẫu mực, làm việc khoa học;

 

Vvề tìm hiểu đối tượng giáo dục: Có nhiều phương pháp sáng tạo và phối hợp với đồng nghiệp, tổ chức Đoàn, Đội, cha mẹ học sinh để thường xuyên thu thập thông tin về học sinh phục vụ cho việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch dạy học và giáo dục;

 

Về tìm hiểu môi trường giáo dục: Thông tin về môi trường giáo dục thường xuyên được cập nhật và được sử dụng trực tiếp có hiệu quả vào quá trình dạy học và giáo dục học sinh; về xây dựng kế hoạch dạy học: Kế hoạch dạy học năm học đảm bảo kết hợp chặt chẽ dạy học với giáo dục, kết hợp các hoạt động đa dạng, chính khoá và ngoại khoá thể hiện sự phối hợp, hợp tác với đồng nghiệp. Kế hoạch bài học thể hiện sự thống nhất giữa dạy và học, giữa dạy học và giáo dục, có nhiều phương án thích ứng với các đối tượng khác nhau, dự kiến được các tình huống sư phạm có thể xảy ra và cách xử lí;

 

Về đảm bảo kiến thức môn học: Có kiến thức sâu, rộng về môn học, có thể giúp đỡ đồng nghiệp những vấn đề chuyên môn mới và khó; về đảm bảo chương trình môn học: Đảm bảo dạy học đúng theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học, thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo kế hoạch dạy học đã được thiết kế, thực hiện tốt yêu cầu phân hoá;

 

Về vận dụng các phương pháp dạy học: Phối hợp một cách thành thục, sáng tạo các phương pháp dạy học đặc thù của môn học, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học theo hướng phân hoá, phát huy tính tích cực nhận thức và phát triển kỹ năng tự học của học sinh.

 

Về sử dụng các phương tiện dạy học, giáo viên được chấm điểm cao nhất khi sử dụng một cách sáng tạo các phương tiện dạy học truyền thống kết hợp với sử dụng máy tính, mạng internet và các phương tiện hiện đại khác; biết cải tiến phương tiện dạy học và sáng tạo những phương tiện dạy học mới....

 

Việc tổ chức thực hiện đánh giá, xếp loại giáo viên trung học được thực hiện theo 3 bước: Giáo viên tự đánh giá, xếp loại; Tổ chuyên môn đánh giá, xếp loại; Hiệu trưởng đánh giá, xếp loại.

 

Bộ GD&ĐT lưu ý, khi đánh giá giáo viên theo Chuẩn, điều cần thiết và hết sức quan trọng là phải căn cứ vào các minh chứng. Minh chứng là những tài liệu, tư liệu, hiện vật (ví dụ: bài soạn của giáo viên, sổ chủ nhiệm lớp, các chứng chỉ, chứng nhận, v.v...) được giáo viên tích lũy trong quá trình làm việc và xuất trình khi cần chứng minh. Ngoài các nguồn minh chứng nêu trong mỗi tiêu chuẩn, giáo viên có thể nêu các minh chứng khác phục vụ cho đánh giá. Người đánh giá cần xem xét minh chứng để kiểm tra, xác nhận hay điều chỉnh mức tự đánh giá của giáo viên.

 

Việc thực hiện đánh giá, xếp loại giáo viên trung học được thực hiện hàng năm vào cuối năm học.

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm