Làm thế nào để làm giảm căng thẳng của các em học sinh trước kì thi, bớt đi những áp lực tinh thần và tạo ra một tâm lí tốt?
Theo các chuyên gia tâm lí cần phải tiến hành đồng thời một số biện pháp đó là: Cha mẹ luôn là điểm tựa tinh thần trong quá trình học tập của các em. Thường xuyên chia sẻ những khó khăn mà con mình đang vấp phải.
Kịp thời điều chỉnh về thời gian cũng như khối lượng kiến thức, trước hết vượt qua kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Cùng với nhà trường tạo điều kiện để các em học sinh có thể củng cố lại những kiến thức đã học, khắc phục lại tình trạng rỗng kiến thức. Đừng tạo cho các em những áp lực mà hãy giúp các em niềm tin vào khả năng của mình.
Gia đình hãy tạo điều kiện tốt nhất về thời gian để các em có thể đầu tư nhiều hơn vào các môn học thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, tránh ép buộc các em học quá nhiều, dẫn đến quá tải, nên kết hợp các hình thức giải trí, vui chơi để có thể tạo hứng thú học tập, bên cạnh đó luôn quan tâm giúp đỡ, theo dõi và điều chỉnh cường độ học tập làm sao phù hợp nhất, không nên học quá khuya, quên ăn, quên ngủ...
Nếu có những biểu hiện về rối loạn bất thường hãy đưa đến các chuyên gia tâm lí hoặc các bệnh viện để được các nhà tư vấn, các bác sĩ tìm cách tháo gỡ hoặc điều trị kịp thời.
Trong việc chọn trường, cha mẹ hãy cùng các em học sinh chia sẻ để tìm hiểu về ngành nghề mà con mình sẽ học. Căn cứ vào năng khiếu, năng lực thực tế của học sinh để có thể lựa chọn một trường phù hợp. Không nên áp đặt cho con trong thời gian này, khi mà kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chưa diễn ra.
Đồng thời cần thay đổi tư duy “phải thi đỗ đại học”, có thể giúp con lựa chọn các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp mà con mình yêu thích. Đồng thời cha mẹ cũng nên thường xuyên chia sẻ cùng con những khó khăn, vướng mắc, phối hợp cùng giáo viên để có thể giúp các em ổn định tâm lý.
Phía nhà trường, đội ngũ giáo viên cần thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp chung và riêng cho các em học sinh. Nhất là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, người có thể nắm vững được những tố chất cũng như năng khiếu và chiều hướng phát triển để giúp các em có sự lựa chọn tốt nhất, tìm hiểu những ngành nghề mà hiện nay xã hội Việt Nam đang cần, cơ hội việc làm cao.
Các tổ chức xã hội, các nhà tâm lý cũng có trách nhiệm giúp các em hướng nghiệp. Phối hợp với nhà trường, mời các chuyên gia, những người thành đạt để có thể hỗ trợ, giảm áp lực cho các em học sinh. Tạo ra sự vững vàng tâm lý trong việc chọn trường cũng như vượt quan các kỳ thi sắp tới. Việc chọn ngành, chọn trường là điều rất cần thiết đối với các em học sinh trong thời điểm này. Vì vậy, sự hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp phải được tiến hành thường xuyên, cũng như tư vấn trực tiếp đến từng cá nhân sẽ giúp các em lựa chọn một cách tốt nhất trong hành trang vào đời.
Không nên tạo áp lực cho các em học sinh như là một vấn đề chuẩn bị tâm lý, tinh thần tốt nhất. Một tâm trạng phấn khởi, một cảm xúc tích cực, một sự quyết tâm cao độ sẽ luôn giúp các em vững vàng trong các kỳ thi đầy khó khăn này.
Theo GD&TĐ Online