Ngày 8/7, các thí sinh sẽ bước vào “trận đấu” cuối tranh suất vào các trường đại học. Với số lượng khối thi nhiều, đợt thi này hứa hẹn sẽ gay gắt hơn đợt 1.
Cạnh tranh gay gắt
Đợt 2 kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 sẽ diễn ra vào 2 ngày 09/7 và 10/7 với các khối thi B, C, D và các khối năng khiếu.
Dự đoán, giống như đợt 1, số thí sinh đến dự thi đợt 2 này sẽ tăng hơn so với năm trước. Việc giảm thí sinh ảo có nghĩa tỷ lệ thí sinh dự thi thực sẽ sát sao với số đăng ký cũng đồng nghĩa với việc các thí sinh phải cạnh tranh gay gắt hơn.
Nhìn lại tỷ lệ “chọi” của các trường cho thấy, các khối B, D, C có tỷ lệ “chọi” tương đối cao. Đặc biệt phải kể đến ĐH Sài Gòn, khoa SP Sinh học tỷ lệ này lên tới 1/31,67 (30 chỉ tiêu/950 hồ sơ); SP Ngữ văn: 1/27,58 (40 CT/1.103 HS); SP Lịch sử: 1/18,23 (30 CT/547 HS); SP Địa lý: 1/31,2 (30 CT/936 HS); SP Tiếng Anh: 1/28,3 (30 CT/849 HS);
Tại ĐH sư phạm TP.HCM, khoa SP Sinh học có tỷ lệ “chọi” là 1/10,4 (939 hồ sơ/90 chỉ tiêu); SP Ngữ văn: 1/9,86 (1183 HS/120 CT); SP Lịch sử: 1/5,45 (599 HS/110 CT); SP Địa lý: 1/7,4 (814 HS/110 CT); SP Tâm lý - Giáo dục: 1/7,0 (280 HS/40 CT)...
ĐH Quy Nhơn: Ngữ văn 1/10,11 (80 CT/809 HS), Lịch sử 1/5,23 (80 CT/418 HS), Địa lý 1/11,04 (70 CT/773 HS), Giáo dục chính trị 1/2,25 (60 CT/135 HS), Tâm lý giáo dục 1/3,02 (50 CT/151 HS), Tiếng Anh 1/6,64 (80 CT/531 HS), Giáo dục tiểu học 1/22,50 (80 CT/1.800 HS),
ĐH sư phạm (ĐH Đà Nẵng): SP Sinh học 1/24,06 (50 CT/1.203 HS); CN Sinh - Môi trường 1/25,04 (50 CT/1.252 HS); Giáo dục chính trị 1/4,02 (50 CT/201 HS); SP Ngữ văn 1/14 (50 CT/700 HS); SP Lịch sử 1/7,44 (50 CT/372 HS); SP Địa lý 14,92 (50 CT/746 HS); CN Văn học 1/1,73 (50 CT/746 HS); CN Địa lý 1/2,98 (50 CT/149 HS); Văn hóa học 1/0,92 (50 CT/46 HS); CN Báo chí 1/7,04 (50 CT/352 HS); Giáo dục tiểu học 1/19,96 (100 CT/1.996 HS ); Giáo dục mầm non 1/9,63 (100 CT/963 HS)...
Siết chặt công tác coi thi
Công tác coi thi ở đợt thi thứ 2 này sẽ được đặc biệt quan tâm vì đây là đợt thi có nhiều môn thi tự luận. Năm 2009, đợt thi này có tổng số 170 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó số bị đình chỉ là 120, nguyên nhân bị đình chỉ thi có tới 77% do mang điện thoại di động vào phòng thi.
Trước kỳ thi đợt 2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã có công điện gửi các trường, trong đó nhấn mạnh việc siết chặt công tác coi thi; phổ biến kĩ các qui định của Quy chế thi cho cán bộ coi thi, nhất là cán bộ coi thi lần đầu; phổ biến kỹ Quy chế tuyển sinh cho thí sinh, nhắc thí sinh tuyệt đối không được mang điện thoại di động vào trong phòng thi, không để thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật do không được nghe phổ biến Quy chế;
Điểm mới về quy định phòng thi trong đợt thi này là cán bộ coi thi thứ nhất chỉ ký vào giấy thi và giấy nháp của thí sinh, sau khi thí sinh đã ghi đầy đủ họ tên, số báo danh và các mục cần thiết khác trên tờ giấy thi và giấy nháp. Đối với các tờ giấy thi và giấy nháp bổ sung, cũng thực hiện theo đúng qui định trên. Đối với các môn thi trắc nghiệm, cả 2 cán bộ coi thi ký vào phiếu trả lời trắc nghiệm và giấy nháp trước khi phát cho thí sinh.
Đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc hơn, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, kỳ tuyển sinh năm nay sẽ bố trí 30 phòng thi có trang bị camera để giám sát thí sinh và cán bộ coi thi. Năm 2009, nhờ trang bị hệ thống này, học viện đã phát hiện 2 thí sinh quay cóp và nhắc nhở nhiều cán bộ không thực hiện đúng quy chế thi.
Bà Trần Thị Hà, Phó Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, đề thi khó gian lận hơn bởi có rất nhiều mã đề, có nhiều nội dung bao quát chương trình. Việc gian lận, nhất là hình thức gian lận bằng điện thoại di động, là rất khó.
Để tuyệt đối tránh gian lận, từ kỳ thi năm trước, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Bộ Bưu chính - Viễn thông và Bộ Công an phối hợp kiểm soát tại các khu vực diễn ra kỳ thi tuyển sinh ĐH. Tại các khu vực thi, các số máy có cuộc đàm thoại thời gian dài sẽ được cơ quan công an lưu ý và điều tra nếu có dấu hiệu nghi ngờ.
Đặc biệt, chương trình máy tính tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cũng đã tích hợp chức năng chống gian lận trong tuyển sinh như thi hộ, thi kèm, chống dùng giấy chứng nhận kết quả giả.
Theo GD&TĐ Online