Không chỉ là một di sản quí của cha ông để lại cho Hà Nội, khi trở thành Di sản Tư liệu thế giới, với tính độc đáo và quý hiếm, 82 bia đá tiến sĩ Văn Miếu sẽ làm phong phú thêm thể loại của Ký ức thế giới.
Đây là cơ hội để bạn bè thế giới hiểu thêm về truyền thống hiếu học, phương thức tuyển chọn, sử dụng và đề cao nhân tài của Việt Nam, góp phần quảng bá về hình ảnh đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến và Anh hùng, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Như tin đã đưa, 82 Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trong cuộc họp chiều 9/3 tại phiên họp toàn thể thường niên Ủy ban Ký ức Thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO đang diễn ra tại Macao- Trung Quốc.
82 tấm bia tiến sĩ hiện đặt trong Khu di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám từ lâu đã được coi là một trong những di sản văn hoá vô cùng giá trị của ông cha ta để lại. Càng đặc biệt hơn khi hệ thống bia tiến sĩ này đang được đặt tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám- Khu di tích lịch sử- văn hoá nằm giữa Thủ đô, là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt. Với bề dày hơn 1.000 năm, nơi đây đã đào tạo nên hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước và là nơi tôn vinh những nhân tài của đất nước.
Hệ thống bia Tiến sĩ Văn Miếu là nguồn sử liệu quí giá về lịch sử nền giáo dục của Việt Nam trong suốt 300 năm (từ giữa thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 18), là tư liệu xác thực để nghiên cứu tiểu sử của hàng ngàn danh nhân Việt Nam, đồng thời có nhiều giá trị về văn hoá, nghệ thuật. Theo Giáo sư Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, giá trị và nét độc đáo của 82 bia Tiến sĩ chính là những bài văn khắc trên bia: “Trên mỗi tấm bia đều có các bài văn do những nhà văn học nổi tiếng nhất của vương triều soạn, thể hiện mục đích cơ bản cũng như quan điểm đào tạo nhân tài của các triều đại phong kiến Việt Nam về giáo dục. Những triết lý cơ bản về dựng nước, giữ nước, bảo tồn văn hoá, phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài của các triều đại… đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt câu "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp" được viết trên bia Tiến sĩ năm 1484 (ghi lại khoa thi năm 1442) được coi như một tư tưởng lớn về việc sử dụng nhân tài của đất nước.
82 tấm bia đá mà mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo được kết tinh bởi trí tuệ, bàn tay tài hoa của những nhà văn hóa, thư pháp, nghệ nhân hàng đầu của đất nước qua các thời kỳ, không chỉ là niềm tự hào của người Việt Nam mà còn là di sản được thế giới công nhận bởi tính độc đáo và duy nhất.
Để hồ sơ Bia đá Văn Miếu được UNESCO công nhận, UBND Thành phố Hà Nội đã giao cho Trung tâm hoạt động văn hóa- lịch sử Văn Miếu- Quốc Tử Giám làm đầu mối, tập hợp các nhân sĩ, trí thức, các nhà nghiên cứu của Thủ đô chuẩn bị một bộ hồ sơ đáp ứng đúng yêu cầu của UNESCO, nêu bật được các giá trị tiêu biểu nhất của di sản.
Đông đảo các tầng lớp nhân dân đã hoan nghênh sự kiện 82 bia Văn Miếu được công nhận là di sản tư liệu của thế giới, thêm tự hào để tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, trọng dụng nhân tài của đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển:
Buổi sáng đầu tiên tại Khu di tích văn hóa- lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám sau khi được tin vui 82 bia Tiến sĩ tại đây được công nhận là Di sản tư liệu thế giới dường như nhộn nhịp hơn. Có rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã đến chiêm ngưỡng khu di tích, đặc biệt là các bia tiến sĩ. Ông Nguyễn Công Tuyển ở tập thể Bưu điện Hà Nội rất phấn khởi đưa cháu ngoại đến để thăm khu tích và các bia tiến sĩ ở đây: “Tôi rất mừng khi những Bia Tiến sĩ tại đây được công nhận là tư liệu thế giới. Hôm nay, tôi đưa cháu ngoại đến xem các bia đá để noi theo gương các tiến sĩ ngày xưa học tập...”.
Cầm trên tay món quà lưu niệm là một con rùa cõng trên lưng tấm bia Tiến sĩ- món quà lưu niệm đặc trưng của Văn Miếu- Quốc Tử Giám, một du khách ở Vĩnh Long cho biết: “Tôi rất vui và tự hào vì đất nước có di sản và truyền thống hiếu học lâu đời. Tôi sẽ tuyên truyền để đông đảo mọi người đến thăm”.
Trong lời thuyết minh với các đoàn khách của Bỉ, Pháp, Nhật đến thăm quan Văn Miếu- Quốc Tử Giám sáng 10/3, các hướng dẫn viên đều thông báo tin vui về việc 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu được công nhận là di sản thế giới. Các du khách nước ngoài đều bày tỏ sự thích thú. Bà Mery Hanvy- một du khách người Bỉ nói: “Thật thú vị, đây là lần đầu tiên tôi được tham dự tour tham quan này. Đây là nơi rất tuyệt vời để thăm quan. Nơi đây cho tôi rất nhiều điều đáng nhớ”.
Với các cán bộ, nhân viên ở Trung tâm hoạt động văn hóa- lịch sử Văn Miếu- Quốc Tử Giám, chiều 9/3 thật là một ngày đáng nhớ, bởi tất cả mọi người đều hồi hộp chờ đợi thông tin từ cuộc họp ở Macau. Văn Bà Phạm Thúy Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa- lịch sử Văn Miếu- Quốc Tử Giám cho biết: “4h15 phút chiều 9/3 có tin báo Bia Tiến sĩ được công nhận, chúng tôi rất xúc động. Đây không chỉ là di sản quí của Việt Nam mà còn của khu vực và thế giới...”.
Như vậy, sau Mộc bản triều Nguyễn, Bia Tiến sĩ Văn Miếu là di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam được đưa vào danh mục Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa với Thủ đô trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Không chỉ là nguồn tư liệu phong phú phản ánh một giai đoạn lịch sử hơn 300 năm dưới triều Lê-Mạc, Bia Tiến sĩ Văn Miếu còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam, thể hiện ở tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài.
Đến thăm các bia Tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám, thế hệ trẻ đã thêm tự hào về truyền thống hiếu học, tôn vinh người hiền tài của dân tộc ta, để thấy rõ hơn trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước, dân tộc, như ý kiến của Phan Anh Hà- sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội: “Các bia Tiến sĩ tôn vinh truyền thống hiếu học, tôn vinh nhân tài. Qua đó thế hệ trẻ nhìn vào để nỗ lực noi gương học tập, xây dựng đất trong thế kỷ mới, trong thời kỳ hội nhập này sánh ngang các cường quốc 5 châu khác...”.
Văn Miếu- Quốc Tử Giám hiện nay là điểm tham quan du lịch hấp dẫn, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến thăm, là một trong những trung tâm hoạt động văn hoá khoa học lớn của Thủ đô. Hệ thống bia Tiến sĩ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám vẫn có sức hút mạnh mẽ đối với các học giả, du khách, chính khách trong và ngoài nước./.
Theo VOVNews