Cập nhật: 27/02/2010 16:26:55 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, theo đó, 17 điểm sửa đổi, bổ sung được áp dụng từ kỳ thi năm 2010 theo hướng tạo thuận lợi hơn cho thí sinh và các địa phương trong việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh chỉ được làm bài một trong hai phần tự chọn

 

Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2010 có 2 thay đổi quan trọng, liên quan mật thiết đến các thí sinh. Ngoài việc hạ điểm quy định được phúc khảo, một thay đổi trong trọng khác liên quan mật thiết đến các thí sinh là, đối với phần tự chọn (nếu có) trong đề thi, thí sinh chỉ được làm bài một trong hai phần tự chọn; nếu làm bài cả hai phần tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm cả hai phần tự chọn.

 

Hạ điểm được phúc khảo

 

Qui định về chấm phúc khảo được sửa đổi theo hướng giảm điều kiện để được phúc khảo và sửa điểm bài thi. Quy chế mới quy định: Mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi nếu điểm bài thi thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó ở lớp 12 từ 1,0 điểm trở lên (Trước đây, Bộ quy định sự chênh lệch này phải từ 2,0 điểm trở lên). Điểm của bài thi khi điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần trước cũng được điều chỉnh từ 1,0 điểm trở lên đối với môn Ngữ văn và từ 0,5 điểm trở lên đối với các môn thi khác (Trước đây, Bộ quy định chỉ điều chỉnh điểm khi có sự chênh lệch từ 1,0 điểm trở lên).

 

Ngoài ra, theo quy định mới, thí sinh phải có đơn xin phúc khảo bài thi trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày niêm yết công khai kết quả của kỳ thi (quy định cũ là 10 ngày). Sở giáo dục và đào tạo sở tại có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển đến Hội đồng phúc khảo của tỉnh mình toàn bộ danh sách và đơn xin phúc khảo bài thi trắc nghiệm của thí sinh; chuyển đến Hội đồng phúc khảo của tỉnh đã chấm bài tự luận toàn bộ danh sách thí sinh xin phúc khảo bài thi tự luận.

 

Không bắt buộc tổ chức thi theo cụm trường

 

Theo quy định mới, đối với các trường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chia cắt, giao thông không thuận tiện, điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, không đáp ứng quy định, sở giáo dục và đào tạo lựa chọn phương án tổ chức thi và báo cáo giải trình với Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng văn bản.

 

Xếp danh sách thí sinh theo môn thi ngoại ngữ

 

Một trong những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010 là danh sách thí sinh được sắp xếp theo môn thi ngoại ngữ (trừ thí sinh giáo dục thường xuyên). Thứ tự cụ thể như sau: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và môn thi thay thế. Xếp danh sách thí sinh phải thi của mỗi môn thi ngoại ngữ và thí sinh của giáo dục thường xuyên (nếu có) theo thứ tự a, b, c, ... của tên thí sinh.

 

Xiết chặt kỷ luật phòng thi

 

Ngoài những thay đổi quan trọng trên, nhiều sửa đổi bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT nhằm vào việc xiết chặt hơn kỷ luật phòng thi, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

 

Một số điểm đáng chú ý là: Tất cả mọi người tham gia tổ chức thi đều phải được học tập, nắm vững quy chế thi; tuyệt đối không được mang theo và sử dụng các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân trong khu vực thi khi các buổi thi đang diễn ra.

 

Kiểm tra toàn bộ hồ sơ đăng ký dự thi và các hồ sơ có liên quan đến kỳ thi, xem xét điều kiện dự thi của thí sinh, xác nhận tư cách thí sinh, quyết định không cho thí sinh dự thi nếu không đủ điều kiện và hồ sơ hợp lệ… Bộ phận làm phách phải giữ bí mật toàn bộ các nội dung liên quan đến phách của bài thi tự luận …

 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập các đoàn thanh tra thi tốt nghiệp của Bộ đến làm nhiệm vụ giám sát, đôn đốc việc thực hiện Quy chế trong tất cả các khâu của kỳ thi tại các địa phương, đơn vị tổ chức thi.

Trước khi giám khảo chấm bài thi tự luận, Tổ trưởng tổ chấm thi tổ chức cho các thành viên nghiên cứu hướng dẫn chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiến hành chấm chung ít nhất 15 bài thi để giúp cho mọi giám khảo của tổ nhất quán thực hiện hướng dẫn chấm thi. Các bài chấm chung phải được cho điểm ngay sau khi thống nhất điểm, phải ghi rõ “bài chấm chung” kèm theo chữ ký của Tổ trưởng tổ chấm thi và ít nhất 2 giám khảo.  Nếu trong tổ chấm thi có ý kiến thắc mắc không tự giải quyết được hoặc phát hiện có sự nhầm lẫn trong hướng dẫn chấm thi thì lập biên bản đề nghị Chủ tịch Hội đồng chấm thi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tuyệt đối không được tự thay đổi hướng dẫn chấm thi và biểu điểm.

 

Quy chế mới bãi bỏ khoản 2 Điều 10 và tất cả các nội dung liên quan đến Ban công tác cụm trường trong Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 3 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 4 năm 2010.

 

Theo Báo GD&TĐ online

Tệp đính kèm